Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đối phó chiến thuật khó lường của Mỹ

TQ đối phó chiến thuật khó lường của Mỹ

Đối với Tổng thống Mỹ luôn có sự mâu thuẫn trong phát ngôn, Trung Quốc đã tìm ra được cách thức đàm phán hiệu quả?

Vòng đàm phán thương mại Mỹ- Trung sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Mỹ với nhiều lạc quan được ông Trump bày tỏ song phía Trung Quốc lại hoàn toàn bình tĩnh. Rất ít thông tin về các cuộc đàm phán hay điện đàm được Bắc Kinh tiết lộ, thay vì công khai rầm rộ trên mạng xã hội và truyền thông như Tổng thống Trump.

Báo Washington Post mới đây dẫn lời ông Wang Huiyao Chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc, đồng thời là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là người có những tuyên bố “xoay như chong chóng” trong hàng loạt các vấn đề mà thương chiến Mỹ – Trung không phải là ngoại lệ.

Nhưng qua các quá trình đàm phán, người Trung Quốc đã hiểu rõ được chiến thuật này và có cách đối phó cho hiệu quả.

Ông Wang điểm lại những nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ- Trung như ở Argentina, Nhật Bản, Trung Quốc… đều được ông Trump công bố đến từng các chi tiết trên mạng xã hội và trả lời truyền thông. Các tuyên bố lại luôn mâu thuẫn.

“Giống như tàu lượn siêu tốc vậy, Buenos Aires, Osaka, Thượng Hải. Hôm nay ông ấy nói thế này mai lại nói thế khác” – ông Wang nhận định.

Hồi cuối tháng 6, Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận “đình chiến” sau khi Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị G20 ở Buenos Aires. Tuy nhiên, sau khi vòng đàm phán Mỹ – Trung thứ 12 ở Thượng Hải không đạt được nhiều kết quả, Trump ngày 1/8 thông báo quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ông Wang cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc “càng đối phó nhiều với ông ấy thì càng hiểu” Tổng thống Trump.

Vị chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc có một thỏa thuận thương mại với Mỹ trở thành điều cần thiết bởi những bất đồng trong phát ngôn của ông Trump hơn là những thiệt hại do thuế quan mang lại. Nếu tiếp tục để Tổng thống Mỹ có những bất nhất như vậy, Trung Quốc sẽ “rất phiền phức” chứ không phải là chịu thiệt hại nặng nề gì.

“Giờ đây Trung Quốc đã hiểu ông ấy rất kỹ và biết rằng sự không nhất quán là bản chất của ông ấy. Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, có khi ông ấy cũng không thực hiện nó nghiêm chỉnh. Nhưng nếu không có thỏa thuận thì ông ấy sẽ lặp đi lặp lại chiến thuật này, như vậy cũng rất phiền phức” – ông Wang nhận định.

Cựu Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc cũng có chung quan điểm. Ông nói rằng, ông Trump từng ép các nước khác để có được nhượng bộ và thỏa thuận, như với Canada, Mexico, Nhật Bản. Ông Ngụy cho rằng, cách Mỹ đàm phán đã được Trung Quốc nắm chắc và Bắc Kinh sẽ không để bị Mỹ bóp nghẹt về kinh tế.

“Nếu ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể đảm bảo lợi thế cho Mỹ và bóp nghẹt Trung Quốc  bằng cách gây áp lực tối đa thì ông ấy đã mơ tưởng hão huyền rồi. Điều đó là không thể” – ông Ngụy nói.

Nắm rõ cách đàm phán của ông Trump sẽ giúp Bắc Kinh đưa ra chiến thuật đối phó phù hợp để mang lại lợi ích tốt nhất cho mình.

Mei Xinyu, nhà nghiên cứu từ một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng đàm phán thương mại với Washington nhưng lại không vội vã nhượng bộ vì muốn ép Mỹ phải đưa ra các điều khoản tốt hơn.

“Trung Quốc có thể bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi. Chiến tranh thương mại tác động đến nền kinh tế Trung Quốc ở giai đoạn đầu nhưng sẽ ảnh hưởng với nền kinh tế Mỹ ở giai đoạn cuối” – ông Mei Xinyu nhận xét.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng nền kinh tế nước này sẽ không thể bị ảnh hưởng thêm và một cuộc chiến thương mại kéo dài có khả năng trở thành “cơn đau đầu” đối với Tổng thống Trump bởi các đòn thuế sẽ gây tổn thương cho nông dân và người tiêu dùng Mỹ giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia phương Tây, ông Trump đang thể hiện những tuyên bố mâu thuẫn để đàm phán và điều này gây hại hơn là có lợi cho chính nước Mỹ.

Ông Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, viết trong một bài bình luận trên tờ New York Times rằng chủ nghĩa bảo hộ dù tiêu cực đến đâu vẫn có thể xử lý được, nhưng “chủ nghĩa bảo hộ thất thường” là nguồn cơn gây ra tình trạng hỗn loạn và đổ vỡ trên thị trường.

Lập trường thất thường của Trump không chỉ khiến ngành tài chính và công nghiệp mệt mỏi ứng phó mà còn làm méo mó chính sách ngoại giao và gây tổn hại tới lợi ích Mỹ.

Tại cuộc họp báo sau khi hội nghị G7 kết thúc ở Pháp, khi được hỏi về lập trường không nhất quán của ông về vấn đề thương mại với Trung Quốc trong những ngày vừa qua, Tổng thống Trump đã trả lời rằng: “Đó là cách tôi đàm phán. Nó rất hiệu quả đối với tôi trong nhiều năm và nó thậm chí đang có hiệu quả hơn đối với đất nước chúng ta”.

Nhưng theo Kaplan, chiến thuật đàm phán này thực tế không mang lại nhiều hiệu quả đối với Trump trong những năm qua cũng như không có tác dụng trên sân khấu chính trị quốc tế đầy phức tạp.

Theo các chuyên gia, để chiến lược “gây sức ép tối đa” phát huy hiệu quả, Trump phải kiên trì thực hiện quan điểm nhất quán này trong đàm phán. Tuy nhiên, mỗi khi chiến thuật gây sức ép khiến Bắc Kinh lo ngại ở một chừng mực nào đó thì ông Trump lại dịu giọng, xuống thang, giúp họ thấy tình hình không căng thẳng tới vậy và chờ thời gian qua đi. Thời gian ở đây được đo bằng nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.

Trong một bình luận trên mạng xã hội Twitter ngày 23/8, Tổng thống Trump thẳng thừng gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “kẻ địch”. Dòng tweet này được đăng tải ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 5-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ theo hai đợt, từ ngày 1/9 và 15/12.

Tuy nhiên, hôm 26/8, Tổng thống Trump đã khen ngợi ông Tập Cận Bình, gọi Chủ tịch Trung Quốc là “nhà lãnh đạo vĩ đại, đại diện cho một đất nước vĩ đại”, và là người “thông minh”. Ông Trump còn bày tỏ sự “tôn trọng” dành cho ông Tập. Lời khen ngợi này đưa ra khi ông i ông Trump nói rằng phía Trung Quốc đã gọi điện cho các quan chức thương mại cấp cao của Mỹ để đề nghị nối lại các cuộc đàm phán.

Sau đó, khi phía Bắc Kinh đưa ra tuyên bố không rõ ràng về sự thật cuộc điện đàm, ông Trump tiếp tục mắc sai lầm.

Tổng thống Trump cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã gọi điện vào lúc nửa đêm, thông báo sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Ông Trump nói phía Mỹ nhận được “nhiều cuộc gọi” từ các quan chức Trung Quốc để đề nghị đàm phán, trong đó có một vài cuộc gọi tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhưng không nói “cuộc gọi lúc nửa đêm” được ông Lưu Hạc thực hiện với ai. Điều này gây ra hoài nghi về khả năng thực sự đã có một cuộc điện thoại xảy ra.

Chưa hết, ông Trump dường như đã nhầm lẫn về chức vụ của Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong hệ thống chính trị của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ đã gọi ông Lưu Hạc là “Phó Chủ tịch” và chỉ nắm quyền lớn thứ hai Trung Quốc sau Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Vị Phó Chủ tịch Trung Quốc đã lên tiếng, ông ấy nói rằng ông ấy muốn một thỏa thuận thương mại. Phó Chủ tịch Trung Quốc, còn ai cao hơn vị trí đó ngoài Chủ tịch Tập?” – ông Trump nói.

Theo hệ thống chính trị của Trung Quốc, ông Lưu Hạc xếp ở vị trí thứ 8, chứ không phải vị trí thứ 2 như nhận định của ông Trump.

Báo SCMP cho rằng, sự nhầm lẫn về vị trí của ông Lưu Hạc có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự dịu giọng của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc.

Sự mâu thuẫn trong các phát biểu từ Tổng thống Mỹ rõ ràng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường toàn cầu nhưng nắm rõ được chiến thuật này, Trung Quốc cũng sẽ có cách phản ứng “lên, xuống, mềm dẻo, cứng rắn” phù hợp để bẻ lái các cuộc đàm phán theo đúng lộ trình cho năm 2020 của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới