Để đạt được âm mưu độc chiếm Biển Đông, một mặt Trung Quốc tích cực tuyên truyền, xuyên tạc về “chủ quyền” đối với vùng biển này, mặt khác Bắc Kinh gia tăng các hoạt động phi pháp, khiêu khích trên thực địa nhằm tạo thế “sự đã rồi” và biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, để từng bước “nuốt trọn” Biển Đông. Vụ Bắc Kinh đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam là ví dụ điển hình cho âm mưu nham hiểm của Trung Quốc.
Thư tịch cổ của Trung Quốc thừa nhận lãnh thổ phía Nam nước này chỉ tới đảo Hải Nam và khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Ngụy biện trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Từ khía cạnh luật quốc tế và chứng cứ lịch sử đều chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa từ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì thế, Bắc Kinh đang sử dụng mọi chiêu bài để ngụy biện chủ quyền đối với hai vùng biển này.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế đã nhiều lần chỉ trích và lật tẩy lý lẽ ngụy biện của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông. Giáo sư Monique Chemillier Gendreau, Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu từng nhận định: “Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa của Trung Quốc cũng lên án và cho rằng: “Chứng cứ lịch sử đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…”.
Ngụy biện trong việc cải tạo phi pháp các đảo đá ở Trường Sa
Từ khi bắt đầu quá trình cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần ngụy biện, cáo buộc Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược cho rằng mình có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông, việc cải tạo các đảo đá là công việc nội bộ của Trung Quốc, cáo buộc Philippines đã vi phạm DOC thông qua hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự quy mô lớn, bao gồm sân bay, cảng và doanh trại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã hoàn thành cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở Trường Sa. Theo Báo cáo điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động lấn biển, thi công các công trình với quy mô rất lớn trên tất cả các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay các hoạt động này diễn ra liên tục tại năm địa điểm, cụ thể là bãi đá Gaven khoảng 15ha, Gạc Ma khoảng 13,2ha, Châu Viên khoảng 24ha; Huy Gơ khoảng 9,2ha và lớn nhất là Chữ Thập khoảng 180ha.
Trước những lời cáo buộc vô căn cứ và ngụy biện một cách trắng trợn về những hành động phi pháp của Trung Quốc, giới học giả quốc tế đã kịch liệt bác bỏ. Các chuyên gia cho rằng chính hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc mới là vi phạm DOC và Trung Quốc không có cơ sở nào để so sánh các hành vi thay đổi hiện trạng của mình với hoạt động xây dựng của các nước láng giềng. Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ rõ: “Tại Trường Sa, Trung Quốc là nước duy nhất xây đảo từ các thực thể trước đây chìm dưới biển và trong quá trình xây dựng gây ra những thiệt hại sinh thái vô cùng lớn. Các nước khác trong khu vực cũng có những hoạt động cải tạo đảo một cách giới hạn, nhưng về bản chất hoàn toàn khác với những gì Bắc Kinh đang làm: biến không thành có”. Tiến sĩ Zachary Abuza (chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, Mỹ) bổ sung: “Trung Quốc cũng đang có mưu đồ dùng những đảo này để biện minh cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và quan trọng hơn, việc xây những đảo này là hoàn toàn cho mục đích quân sự và là cơ sở để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là điểm khác biệt mấu chốt”. Ngoài ra, khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được cộng đồng và luật pháp quốc tế thừa nhận từ thế kỷ 17, nên việc Việt Nam xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh, quốc phòng… trên đất của mình hoàn toàn là chuyện bình thường, không phải là những hoạt động làm thay đổi hiện trạng, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Trong khi đó, Trung Quốc mới đánh chiếm một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa từ năm 1988; việc tiếp tục xây dựng, tăng cường điều động binh lính xuống đóng giữ… biến bãi cạn thành đảo nổi phục vụ mục đích tấn công quân sự, tìm cách khống chế Biển Đông, không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam như đã phân tích ở trên mà còn phá vỡ cam kết được ghi nhận tại Điều 4 và Điều 5 của DOC, cố tình phá vỡ hiện trạng đúng theo tinh thần của DOC.
Không những tiến hành cải tạo đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên quân sự hóa trên những đảo, đá này. Việc Trung Quốc ngụy biện cho rằng hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa để nhằm bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển…” của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Vì các bãi đá ngầm như Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi là những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm năm 1988. Không chỉ có vậy, âm mưu lâu dài của Trung Quốc là biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự, hình thành tuyến phòng thủ phía trước, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không trong khu vực. Khi hoàn thành bồi lấp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống ra đa trinh sát, giám sát, tầm xa, máy bay trinh sát báo động sớm trên không; mở rộng khả năng neo đậu của tàu thuyền có trọng tải lớn, qua đó mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, triển khai lực lượng hải quân tuyến trước, nhất là mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu; triển khai các đơn vị không quân chiến đấu; các hệ thống tên lửa đường đạn, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tàu trên các đảo…
Ngụy biện trong yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”
Trung Quốc (7/5/2009) nhằm khẳng định chủ quyền sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, đã gửi công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của UNCLOS, Trung Quốc cũng đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường 9 đoạn” của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Với lập luận “đường 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn.
Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ một lời giải thích hoặc chứng cứ pháp lý khẳng định nước này có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc ngang nhiên cho rằng họ không muốn rõ ràng làm rõ “đường lưỡi bò” vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác vì Trung Quốc sẽ phải lấy tất cả các đảo mà các nước khác đang chiếm trên đó . Vì vậy chính sách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không làm rõ ràng “đường lưỡi bò”.
Cách tuyên bố và giải thích trên của Trung Quốc chỉ là mang tính ngụy biện cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thực tế không có “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc vẫn duy trì cái chính sách chủ quyền đối với các đảo. Cũng lập luận vì Trung Quốc có yêu sách nên bắt buộc phải dùng vũ lực cho nên Trung Quốc cũng đã yêu sách đối với chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) cũng như các đảo khác trong tranh chấp với Philipines. Không những vậy, Trung Quốc muốn sử dụng mập mờ “đường lưỡi bò” là một để đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác; bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có ít nhiều ý kiến khác nhau và họ cũng không thống nhất nhau làm thế nào để làm rõ ràng và cơ bản là làm rõ yêu sách theo Công ước luật biển sẽ làm hạn chế việc Trung Quốc tự do hoạt động như bây giờ.
Trên khía cạnh pháp lý, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Nhà nước Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ và phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. Với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”…
Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)… và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán….
Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Ngụy biện về vấn đề pháp lý liên quan Biển Đông
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng UNCLOS quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ “đơn thuần là quy định về quyền kinh tế và không liên quan đến chủ quyền”. Từ cách hiểu này cho thấy, giới chuyên gia Trung Quốc đang hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai các quy định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế, trong đó Điều 56 quy định rõ về các quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển. Các quyền mà quốc gia ven biển có được là sự thể hiện của nguyên tắc “đất thống trị biển” cho phép mở rộng các quyền về khai thác lợi ích kinh tế của một quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời trao cho các quốc gia ven biển quyền tài phán hợp pháp đối với các lĩnh vực lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Với lập luận này, giới chuyên gia Trung Quốc đã bỏ qua thực tế rằng những vùng biển mà Trung Quốc đang tiến hành những hành động trái phép là thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, một quốc gia ven biển. Những quyền này xuất phát và có liên hệ với chủ quyền của Việt Nam trên đất liền và từ các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Không những vậy, giới chuyên gia Trung Quốc cũng “đánh lận con đen” khi cố gắng bào chữa rằng việc Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế là “bất công” đối với nước này bởi lẽ theo giới chuyên gia Trung Quốc, các nước khác như Việt Nam cũng đang vi phạm (ám chỉ việc cải tạo các công trình trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa). Đây là một lập luận ngụy biện và khá nguy hiểm. Vì hoạt động của Việt Nam tại đây đang được tiến hành trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và do đó đây chính là một hoạt động hợp pháp. Mặt khác, đây là hoạt động cải tạo đã từ trước đó và hoàn toàn không làm thay đổi hiện trạng hoặc tạo ra sự đe dọa về quân sự cũng như an ninh hàng hải, hàng không. Ở đây, giới chuyên gia Trung Quốc cũng đã cố tình quên rằng từ năm 2014 đến nay Trung Quốc đã tiến hành một cách ồ ạt với quy mô lớn chưa từng có để biến đổi các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà họ cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực của Việt Nam như Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập… trở thành những đảo nhân tạo có quy chế pháp lý hoàn toàn khác với trước đó theo luật biển quốc tế. Hơn nữa, việc cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc một mặt nhằm mục đích rõ ràng là củng cố yêu sách của nước này tại khu vực này, đồng thời biến các thực thể đó trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ với các pháo đài, đường băng quân sự, khu neo đậu tàu chiến… tạo ra một mối đe dọa to lớn đối với hoạt động hàng hải, hàng không tại khu vực này.
Ngoài ra, giới chuyên gia Trung Quốc tiếp tục cho rằng Trung Quốc mong muốn đàm phán song phương với các nước liên quan và cho đó là điều quan trọng để hiểu nhau trước khi bắt đầu đàm phán đa phương. Lập luận này cho thấy ý đồ của Trung Quốc là đem vấn đề lợi ích để tạo ra sự chia rẽ giữa các nước liên quan và tránh cho Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ phía cộng đồng quốc tế. Ở đây, giới chuyên gia Trung Quốc đã nhập nhằng hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, giữa việc những tranh chấp với các nước về vấn đề chủ quyền với vấn đề quyền và lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các quyền tự do biển cả, mà tiêu biểu là quyền tự do hàng hải, tự do hàng không.
Giới chuyên gia Trung Quốc cũng lập luận rằng để giải quyết vấn đề Biển Đông thì cần phải có sự nhượng bộ và sự nhượng bộ này phải đến từ hai bên chứ không thể chỉ có một bên nhượng bộ (ý nói Trung Quốc). Suy nghĩ này của phía học giả Trung Quốc là cách ngụy biện để làm cho dư luận hiểu rằng chỉ có Trung Quốc mới là quốc gia tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế, đồng thời đổ vấy cho các nước liên quan cố tình làm xấu đi tình hình.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, sử dụng các thủ đoạn và bất chấp luật pháp quốc tế trên biển Đông. Những hành vi ban hành lệnh cấm đánh bắt, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam, cải tạo đảo nhân tạo, phá hủy môi trường sinh thái biển, quân sự hóa Biển Đông và hiện tại là đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam… đã cho thấy một thực tế không thể chối cãi rằng Trung Quốc là nước vi phạm các quy định luật pháp quốc tế ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển này.