Hội Luật quốc tế VN chỉ rõ những điểm ngụy biện về pháp lý của Trung Quốc đối với Biển Đông và kêu gọi các đồng nghiệp nước này kiến nghị chính quyền chấm dứt hành vi xâm phạm vùng biển VN.
Ngày 28.8, tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn (ảnh), Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) có thư ngỏ gửi Giáo sư Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL), kêu gọi hội này tư vấn cho chính quyền Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển.
Lá thư một lần nữa nhấn mạnh những hoạt động của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 (Trung Quốc) đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), đi ngược lại những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao và ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nội dung thư khẳng định nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, được xác định tại điều 57 và điều 76 của UNCLOS, không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp.
Thư của tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cũng chỉ ra mâu thuẫn trong lập luận của Trung Quốc, khi vi phạm UNCLOS 1982 bằng cách tiến hành các hoạt động trái phép trong EEZ của Việt Nam, nhưng lại viện dẫn UNCLOS 1982 để biện minh cho hoạt động phi pháp của mình, bằng cách đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông và ngang nhiên tuyên bố vùng biển mà nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 hoạt động “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.
“Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường 9 đoạn”. Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền với vùng biển được gán cho đường 9 đoạn này. Đặc biệt, kể từ khi có phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế thì những tranh luận trên càng được làm sáng tỏ”, thư ngỏ của tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.
“Thưa giáo sư, là những người dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, phổ biến và thực hành luật quốc tế, chúng ta đều nhớ tới lời thề trang trọng phục vụ cho công lý của mình; tôi mong rằng giáo sư và các thành viên của CSIL sẽ tư vấn cho các cơ quan hữu quan của Trung Quốc những khía cạnh pháp lý quốc tế và kiến nghị Chính phủ chấm dứt ngay những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, rút ngay tàu Hải Dương Địa chất 8 cũng như các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, thư có đoạn viết, đồng thời nhấn mạnh: “Tất cả các thành viên VSIL nguyện sẽ sử dụng tất cả những biện pháp được luật quốc tế quy định, đặc biệt là UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc mình”.
Trung Quốc xin lỗi Philippines
Cũng trong hôm qua, sau hơn 2 tháng kể từ vụ tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông, chủ tàu Trung Quốc lên tiếng xin lỗi và nói đó chỉ là “tai nạn”. Lời xin lỗi được đưa ra trong bức thư do Cục Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Philippines, theo Đài ABS-CBN. “Chủ tàu cá Trung Quốc gửi lời xin lỗi chân thành tới ngư dân Philippines”, bức thư viết.
Phía Trung Quốc cho rằng dù vụ việc là “sai lầm không chủ ý” nhưng tàu cá phải chịu trách nhiệm chính, đồng thời kêu gọi chủ tàu “chủ động phối hợp với phía Philippines để bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, bức thư vẫn không nêu rõ danh tính chủ tàu và các thuyền viên cũng như không hề nhắc đến việc tàu cá bị cho là “nhẫn tâm bỏ mặc”
22 ngư dân Philippines trên biển và bỏ đi ngay sau sự việc xảy ra vào rạng sáng 9.6. Nhiều giờ sau đó, một tàu cá Việt Nam đã phát hiện và cứu sống toàn bộ ngư dân Philippines. Đích thân Phó tổng thống Philippines Leni Robredo đã gặp riêng Đại sứ Việt Nam tại Manila Lý Quốc Tuấn để cảm ơn, trong khi Ngoại trưởng Teodoro Locsin khẳng định tại LHQ: “Philippines đời đời biết ơn, mãi mãi mắc nợ Việt Nam về hành động nhân từ và đạo đức này”.
Lời xin lỗi được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 28.8 lên đường sang thăm Trung Quốc trong 5 ngày, chuyến đi mà ông khẳng định sẽ dành để nêu lên những vấn đề nhạy cảm trên Biển Đông. Trong đó, nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nêu phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài dù phía Trung Quốc “có thích hay không”. “Đây thực sự là lúc để họ bàn luận về phán quyết”, phát ngôn viên tổng thống Salvador Panelo hôm qua cho biết và tuyên bố ông tin rằng Trung Quốc sẽ cởi mở để lắng nghe. Theo ông Panelo, Tổng thống Duterte cũng sẽ thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung gây nhiều quan ngại cũng như hối thúc Trung Quốc nhanh chóng hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông.