Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐàm luậnNhững sự kiện Biển Đông vào cuối tháng 8

Những sự kiện Biển Đông vào cuối tháng 8

Những ngày cuối tháng 8 năm nay, một loạt các cường quốc cùng lên tiếng kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông.

Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng cho tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều được Mỹ và ASEAN chia sẻ. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là không có tính xây dựng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc cùng các tàu bảo vệ quay trở lại xâm phạm khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Trung Quốc đã lầm tưởng khi cho rằng chiến thuật đe dọa các quốc gia nhỏ trong khu vực Đông Nam Á bằng các tàu hải cảnh có lượng giãn nước lớn không thu hút sự chú ý của các cường quốc như các hoạt động va đâm tàu, hay sử dụng các biện pháp quân sự.

Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-8 chỉ trích trực diện chiến thuật gây hấn của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Malaysia, Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây, các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức cũng lên tiếng kêu gọi các bên tuân theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, và phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Như vậy, ít nhất 3 quốc gia trong thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ lên tiếng lo ngại về những hành động gây mất ổn định an ninh đang xảy ra ở khu vực Biển Đông.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi vấn đề leo thang hăm dọa của Trung Quốc thu hút được sự chú ý của các quốc gia trước đây vốn né tránh gây căng thẳng với Trung Quốc như Ấn Độ và Đức.

Dù ngôn ngữ của các thông cáo này có phần chừng mực và tránh đề cập thẳng tên Trung Quốc như các thông cáo của Mỹ, nhưng điều đáng chú ý là việc các cường quốc cùng đồng thanh lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế mang nhiều ý nghĩa, không chỉ về chính trị mà còn kinh tế, cũng như nhận thức của các quốc gia châu Âu về bảo vệ các giá trị luật lệ quốc tế mà họ tham gia xây dựng nên.

Việc các cường quốc lớn trên thế giới cùng lên tiếng có thể không buộc Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc ra khỏi khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngay lập tức, nhưng buộc Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều hơn khi tiến hành các hành vi hăm dọa khác.

 Cái giá mà Trung Quốc phải trả là hình ảnh mà Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng như một cường quốc thân thiện bị tổn hại. Mặc dù các hành động cảnh báo Trung Quốc trên không giải quyết được vấn đề căn bản trong tranh chấp Biển Đông, nhưng chúng nhấn mạnh rằng các hành động đe dọa sắp tới của nước này sẽ không chỉ là câu chuyện riêng của Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp nhỏ trong khu vực Đông Nam Á.

Nó đã trở thành câu chuyện của các cường quốc không muốn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, trở thành một trò đùa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tỉnh táo rằng về trung hạn tình hình khu vực có nhiều biến đổi khi nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái. Khi đó, mối quan tâm của các cường quốc có thể thay đổi. Ngoài ra, tình hình chính trị trong nước của các cường quốc này thay đổi cũng có thể khiến chính sách đối ngoại của họ thay đổi.

Chính vì vậy, chúng ta nên tận dụng bất kỳ cơ hội ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền đất nước. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng của họ, và họ luôn thay đổi chiến thuật để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, giá trị lượng hàng hóa của từng quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Đức qua khu vực Biển Đông trong năm 2016 là hơn 200 tỉ USD, Ấn Độ là gần 190 tỉ USD, còn Anh và Pháp tổng cộng hơn 210 tỉ USD. Các quốc gia này e ngại các hành vi của Trung Quốc nếu diễn tiến xấu trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến con đường hàng hải quan trọng qua Biển Đông.

Mỹ – ASEAN khởi động diễn tập hàng hải

Đợt diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gọi tắt là AUMX, đã chính thức khởi động ngày 2-9 tại trụ sở Hạm đội hoàng gia Thái Lan, tỉnh Chon Buri.

Theo báo Bangkok Post, phó đô đốc – tham mưu trưởng Hạm đội hoàng gia Thái Lan Charoenpol Kumsaree và chuẩn đô đốc Mỹ Kenneth Whitesell đã đồng chủ trì lễ khởi động có sự tham dự của đại diện hải quân từ 10 nước tham gia AUMX.

Cuộc diễn tập hàng hải này sẽ kéo dài tới ngày 6-9, với sự tham gia của 1.250 quân nhân. Bangkok Post cho hay tại cuộc diễn tập này, Brunei cử tàu tuần tra KDB Darulaman, Philippines có Ramon Alcaraz. Singapore và Myanmar gửi tới cuộc diễn tập các tàu khu trục lần lượt là RSS Tenacious và UMS Kyan Sittha, trong khi nước chủ nhà Thái Lan trình diện tàu tuần tra HTMS Krabi…

Phía Mỹ, Lầu Năm Góc triển khai tàu tác chiến duyên hải USS Montgomery, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer, ba chiếc trực thăng MH-60 và một chiếc máy bay tuần thám Poseidon P-8.

Cuộc diễn tập dự kiến bắt đầu bằng các đợt di chuyển trong vùng biển gần Thái Lan, Singapore và Brunei, sau đó sẽ diễn tập ở các vùng biển quốc tế ở vịnh Thái Lan và Biển Đông, trước khi kết thúc ở Singapore.

Phó đô đốc Charoenpol nói các nước tham gia sẽ xoay tua chủ trì những đợt diễn tập này. “Mục tiêu của chúng tôi là rèn luyện cho hải quân trong khu vực để hỗ trợ nhân đạo và đối phó thảm họa” – ông Charoenpol nói và khẳng định cuộc diễn tập này không liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông gần đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới