Sau gần một tháng tiến hành khảo sát ở khu vực bãi Tư Chính trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc vẫn không rút, bất chấp việc Hà Nội đã kiên trì đấu tranh ngoại giao và lên tiếng phản đối công khai yêu cầu Trung Quốc rút tàu.
Điểm đáng chú ý là trong các phát biểu hôm 17/7/2019 (sau khi Việt Nam lên tiếng hôm 16/7/2019) và phát biểu ngày 26/7/2019 (sau các phát biểu hôm 19/7/2019 và 25/7/2019 của Việt Nam) của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đề cập một cách chung chung “Đề nghị tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” không đưa ra được những lý lẽ hồi đáp lại những nội dung trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân là vì: (i) Rõ ràng khu vực hoạt động của tàu Hải Dương 08 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để bác lại các lý lẽ của Việt Nam; (ii) Trung Quốc không muốn làm nổi vấn đề trong dư luận quốc tế mà tập trung làm trên thực địa để ép Việt Nam. Trung Quốc lo ngại Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp đấu tranh dư luận mạnh mẽ hơn như năm 2014 khi tàu Hải Dương 981 vi phạm vùng biển miền Trung Việt Nam (lúc đó Việt Nam đã triển khai những biện pháp đấu tranh dư luận như nhiều lần tiến hành họp báo quốc tế và vận động quốc tế…). Đây là điểm yếu của Trung Quốc và Việt Nam cần tận dụng để đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông.
Vào năm 2014, khi các thủ tục tố tụng của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông còn đang diễn ra sau khi Manila kiện Bắc Kinh vào năm 2013, thì không có bảo vệ pháp lý nào để chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Một thay đổi đáng kể từ năm 2014 đến nay là phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đã hoàn toàn vô hiệu hóa “đường lưỡi bò”, và do đó, hợp pháp hóa hoạt động khai thác năng lượng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, những vùng biển chồng lấn với “đường lưỡi bò” không còn có thể được xem là vùng biển tranh chấp, trên cơ sở pháp lý đó. Phán quyết 12/7/2019 nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các nước. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Châu Âu lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.
Diễn biến khác trong 5 năm qua là Mỹ và đồng minh của Mỹ ngày càng can dự sâu thêm vào Biển Đông; lên tiếng công khai phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; Mỹ và đồng minh của Mỹ nhiều lần tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông, thậm chí tàu chiến Mỹ hoạt động trong phạm vi 12 hải lý các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.
So với Trung Quốc Việt Nam là một nước nhỏ cả về diện tích, dân số lẫn tiềm năng kinh tế, quốc phòng. Các quốc gia nhỏ cần cổ súy cho sự bảo vệ luật pháp, vì luật pháp và chuẩn mực quốc tế tạo điều kiện cho sự tồn tại và thịnh vượng của các nước yếu hơn trong cộng đồng quốc tế, chống lại sự bắt nạt của các cường quốc. Việt Nam luôn đề cao thượng tôn pháp luật, đây là sự lựa chọn đúng đắn. Sự việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính không chỉ đơn thuần là đe dọa, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam mà Trung đã chà đạp lên luật pháp quốc tế, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Do vậy Việt Nam cần đẩy mạnh cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế, công khai rõ ràng những vi phạm của Trung Quốc để có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Nhận biết rõ bản chất vi phạm của Trung Quốc, Mỹ có đủ sức mạnh và năng lực kiềm chế hành động của Bắc Kinh đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ở khu vực Tư Chính và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Chắc rằng, sau Mỹ, các nước khác nhất là các nước phương Tây luôn đề cao sự tuân thủ luật pháp quốc tế cũng sẽ lên tiếng đối với hành động của Trung Quốc. Mặc dù, Trung Quốc đang tìm mọi cách thay đổi cấu trúc cán cân quyền lực ở Biển Đông và trong khu vực, muốn lật đổ hiện trạng dựa trên luật pháp để thiết lập cục diện mới theo quy tắc hiện hành của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thế giới và khu vực không thể chấp nhận để Bắc Kinh thực hiện điều này.
Hiện Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền ngược, nói sai sự thật để biện bạch cho các hành động sai trái của họ. Vì vậy, lối thoát duy nhất cho các quốc gia kể cả nhỏ và lớn, có cùng suy nghĩ, cùng tin tưởng mạnh mẽ vào hệ thống dựa trên các quy tắc hiện hành, là phải luôn nêu cao tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực chung của quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền phản bác lại những luận điệu tuyên truyền ngược của Trung Quốc và mặt khác để cho dư luận hiểu đúng sự thật, thấy rõ bản chất các hành vi sai trái của Trung Quốc và bộ mặt thật của Bắc Kinh.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác và Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) diễn ra tại Thái Lan. Đây là dịp tốt để Việt Nam vận động các nước có tiếng nói chung trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn để thuyết phục các thành viên ASEAN khác về sự nghiêm trọng và hậu quả hành vi của Bắc Kinh tại bãi Tư Chính – vốn không hoàn toàn chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam – Trung Quốc, mà còn là vì sự an toàn của trật tự quốc tế, là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định khu vực. Đặc biệt, tại diễn đàn ARF với sự tham gia của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc… là nơi thích hợp nhất để các nước lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành động của Bắc Kinh.
Trong quá trình vận động các nước Việt Nam cần nhấn mạnh mấy điểm sau: (i) Hoạt động của tàu Hải Dương 08 cùng các tàu hộ tống không chỉ là hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mà còn chà đạp lên luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh khu vực; (ii) Nếu các nước không lên tiếng để ngăn chặn, Trung Quốc sẽ lấn tới đòi các nước ASEAN phải chấp nhận việc đưa vào COC nội dung không cho các nước ngoài khu vực hợp tác hoặc diễn tập quân sự với các nước ASEAN.
Mặt khác, Việt Nam nên tranh thủ vận động Mỹ thông qua dự luật của Thượng viện Mỹ về việc trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã được các Nghị sĩ Mỹ đề sướng thời gian gần đây. Nói tóm lại, vận động quốc tế, qua các kênh ngoại giao, và dùng cơ sở pháp lý có lẽ là thế tự vệ tốt nhất cho Việt Nam. Trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông thì vận động quốc tế và đấu tranh dư luận là vũ khí lợi hại của Việt Nam, đây cũng chính là “sở đoản” của Trung Quốc mà Việt Nam cần tận dụng.