Từ 22-24/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam nhằm củng cố quan hệ song phương và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng Australia Scott Morrison
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược (3/2018), quan hệ Việt Nam – Australia đã có bước phát triển nhanh, thực chất và hiệu quả.
Năm 2018 được đánh giá là năm sôi động trong quan hệ Việt Nam – Australia. Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia được đánh dấu bởi những chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa lãnh đạo hai nước: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3/2018); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (4/2018); Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (11/2018); Toàn quyền Australia Peter Cosgrove thăm cấp Nhà nước (5/2018); Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith (7/2018), Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne (6/2019)…Lãnh đạo Việt Nam và Australia nhiều lần khẳng định tầm nhìn chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm Biển Đông, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Không những vậy, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – Australia. Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 5 của Australia trong ASEAN, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm.Tính đến tháng 9/2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,72 tỉ USD (tăng 20% so với mức 4,75 tỉ USD cùng kỳ năm 2017). Tính đến hết tháng 9/2018, Australia có 425 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,84 tỉ USD, đứng thứ 19/128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 47 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị đạt 255,80 triệu USD. Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam tại Australia hiện nay gồm khoảng 300 nghìn người, được chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi trong cư trú, học tập và kinh doanh, trở thành cầu nối hữu nghị thúc đẩy quan hệ song phương phát triển.
Australia là quốc gia thuộc châu Đại Dương ở Nam bán cầu, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Australia có đường bờ biển dài 34.218 km (chưa tính đến các đảo ngoài khơi) và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 8.148.250 km2. Mặc dù không phải là một quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông nhưng Australia có lợi ích thiết thực và sống còn ở Biển Đông. Theo thống kê, hơn một nửa lượng xuất khẩu quặng sắt, than đá và khí hóa lỏng của Australia được vận chuyển qua tuyến đường hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, việc trao đổi thương mại với các đối tác quan trọng của Australia (Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…) đa phần phải vận chuyển qua Biển Đông. Chính vì vậy, Biển Đông luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Australia. Do đó, Australia có lợi ích thiết thức và sống còn đối với việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa thương mại ở Biển Đông. Hiện hầu hết các tuyến đường thương mại của Australia đến khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đều đi qua Biển Đông. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott (10/2013) từng nhấn mạnh gần 60% thương mại của Australia đều thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, việc hàng hóa, tàu thuyền tự do lưu thông không bị cản trở, kiểm soát ở Biển Đông là một trong những vấn đề được Australia đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, Australia đã đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và giao lưu kinh tế cho các tuyến đường thương mại của Australia qua vùng biển này.
Không những vậy, Australia tuy không tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông, song vấn đề an ninh khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến Australia. Thứ nhất, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia. Thứ hai, tình hình an ninh khu vực Biển Đông có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Thứ ba, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng thì với vai trò là một lớn tại khu vực, Australia có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh tại vùng biển này. Việc Australia tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực sẽ tạo thành sự gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Australia với các nước Đông Nam Á.Về mặt công khai, Australia bày tỏ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế Australia vần ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Một mặt thông qua các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn quốc tế để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông; mặt khác Australia tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Được biết, trong những năm gần đây, nhiều tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia đã tới thăm Việt Nam. Tháng 4/2018, 3 tàu hải quân hoàng gia Australia với hơn 560 thủy thủ đã cùng tới thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược mới được ký kết hơn 1 tháng trước đó. Trước đó vào năm 2016, chiến hạm HMAS Warramunga được trang bị tên lửa phòng không SeaSparrow cải tiến của Hải quân Australia cũng đã cập cảng quốc tế Cam Ranh trong một chuyến thăm kéo dài 3 ngày nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội và hải quân hai nước.Theo Đại sứ quán Australia, tàu khu trục HMAS Canberra và HMAS Newcastle sẽ tới thăm cảng Cam Ranh vào ngày 7/5 tới, trong khuôn khổ hoạt động Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2019 (IPE19) của Lực lượng Quốc phòng Australia. Trong chuyến thăm Việt Nam 4 ngày, hai tàu của Hải quân Hoàng gia Australia sẽ neo đậu tại cảng quốc tế Cam Ranh và thực hiện các hoạt động giao lưu tại địa bàn thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa. HMAS Canberra là tàu dock chở trực thăng lớp Canberra, tàu hải quân lớn nhất từng được đóng cho Hải quân Hoàng gia Australia trong khi đó HMAS Newcastle là tàu hộ vệ tên lửa.
Theo sứ quán Australia, IPE19 là một hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực của Australia. Hoạt động này cũng nhằm tăng cường cam kết của Australia hướng tới một khu vực an ninh và hòa bình cũng như xây dựng các quan hệ đối tác đa phương và song phương nhằm hỗ trợ cho mục tiêu này.
Phản ứng trước sự quan ngại và tuyên bố của Australia về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn phản đối, đe dọa Australia sẽ “gánh hậu quả nghiệm trọng” nếu tiếp tục có các hành động cản trở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần đưa ra các tuyên bố cho rằng “Australia không phải là một bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đôn, hy vọng Australia sẽ giữ cam kết là không nghiêng về bên nào trong vấn đề này và dừng ngay việc đưa ra các tuyên bố thiếu thận trọng”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đại tá Ngô Khiêm cũng nhiều lần tuyên bố kêu gọi Australia trân trọng đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, không tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể làm tổn hại đến sự ổn định trong khu vực.
Truyền thông Trung Quốc, nhất là những trang mạng mang tính hiếu chiến như Thời báo Hoàn Cầu, Thiết Huyết… đăng nhiều bài viết đe dọa rằng Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp mạnh gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Australia” nếu Canberra nhúng tay vào Biển Đông, cảnh báo hành động của Australia sẽ “đầu độc quan hệ với Bắc Kinh và làm rung chuyển nền tảng cân bằng chiến lược (của Australia) trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc”; nhấn mạnh Australia nên công nhận sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn thương quan hệ song phương, hoặc trở thành “công cụ cho thế lực nước ngoài phá hoại ổn định khu vực”.