Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSingapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình,...

Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Tại Hội nghị“Tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12” diễn ra tại Singapore hôm 14/8, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Hội nghị “Tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore” lần thứ 11 (2018) và lần thứ 12 (2019).

Những nội dung chính tại Hội nghị

Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao hai nước, ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đã đồng chủ trì Hội nghị “Tham khảo chính trị Việt Nam-Singapore lần thứ 12” diễn ra tại Singapore. Hai bên đã trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore tiếp tục đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, tích cực đóng góp vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường phối hợp trên các vấn đề chiến lược trong bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, cọ xát thương mại gia tăng.

Hai bên nhất trí phối hợp triển khai tốt kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kết nối hai nền kinh tế lần thứ 14 tại Singapore (tháng 3/2019), đặc biệt trên các lĩnh vực tài chính, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, đầu tư, thương mại và dịch vụ… nhằm tiếp tục phát huy kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, trong đó Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn gần 50 tỷ USD, 7 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp Singapore.

Hai trưởng đoàn thống nhất về nhiều biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, duy trì đều đặn và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, tham vấn song phương. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực phát huy tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hoá của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau, đồng thời triển khai hiệu quả các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bí thư Thường trực Chee Wee Kiong nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, thương mại nông sản, du lịch, giao lưu nhân dân, và nhất là các lĩnh vực mới và quan trọng của thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 như khởi nghiệp, đô thị thông minh, công nghệ tài chính, an ninh mạng… Hai bên hài lòng về hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai Bộ Ngoại giao, góp phần tích cực vào việc triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore. Hai trưởng đoàn nhất trí sẽ tiến hành Tham khảo Chính trị lần thứ 13 tại Việt Nam trong năm 2020.

Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trách nhiệm và vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như sự đoàn kết và vững mạnh của Cộng đồng ASEAN.

Quan điểm của Singapore hiện nay đối với vấn đề Biển Đông

Mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được COC, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC.

Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa. Singapore cũng đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển.

Xu hướng chính sách của Singapore đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian tới

Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹ ở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không teo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển. Singapore có thể tiếp tục ủng hộ quan điểm của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng như những nỗ lực quốc tế hóa vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc muốn hạn chế trong phạm vị các nước liên quan trực tiếp và gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Ngoài ra, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy đưa vào công cụ giúp giảm căng thẳng Biển Đông như CUES, đẩy nhanh quá trình đàm phán và đạt được COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới