Các cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và một số nước Đông Nam Á không phải lạ. Nhưng đây sẽ là cuộc diễn tập hải quân đầu tiên giữa Washington và 10 nước trong khu vực, thông qua ASEAN như một chủ thể đại diện thống nhất.
Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ chính quyền Mỹ và Thái Lan cho biết cuộc diễn tập AUMX sẽ kéo dài trong năm ngày, bắt đầu từ hôm nay (2-9), chủ yếu trong khu vực ngoài khơi căn cứ hải quân ở tỉnh Chonburi của Thái Lan và ngoài khơi tỉnh Cà Mau của Việt Nam.
Bảo vệ an ninh hàng hải
Trang Stars and Stripes dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết có 7 nước đã xác nhận sẽ gửi tàu tham gia cuộc diễn tập lần này, bao gồm Mỹ, Singapore, Brunei, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và cái tên vô cùng mới: Myanmar. Các nước còn lại sẽ cử sĩ quan tham gia với tư cách quan sát viên.
Ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên của The Diplomat, nhận định dù có phần chậm trễ nhưng cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ và ASEAN là một bước tiến triển đáng ghi nhận trong quan hệ giữa hai bên.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc diễn tập lần này sẽ tập trung vào việc đối phó các vấn đề thách thức an ninh hàng hải trong khu vực. “AUMX là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa Mỹ với tất cả các thành viên ASEAN về các ưu tiên an ninh hàng hải chung trong khu vực.
Cuộc diễn tập cũng tiếp tục xu hướng tăng cường hợp tác đa phương giữa hải quân các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực mà khi các nước được nối kết với nhau sẽ là chìa khóa để ngăn chặn sự xâm lược, duy trì sự ổn định và đảm bảo quyền tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế” – Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh về mục đích cuộc diễn tập.
Thực ra, Mỹ từ lâu đã có các cuộc tập trận đa phương với một số nước ASEAN như CARAT hay SEACAT. Bắt đầu từ thời tổng thống Barack Obama đã có những nỗ lực từ phía Mỹ nhằm tăng độ phức tạp của các cuộc diễn tập chung.
Nhưng sau nhiều lần thảo luận và trì hoãn, quyết định tổ chức cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN vào năm 2019 được chốt sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis với 10 người đồng cấp ASEAN tại Singapore năm 2018.
Cuộc diễn tập chung lần này cũng được xem là “phong vũ biểu” về quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực ASEAN. Ông Parameswaran nhận định cuộc diễn tập là nỗ lực cân bằng quan hệ với các nước lớn của ASEAN. Khối này trước đó đã tham gia cuộc diễn tập hàng hải chung với Trung Quốc.
Tư duy quốc phòng mới ở Mỹ
Trong giới hoạch định chính sách chiến lược quốc phòng hiện nay ở Mỹ đang nổi lên một tranh luận về việc Washington có nên triển khai “tạm thời” các căn cứ quân sự ở châu Á để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh hay không.
Thay vì tập trung vào tính thường trực, những căn cứ kiểu mới tập trung vào việc cải thiện khả năng huy động quân đội và triển khai vũ khí chiến lược.
Ông Eric Sayers, người từng giữ vai trò cố vấn cho tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, lập luận rằng các căn cứ quân sự “tạm thời” cho phép chúng có thể “phục hồi” nhưng quan trọng hơn là “đảm bảo Trung Quốc không thể nhanh chóng làm tê liệt sức mạnh quân sự của Mỹ” bằng cách tấn công vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 28-8 cũng khẳng định Washington đang muốn dành nhiều nguồn lực hơn cho các căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương sau tuyên bố muốn nhanh chóng triển khai các tên lửa tầm trung mới tới khu vực hồi đầu tháng 8.
Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ gần đây ở Việt Nam, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ – ông Elbridge Colby nhận định các hành vi gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đang nhắm vào việc hạ thấp hình ảnh và uy tín của Mỹ trong mắt các quốc gia Đông Nam Á.
Chuyên gia này cho rằng đã tới lúc Washington cần phải làm nhiều hơn tại khu vực, bao gồm cả việc công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của một số nước trong khu vực, chia sẻ thông tin tình báo kết hợp đào tạo tăng cường năng lực hàng hải cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.