Vào tối ngày 29/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài (Diaoyutai) ở Bắc Kinh. Một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA về Biển Đông. Tuy nhiên, theo tiết lộ của người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Tập Cận Bình đã thẳng thừng cự tuyệt đề nghị này của ông Duterte.
Hai ông Duterte và Tập Cận Bình hội đàm tối 29/8 tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Duterte nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông, ông Tập Cận Bình từ chối
Theo Daily Inquirer của Philippines ngày 30/8, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines trong một tuyên bố trước đó cùng ngày 30/8 cho biết, ông Duterte “kiên trì yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm đến những chủ trương của Philippines ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông), trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực ở Hague. Ông Duterte nói rằng phán quyết của tòa là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không kháng cáo. Tuy nhiên, ông Tập từ chối công nhận phán quyết” – người phát ngôn này nói.
Ông Panelo nói: “Chủ tịch Tập nhắc lại chính phủ Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài và sẽ kiên trì lập trường này”.
Ngày 22 tháng 1 năm 2013, chính phủ của Tổng thống Philippines khi đó là Benigno Aquino III đã kiện ra Trọng tài quốc tế về những tranh chấp ở Biển Đông. Ngày 7 tháng 7 năm 2015, Tòa án Trọng tài Hague của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong trường hợp Trung Quốc vắng mặt, tòa án đã công bố kết quả phán quyết về trọng tài Biển Đông, ủng hộ hầu hết các yêu cầu về các vấn đề chủ quyền của Philippines.
Về vấn đề này, ông Duterte, lên giữ chức Tổng thống Philippines ngày 30 tháng 6 năm 2016, đã có thái độ hoàn toàn khác với Aquino III. Ông không có ý định đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này và tích cực cải thiện, phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng vấn đề Biển Đông vẫn là một vấn đề nhức nhối giữa hai nước.
Ngay trước chuyến thăm lần này của ông Duterte đến Trung Quốc, theo báo Singapore The Straits Times, ông Duterte đã tiết lộ trong một bài phát biểu rằng có người đề nghị ông khi gặp gỡ ông Tập Cận Bình không nên nói về vụ kiện trọng tài Biển Đông. “Họ nói không nên nói về vấn đề này. Tôi nói “không”. Đừng kiểm soát cái miệng của tôi, bởi vì nó là một món quà của Thượng Đế”.
Ý tưởng hợp tác dầu khí Biển Đông của Duterte gặp trở ngại
Sau cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia, theo Tân Hoa Xã đưa tin ngày 29 tháng 8, căn cứ “Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí Trung Quốc – Philippines” và “Về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và phạm vi trách nhiệm công tác giữa các doanh nghiệp”; hai bên công bố việc thành lập Ban chỉ đạo chung cấp chính phủ về hợp tác dầu khí và các nhóm công tác giữa các doanh nghiệp để thúc đẩy việc khai thác chung nhanh chóng đạt được tiến triển thực chất.
Ngoài ra, theo tin của báo World Journal của Philippines, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Romana, nói hôm 29/8 chỉ ít giờ diễn ra cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Duterte rằng, thỏa thuận thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông phải dựa vào pháp luật có liên quan của Philippines và Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập một ban chỉ đạo chung và các nhóm làm việc giữa các doanh nghiệp, để thúc đẩy việc khai thác chung dầu khí.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các cuộc đàm phán cấp cao giữa Duterte và Tập Cận Bình dường như không đạt được thỏa thuận về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ở Biển Đông và cũng không đạt được thỏa thuận về kế hoạch thăm dò dầu khí trong khu vực.
Tạp chí Nikkei Asia Review của Nhật trước đó đã loan tin Duterte và Tập Cận Bình sẽ hoàn tất một thỏa thuận về dầu khí ở Biển Đông khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh. Tháng 11 năm 2018, Tập Cận Bình và Duterte đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác khai thác chung dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông, nhưng họ đã không chốt được các chi tiết cụ thể mà để lại các cuộc đàm phán trong tương lai. Theo bài báo, ông Duterte muốn được hưởng 60% lợi nhuận trong thỏa thuận dầu khí này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tuyên bố tuần trước rằng lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài Biển Đông không thay đổi. Bắc Kinh cũng khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi về Biển Đông.
Hai bên đạt được một số thỏa thuận trong các lĩnh vực khác
Mặc dù Trung Quốc và Philippines vẫn chưa có được những bước đột phá thực chất trong vấn đề Biển Đông, nhưng hai nước đã ký được nhiều văn kiện quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học kỹ thuật và tài chính. Theo Philippine Business Daily, hai ông Duterte và Tập Cận Bình đã chứng kiến việc trao đổi 6 bản hiệp định được hai bên ký kết sau các cuộc đàm phán song phương.
Sáu hiệp định này bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giữa Cơ quan giáo dục đại học Philippines và Bộ Giáo dục Trung Quốc; bản ghi nhớ về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Chương trình hợp tác thực hiện Hiệp định hỗ trợ hợp tác hải quan hai nước được Cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính Philippines ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Hợp đồng giữa Cục Hải quan Philippines với Bộ Thương mại Trung Quốc về việc Trung Quốc giúp thiết bị kiểm tra container; Ý kiến trao đổi giữa Bộ Tài chính Philippines và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc về việc sử dụng các khoản vay đồng nhân dân tệ để sử dụng vốn vay ưu đãi; Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc ký thỏa thuận tín dụng ưu đãi cho dự án tư vấn quản lý dự án Tuyến đường sắt quốc gia Nam Philippines.
Cam kết viện trợ 24 tỷ USD và thực tế đáng thất vọng
Đa Chiều cho rằng, trong chuyến thăm này, ông Duterte hy vọng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các hạng mục đầu tư đã được bàn thảo giữa hai chính phủ. Tuy nhiên, trong 6 bản hiệp định đã ký kết chỉ có một bản liên quan đến nội dung vay vốn đầu tư khiến hứa hẹn đầu tư 24 tỷ USD mà Bắc Kinh cam kết năm 2016 và thực tế là hai chuyện khác nhau.
Tháng 10/2016, Trung Quốc từng cam kết viện trợ 24 tỷ USD cho Philippines, bao gồm 15 tỷ đầu tư và 9 tỷ cho vay. Tháng 11/2018, khi ông Tập Cận Bình thăm Philippines, hai bên cũng đã công bố 29 hiệp định hợp tác, nhưng phần lớn các hạng mục đó đến lúc này đều đã không được nhắc tới.
Sau tháng 11/2018 chỉ có 4 dự án được nói tới: một là Trung Quốc cho vay 232,5 triệu USD để xây một con đập lớn; hai là, kế hoạch gọi thầu công ty tư vấn dự án đường sắt; hai cái còn lại là dự án bắc cầu nối đảo và nghiên cứu tính khả thi của việc làm đường cao tốc tại Davao, đại bản doanh của ông Duterte. Đến tháng 2/2019 hai nước mới đạt được nhất trí về 4 hạng mục đầu tư trong số 29 cái. Tiến độ chậm chạp này khiến người Phi rất thất vọng.
Trong bối cảnh vấn đề tranh chấp hai nước trên Biển Đông thỉnh thoảng lại nổi lên, tiến độ thực hiện các dự án viện trợ kiểu đó đã bị phe đối lập nắm lấy để công kích chính phủ “bán rẻ lợi ích quốc gia” và đổi lấy “cạm bẫy nợ nần”.