Saturday, October 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ sẵn sàng sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình ở...

TQ sẵn sàng sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình ở Hồng Công

Trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Hồng Công ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Hồng Công. Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố cho thấy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để trấn áp cuộc biểu tình tại Hồng Công.

Diễn biến cuộc biểu tình ở Hồng Công tiếp tục phức tạp

Ngày 17/8, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày 18/8. Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ : “Cảnh sát Hồng Công biết luật, cảnh sát Hồng Công vi phạm pháp luật”. Trong khi đó, hàng ngàn người Hồng Công cũng tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Công.

Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trấn áp

Văn phòng Liên lạc Hồng Công của Trung Quốc (15/8) cho biết, người biểu tình chống chính quyền không khác gì “khủng bố” sau khi hai người Trung Quốc đại lục bị người biểu tình tấn công tại sân bay vì nghi ngờ là “đặc vụ chìm”.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (15/8) cảnh báo Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh để dập tắt làn sóng biểu tình ở Hồng Công nếu tình hình xấu đi sau khi một số người biểu tình có dấu hiệu của khủng bố.Theo Đại sứ Lưu Hiểu Minh, “nếu tình hình ở Hồng Công xấu hơn… chính quyền trung ương sẽ không giương mắt ngồi xem. Chúng tôi có đủ biện pháp và đủ sức mạnh trong phạm vi của Luật cơ bản để dập tắt bất cứ cuộc bạo loạn nào một cách nhanh chóng”; đồng thời khẳng định “Trung Quốc sẽ không để những thành phần bạo lực đẩy Hồng Công xuống vực sâu”.Đại sứ Trung Quốc tại Anh cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài xúi giục các cuộc biểu tình bạo lực ở Hồng Công, cảnh báo rằng những nỗ lực “thâm hiểm” của họ đã bị để ý và rằng cuối cùng họ sẽ tự làm hại chính mình. Ông Lưu Hiểu Minh cho biết, “các thế lực nước ngoài phải chấm dứt can thiệp các vấn đề của Hong Kong. Chấm dứt thông đồng với các cuộc tấn công bạo lực – họ không nên đánh giá sai tình hình và đi vào con đường sai trái, bằng không họ sẽ nhấc hòn đá và chỉ tự thả xuống chân mình”; cho rằng “bằng chứng cho thấy tình hình sẽ không diễn biến xấu như vậy nếu không có sự can thiệp và kích động của các thế lực bên ngoài. Hồng Công là một phần của Trung Quốc. Không quốc gia nào được phép can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Công”. Đề cập đến tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter nhằm kêu gọi Bắc Kinh đối xử nhân đạo với Hồng Công để có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, Đại sứ Lưu khẳng định Trung Quốc sẽ không đem lãnh thổ ra để “đổi chác”.

Để tăng tính răn đe đối với người biểu tình ở Hồng Công và “thế lực bên ngoài”, Trung Quốc đã điều động lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân của Trung Quốc (PAP) tiến hành các cuộc tập trận tại một sân vận động thể thao ở Thâm Quyến, gần ranh giới với Hồng Công. Theo ước tính của giới truyền thông, PAP đã huy động khoảng 500 xe bọc thép chống bạo động tham gia hoạt động diễn tập trên.

Truyền thông Trung Quốc cũng đang “dọn đường dư luận” khi đưa các bài viết để ngỏ khả năng can thiệp bằng vũ lực. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc (15/8) cho rằng “nếu Hồng Công không thể khôi phục luật pháp của mình và bạo động gia tăng thì chính quyền trung ương sẽ đưa ra các hành động trực tiếp dựa vào Luật cơ bản”; đồng thời nói thêm rằng “việc Lực lượng vũ trang nhân dân có mặt ở Thâm Quyến đã gửi một cảnh báo rõ ràng cho những đối tượng làm loạn ở Hồng Công”. Bài xã luận cho rằng tình hình tại Hồng Công “sẽ không tái diễn vụ việc chính trị ngày 4/6/1989”, ám chỉ đến cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.Tổng biên tập tờ Global Times Hồ Tích Tiến cũng tuyên bố sự hiện diện của PAP ở Thâm Quyến là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã “sẵn sàng can thiệp vào Hồng Công”.

Thiệt hại nặng nề

Để đối phó với làn sóng phản kháng tiếp tục dâng cao ở Hồng Kông vào những ngày cuối tuần, Bắc Kinh nhắm vào giới doanh nhân, thúc ép họ phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt biểu tình, bạo lực. Từ hôm qua, nhiều ông chủ, các công ty lớn đã đăng đàn trên truyền thông chính thống của Trung Quốc để bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền, phản đối biểu tình. Sau khi kêu gọi các công ty đưa ra các lời tuyên bố như trên, nhật báo Nhà nước khẳng định các thành viên của ngành công nghiệp và các cư dân mạng Trung Quốc đã hối thúc các cơ quan sa thải nhân viên có hành vi ủng hộ những “thành phần bạo động”.

Trên bình diện kinh tế, sau hai tháng lâm vào khủng hoảng, biểu tình phản kháng, nền kinh tế Hồng Công đã bị tác động rõ nét. Chính quyền Hồng Công vừa phải đưa ra kế hoạch khẩn cấp, bơm thêm hơn 2 tỷ đô la để hỗ trợ sức mua. Khoản ngân sách này chủ yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ, các sinh viên và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Cuộc khủng hoảng chính trị xã hội, cộng thêm với hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến nền kinh tế Hồng Công thêm khó khăn. Nên biết là 45% trao đổi buôn bán của đặc khu hành chính phụ thuộc vào Hoa Lục.

Ngoài ra, tình hình bất ổn đã khiến các nhà đầu tư né tránh thị trường tài chính Hồng Công. Các công ty lớn của Trung Quốc niêm yết chứng khoán tại Hồng Công từ tháng 6 năm nay đã bị mất một lượng lớn tài sản. Riêng tỷ phú Lý Gia Thành, người giầu nhất Hồng Công, đã bị mất 3 tỷ đô la. Các lĩnh vực du lịch, thương mại đều trong tình trạng thua lỗ. Bất động sản thương mại, bán lẻ, tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua giảm sút vì khủng hoảng. Lãnh đạo đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo tác động của đợt khủng hoảng hiện nay còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003. Tăng trưởng năm nay dự báo sẽ chỉ còn 1% thay vì 3% như tính toán.

Được biết, biểu tình ở Hồng Côngbùng nổ từ đầu tháng 6 khi Trưởng đặc khu Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nỗ lực thông qua Dự luật Dẫn độ cho phép người dân Hồng Côngtrình diện trước các tòa án hình sự ở Trung Quốc đại lục.Người dân Hồng Cônglo dự luật sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bắt giữ người tại Hồng Công với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Công.Trái lại, chính quyền Hồng Côngcho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hồng Công. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kiên quyết từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ người biểu tình ngoài việc đình chỉ dự luật vào lúc này. Dù Trưởng đặc khu Hồng Công tuyên bố dự luật “đã chết”, nhiều người vẫn tiếp tục biểu tình để đòi bà từ chức. Họ làm tê liệt sân bay quốc tế Hồng Công trong hai ngày, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy. Bà Carrie Lam cảnh báo bạo lực trong các cuộc biểu tình đang làm tổn hại nền kinh tế và đẩy xã hội Hồng Côngvào tình trạng nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các bên bỏ qua bất đồng và bình tĩnh.

Bắc Kinh từng cảnh báo nếu khủng hoảng vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc ít khả năng điều quân đội can thiệp tình hình Hồng Côngvì động thái này chứa đựng rủi ro về kinh tế, uy tín và sẽ vấp phải sự phản đối từ phương Tây.

RELATED ARTICLES

Tin mới