Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ xoay trục chiến lược, tìm lại ánh hào quang?

Mỹ xoay trục chiến lược, tìm lại ánh hào quang?

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, thách thức từ Trung Quốc và Nga buộc Mỹ phải đề ra chiến lược đối phó ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xoay trục

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét các phương án mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm tăng cường thực thi các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải và thiết lập căn cứ mới. 

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố trong một buổi nói chuyện với các sinh viên ĐH Hải chiến Mỹ. Ông Esper khẳng định các thách thức từ Trung Quốc và Nga buộc Mỹ phải đề ra chiến lược đối phó mới ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Chúng ta phải hiện diện trong khu vực này, không phải ở tất cả mọi nơi mà là ở những điểm trọng yếu. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ xem xét sẽ phải mở các căn cứ mới ở đâu, cũng như đầu tư thêm thời gian và tài nguyên vào những khu vực chúng ta chưa có mặt trong quá khứ.

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục tuần tra đến hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ quyền tự do hàng hải cho cả hoạt động thương mại lẫn quân sự, dù là qua eo biển Hormuz hay eo biển Malacca”, Bộ trưởng Esper chia sẻ.

Ngoài ra, ông Mark Esper cũng cho biết sở dĩ ông chọn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị bộ trưởng Quốc phòng là vì tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Đây là khu vực tập trung hơn nửa dân số thế giới, sáu cường quốc hạt nhân và bảy trong số các lực lượng quân đội lớn nhất của thế giới.

Nhắn nhủ với các sinh viên tham dự, Bộ trưởng Mark Esper hy vọng họ sẽ tìm ra chiến lược để đối phó với Nga và Trung Quốc. Ông cảnh báo cả hai nước này đều muốn thay đổi trật tự toàn cầu mà phương Tây thiết lập nhiều thập kỷ nay và thách thức vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Mất vị thế

Giới quan sát cho rằng, chính sách của Mỹ từ các đời tổng thống trước cũng đã chú trọng đến khu vực này, cựu tổng thống Barack Obama với chính sách “Xoay trục châu Á – Thái Bình Dương” và các đối sách này trở nên rõ ràng hơn dưới thời tổng thống Donald Trump. 

Việc Washington xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một bước đi hợp lý, nhất là trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra vô cùng căng thẳng.

Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney ở Australia vừa ra báo cáo đánh giá chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng chưa từng có”. Theo đó, Washington có thể sẽ phải chật vật để bảo vệ các đồng minh chống lại Trung Quốc.

“Quân đội Mỹ không còn duy trì được sự thống trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khả năng duy trì sự cân bằng quyền lực mang lại thuận lợi cho Washington ngày càng trở nên không chắc chắn”, báo cáo nêu rõ.

Kho vũ khí tên lửa của Bắc Kinh có thể đe dọa các căn cứ quan trọng của Mỹ và các đồng minh. Những căn cứ này có thể bị vô hiệu hóa bởi các cuộc tấn công chính xác chỉ trong những giờ đầu tiên của một cuộc xung đột.

“Các hệ thống chống can thiệp của Trung Quốc sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc đưa lực lượng vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, làm tăng nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng một lượng vũ lực hạn chế để giành chiến thắng trước khi Mỹ có thể đáp trả, thách thức sự đảm bảo an ninh của Mỹ”, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney viết.

Hành động nóng

Để đảm bảo vị thế của mình tại khu vực này, Mỹ buộc phải có những bước đi chính xác và mạnh mẽ. Hồi đầu tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này muốn triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á trong vài tháng tới.

“Chúng tôi muốn triển khai năng lực đó nhanh nhất có thể. Tôi thậm chí muốn công việc đó được thực hiện càng sớm càng tốt, có lẽ nên tính bằng thời gian theo tháng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ triển khai những loại vũ khí hiện đại hơn với hỏa lực ấn tượng hơn, vì thế, có lẽ nó sẽ mất một khoảng thời gian không thể nói trước”, ông Mark Esper cho biết.

Ông Esper cũng nhận định rằng, Trung Quốc không nên ngạc nhiên hay tức giận về các hành động triển khai quân sự của Mỹ tại châu Á.

“Hơn 80% kho tên lửa của họ là các hệ thống tầm trung, do đó, họ không nên giận dữ khi chúng tôi muốn sở hữu một kho vũ khí tương tự với họ. Washington chỉ muốn thực hiện các biện pháp chủ động để nâng cao năng lực phòng thủ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Thời chiến tranh lạnh Mỹ đã triển khai một vành đai tên lửa khắp châu Âu hướng vào Nga.

Còn ở châu Á, họ đã mang vũ khí đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,… Tên lửa Mỹ tại căn cứ ở Nhật Bản có tầm bắn tới tận vùng phía Đông nước Nga. Tại Hàn Quốc, tất nhiên tên lửa của Mỹ được cho rằng dùng để kiềm chế Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới