Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J Sullivan (17/8) cho biết Mỹ đang cùng Ấn Độ nắm bắt cơ hội để phát triển đối thoại 2 + 2, hợp tác chống khủng bố và duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J Sullivan
Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J Sullivan được đưa ra nhân chuyến thăm Ấn Độ và hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar. Hai bên đã thảo luận về an ninh khu vực, quan hệ chiến lược cũng như thảo luận về tầm nhìn bổ sung của hai quốc gia về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Phát biểu trong cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J Sullivan nhắc lại phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tin tưởng rằng Ấn Độ và Mỹ có một cơ hội duy nhất để cùng nhau tiến lên vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và toàn thế giới.Thứ trưởng Sullivan cũng cho rằng mô hình phát triển của Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận hợp tác vốn thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng toàn khu vực. Chính sách và hành động của Trung Quốc nhằm điều chỉnh lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phục vụ lợi ích của chính họ. Theo ông Sullivan Mỹ đang tìm kiếm một Trung Quốc cạnh tranh công bằng theo trật tự dựa trên luật lệ vốn đã mang lại sự thịnh vượng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Mỹ nhận ra là không thể thực hiện điều này một mình và vì vậy Mỹ cần những đối tác có cùng chí hướng.
Được biết, Biển Đông là một trong những vùng biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ với Mỹ mà còn có cả Ấn Độ. Vùng biển này ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, băng cháy…), còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Có 5 tuyến đường biển lớn nhất thế giới đi xuyên qua khu vực Biển Đông (tuyến từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Newzealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và Newzealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á). Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới (mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại đi qua đây, 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên) 45% lượng vận tải thương mại của thế giới đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới (cảng Singapore và Hồng Công) và có 4 eo biển quan trọng đối với nhiều nước (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).Đối với Mỹ và Ấn Độ, thị trường xuất nhập khẩu của những nước này chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hàng hóa vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Ấn Độ Dương đều phải qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, nếu xảy ra xung đột ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy dọc theo đường mới hoặc vòng qua phía Nam Australia, khi đó cước phí vận tải tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước.
Liên quan vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…). Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra tự do hàng hải; năm 2018, hải quân Mỹ tiến hành 9 cuộc tuần tra nữa; năm 2019, Mỹ đã 4 lần điều tàu chiến tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò lớn hơn khi công bố có lợi ích ở Biển Đông, phản đối các hành động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc phòng và an ninh biển với các nước trong khu vực. Trong đó, Tuyên bố chung Ấn – Mỹ ký kết hồi tháng 9 năm 2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ, Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông tập trung vào các mục tiêu: (1) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (2) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, Ấn Độ đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. (3) Tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đang tích cực sử dụng các biện pháp quân sự, ngoại giao, kinh tế để can thiệp sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm chế Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động giao lưu, tập trận hải quân; theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán, cứng rắn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc đưa việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải thành lợi ích quốc gia. Giáo sư Mohan Malik, Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trên Biển Đông có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước nhỏ trong khu vực đối trọng với Trung Quốc. (4) Thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ấn Độ tích cực can dự vào Biển Đông là do có sự thay đổi nhận thức, tình hình và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan. Việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo phi pháp các đảo đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và tiến hành quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Việc Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và tăng cường quân sự hóa trên các đảo tranh chấp đồng nghĩa với việc tự do hàng hải của các tàu chiến, tàu thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực Biển Đông sẽ bị hạn chế và phải “xin phép” Trung Quốc, nếu không muốn bị cản trở. Trên thực tế, trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ chủ trương phát triển quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng”, chú trọng hợp tác kinh tế, giữ ổn định khu vực. Tuy nhiên, việc tranh chấp biên giới giữa hai nước đang là vấn đề đặt ra mà hai bên cần tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên tuyến đường biển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương cũng tác động không nhỏ tới quan hệ hai nước; trong đó, việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay Vikrant và chạy thử tàu ngầm hạt nhân đầu tiên,… đã cho thấy tham vọng làm chủ Ấn Độ Dương và tăng cường hiện diện sức mạnh tại Thái Bình Dương của nước này, nhằm cạnh tranh với một số nước lớn trong khu vực.
Vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông theo hướng linh hoạt hơn. Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ bày tỏ quan điểm và lập trường ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), nghiêm túc thực thi Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Tại các hội nghị, diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt như ASEAN +1 với Ấn Độ, ARF, EAS, ADMM+ Ấn Độ đã thể hiện sự phản đối với các hoạt động đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông. Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác hàng hải với các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Australia như Tuyên bố chung Ấn Độ – Nhật Bản (từ năm 2010 – 2014) đều nhấn mạnh hợp tác an ninh biển song phương, Ấn – Mỹ – Nhật (10/2015) tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương, Ấn – Australia (9/2015) tập trận chung ở Ấn Độ Dương…; ký kết nhiều hợp đồng quân sự với các nước ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về tuyên bố chung hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, nhấn mạnh việc hợp tác về cảnh sát biển; Ấn Độ cũng đã cho Việt Nam vay tín dụng ưu đãi 100 triệu USD để mua các tàu tuần tra của Ấn Độ nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh hàng hải. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường hiện diện quân sự trên thực địa, dần khẳng định vị thế một cường quốc trên thế giới. Ấn Độ đã điều nhiều tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục tàng hình và một tàu hộ tống tham gia tập trận hải quân với Singapore, thăm một số cảng tại Jakarta của Indonesia, Freemantle của Australia, Kuantan của Malaysia, Sattahip của Thái Lan và Sihanoukville của Campuchia.
Đối với hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện chủ trương, lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này. Theo đó, Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.