Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTiêm kích J-10 và âm mưu của TQ khi nhiều lần triển...

Tiêm kích J-10 và âm mưu của TQ khi nhiều lần triển khai trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam

Truyền thông phương Tây (20/6) trích dẫn ảnh vệ tinh chụp hôm 19/6 cho thấy Trung Quốc vừa triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc

Vào thập niên 1980, Mỹ và Israel hợp tác chế tạo tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4 với tên gọi Lavi, dựa trên nền tảng tiêm kích General Dynamics F-16. Tuy nhiên, do chi phí quá đắt đỏ, Mỹ rút khỏi dự án khi tiêm kích Lavi chưa được hoàn thiện. Vài năm sau khi dự án Lavi kết thúc, các quan chức Mỹ ngỡ ngàng phát hiện ra Israel chuyển kế hoạch phát triển dự án cho Trung Quốc, giúp nước này tiếp cận các công nghệ vốn được dùng để phát triển tiêm kích F-16. Trên cơ sở này, Trung Quốc phát triển tiêm kích Chengdu J-10 với ngoại hình cùng nhiều tính năng tương đồng F-16. Tiêm kích J-10 có ưu thế vượt trội so với các loại tiêm kích đời cũ trong biên chế không quân Trung Quốc và dần trở thành lực lượng quan trọng góp phần nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của lực lượng này. J-10 không phải là tiêm kích duy nhất của Trung Quốc có các yếu tố tương đồng với F-16, nhưng đây là bản sao F-16 gần giống nguyên mẫu nhất. Không quân Trung Quốc tiếp nhận phiên bản nâng cấp mới nhất của J-10 vào năm 2017 với radar mảng pha, radar kiểm soát hỏa lực hiện đại và các bộ phận làm bằng vật liệu composite giúp giảm trọng lượng máy bay để giúp J-10 tiếp tục phục vụ trong vài thập kỷ tới.

J-10 là loại máy bay một chỗ ngồi, cánh tam giác được trang bị một động cơ AL-31FN cánh quạt phản lực (công xuất tĩnh tối đa 12.500 kgf (123 kN, 27.600 lbf)) do Nga thiết kế. Khung máy bay có cánh đuôi đứng lớn và các cánh mũi (canard) ở gần vị trí buồng lái. Cửa hút khí hình chữ nhật, nằm bên dưới thân. Có lẽ có sử dụng vật liệu composite và một số loại kim loại thông thường trong chế tạo. Tính năng được cho là tương đương lớp sau loại F-16, dù khả năng thao diễn có thể ưu việt hơn (có thể ở mức một số loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm lớp đầu của phương Tây. Vòm kính buồng lái kiểu bong bóng nổi cho phép phi công có tầm quan sát tối đa 360 độ.

Hai cánh J-10 có 11 mấu cứng có thể mang tới 4.500 kg (9.900 lb) vũ khí, thùng nhiên liệu, và thiết bị ECM. Thiết bị bên trong gồm một pháo 23mm, nằm trong thân. Vũ khí mang ngoài có thể là: tên lửa không đối không hồng ngoại tầm ngắn (PL-8 của Trung Quốc, hay R-73 của Nga), tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar (PL-11 và PL-12 của Trung Quốc, hay R-77 của nga), bom dẫn đường hay không dẫn đường laser, tên lửa chống tàu (YJ-9K Trung Quốc), và các tên lửa chống bức xạ (YJ-9).

Về thông số kỹ thuật tổng thể của J-10: Dài 15,49 m (50,82 ft); Sải cánh 9,75 m (31,99 ft); Chiều cao 5,43 m (17,81 ft); Diện tích cánh 33,1 m² (356,3 ft²); Trọng lượng rỗng 9.750 kg (21.495 lb); Trọng lượng tải 12.400 kg (28.600 lb); Trọng tải vũ khí 6.000 kg (13.200 lb); Trọng lượng cất cánh tối đa 19.277 kg (42.500 lb); Động cơ 1 × Saturn-Lyulka AL-31FN hay WS-10A; Công suất đốt khô 79,43 kN/89,17 kN (17.860 lbf/19.000 lbf); Công suất sau lần đốt nhiên liệu thứ hai 125 kN/130 kN (27.999 lbf/29.000 lbf); Vận tốc tối đa Mach 2.2 khi bay cao và Mach 1.2 khi bay biển; Bán kính chiến đấu 1.600 km (khi được tiếp nhiên liệu trên không), 550 km (khi không được tiếp nhiên liệu trên không); Tầm bay tuần tra 1.850 km; Trần bay 18.000 m (59.055 ft); Lực nâng của cánh 381 kg/m² (78 lb/ft²); Lực đẩy/trọng lượng 1,024 (AL-31); trang bị pháo 23mm Type 23 2 nòng; Giá treo vũ khí 11 (3× dưới mỗi cánh, 5× dưới thân máy bay); Mang được 6000 kg vũ khí; Rốc két 90 mm; Tên lửa không đối không PL-8, PL-9, PL-11, PL-12; Tên lửa không đối đất PJ-9, YJ-9K, YJ-91; Bom dẫn đường LT-2 và LS-6; Có thể mang 3 thùng nhiên liệu phụ; Ra đa điều khiển hỏa lực NRIET KLJ-10; Thiết bị tìm kiếm mục tiêu bằng hồng ngoại Type Hongguang-I; Hệ thống phòng vệ BM/KG300G; Thiết bị điện tử trinh sát KZ900; Thiết bị chuyển hướng tấn công Blue Sky; Thiết bị hướng dẫn tấn công bằng laser và hồng ngoại FILAT (Forward-looking Infra-red Laser Attack Targeting)…

Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi triển khai tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm

Trung Quốc triển khai phi pháp tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình, cụ thể:

Thứ nhất, việc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm nhằm thăm dò, thử phản ứng của các nước liên quan và khích lệ tinh thần dân tộc của người dân trong nước.

Thứ hai, lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới như cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung, Hội nghị thượng đỉnh G-20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên, căng thẳng Trung Đông… không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo để đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước.

Thứ ba, tạo thế “sự đã rồi” khi đưa vũ khí ra quần đảo Hoàng Sa. Sau khi triển khai vũ khí, dù có gặp phải sự phản đối, chỉ trích của các nước, Trung Quốc sẽ lại viện những lý do hết sức nực cười như “đây là công việc nội bộ của Trung Quốc”, hay “việc đưa vũ khí ra Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, không nhằm vào nước khác” để biện minh cho các hoạt động phi pháp của mình.

Thứ tư, Trung Quốc cố tình đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa ở Biển Đông để tạo thế chủ động và giành lợi thế khi đàm phán, mặc cả với Mỹ trong việc trao đổi, thỏa thuận ngầm về những lợi ích song phương; từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài, đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Thứ năm, giành quyền chủ động trong việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, nhất là kiểm soát giao thông hàng hải, hàng không cùng nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản ở Biển Đông; từng bước áp đặt luật chơi của Trung Quốc đối với khu vực này. Trong tương lai không xa, sau khi kiểm soát toàn bộ Biển Đông và đã triển khai đủ các loại vũ khí, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nó sẽ bao trọn quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thứ sáu, gián tiếp răn đe, cảnh cáo các nước trong khu vực, nhất là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Thứ bay, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đặc biệt theo dõi và phản ứng cứng rắn đối với việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển cố tình đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển ở khu vực bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì việc cố tình tiết lộ thông tin triển khai trái phép tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm của Việt Nam là nhằm hướng lái sự chú ý của cộng đồng quốc tế; tránh để các nước tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines.

Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật quốc tế và các thỏa thuận song phương.

Hành vi triển khai trái phép tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm của Việt Nam là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”.

Ngoài ra, là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương Liên hợp quốc và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc triển khai trái phép tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của Liên hợp quốc”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Không những vậy, Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

Và đương nhiên, hành vi của Trung Quốc vi phạm các Thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Trung Quốc với các nước: Việc Trung Quốc triển khai trái phép tiêm kích J-10 ra đảo Phú Lâm của Việt Nam vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vây, hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Dư luận ban đầu

Giới chuyên gia nhận định dựa vào việc máy bay được đặt ngoài trời cùng các thiết bị đi kèm, các nhà phân tích cho rằng số máy bay này đã được triển khai khoảng 10 ngày. Theo cựu sỹ quan Không quân Australia Peter Layton, hành động này cho thấy Trung Quốc cố tình đưa số máy bay trên ra ngoài các khu vực nhà chứa, để vệ tinh của Mỹ và phương Tây có thể chụp lại. Theo ông Peter Layton, việc Trung Quốc triển khai số máy bay tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm triển khai huấn luyện sớm như một phần của kế hoạch đưa phi đội J-10 vào trạng thái sẵn sàng hoạt động trong Vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông.

Trong khi đó, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch ở Trung tâm Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ cho rằng động thái mới này cho thấy Bắc Kinh đang muốn chứng minh rằng họ có thể triển khai máy bay tới “bất cứ nơi nào họ muốn”; ngoài ra, nó cũng chứng tỏ rằng Trung Quốc đang muốn tuyên bố họ có thể mở rộng tầm hoạt động của không quân trên Biển Đông. 

Trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo. Nhóm đảo mà Việt Nam kiểm soát là nhóm Nguyệt Thiềm hay Trăng Khuyết, Lưỡi Liềm (Crescent Group); nhóm còn lại là nhóm An Vĩnh hay nhóm Bắc đảo (Amphitrite Group). Năm 1951, Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị. Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, trao lại quyền kiểm soát 2 quần đảo cho Quốc gia Việt Nam. Tại quần đảo khi đó đã có đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Đến năm 1956, Hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm phi pháp nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh) trong đó có đảo Phú Lâm (Woody Island) và đảo Linh Côn. Đến năm 1974, Trung Quốc lại sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp nốt một số đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ tháng 7/2012 và xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm. 

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới