Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông trong chính sách ngoại giao láng giềng nước...

Vấn đề Biển Đông trong chính sách ngoại giao láng giềng nước lớn của TQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình

Bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc hoàn thành việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo cũ và mới. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc do Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu đã triển khai chính sách ngoại giao láng giềng mang tư tưởng nước lớn, trong đó bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

Chính sách ngoại giao láng giềng nước lớn trong vấn đề Biển Đông của TQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện ở bốn điểm sau:

Thứ nhất, ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “Giấc mộng Trung hoa” để tăng cường sự gắn kết của dân tộc Trung hoa, đặt nền tảng cho việc thực hiện sự phục hưng vĩ đại mang tư tưởng Đại hán của Trung Quốc. Đây là xu hướng xây dựng một chính sách, đường lối đối ngoại đầy tham vọng của Trung Quốc. Cũng từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các “yêu sách chủ quyền” ở Biển Đông bằng việc tiến hành các hoạt động lấn lướt trên thực địa như bồi đắp, mở rộng đảo nhân đạo; hiện đại hóa quân đội; xâm phạm chủ quyền các nước mà điển hình là việc nước này hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam hồi năm 2014.

Thứ hai, tích cực triển khai và thực hiện ngoại giao mới với các nước láng giềng. Tháng 10/2013, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác ngoại giao láng giềng. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết mục đích trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc là phục tùng và phục vụ việc thực hiện “hai mục tiêu 100 năm”, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, xây dựng kế hoạch tổng thể, thao túng thực tế.

Thứ ba, sau Đại hội 18, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách ở Biển Đông. Sau sự kiện tại bãi cạn Scarborough với Philippines, Trung Quốc đã điều lực lượng quân đội ra biển thực hiện hoạt động tuần tra hiện diện nhằm quản lý các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng chúng thuộc chủ quyền của mình từ xa xưa. Trung Quốc đã mở rộng các phạm vi tuyên bố chủ quyền sâu vào vùng biển của các nước và xuống phía Nam Biển Đông. Trung Quốc cũng tiến hành khai thác tài nguyên tại các vùng biển tranh chấp với các nước. Trong đàm phán Trung Quốc khăng khăng theo các tuyên bố, lập luận của mình. Năm 2012, Trung Quốc cho thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” đặt trụ sở hành chính tại đảo Phú Lâm để quản lý toàn bộ Biển Đông về mặt hành chính. Trung Quốc một mặt thúc đẩy đàm phán song phương với các nước, gây sức ép, lôi kéo các nước có tranh chấp và không có tranh chấp, trong khi vẫn tiến hành các hoạt động lấn lướt, đơn phương trên thực địa bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết với các nước.

Thứ tư, Trung Quốc tích cực thúc đẩy, lôi kéo các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai, con đường”, trong đó Biển Đông là một mắt xích quan trọng. Nếu Trung Quốc không kiểm soát được Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của nước này. Có thể nói “Vành đai, con đường” vừa là công cụ và vừa là mục tiêu trong chính sách ngoại giao láng giềng mang tư tưởng nước lớn, nhằm độc chiếm Biển Đông. Nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tái định hình chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã minh họa cho sự lãnh đạo chính trị mang phong cách cá nhân riêng biệt của ông này là kiên quyết và sẵn sàng chấp nhận rủi ro dựa trên tính toán cẩn thận. Trung Quốc đã tự áp đặt ranh giới đỏ về các hành động quyết đoán trên Biển Đông để tránh gây ra sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và sự đối đầu của ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc cũng cảm thấy cần khẩn cấp đưa ra những động thái bảo vệ quyền lợi khi đối diện với điều mà Trung Quốc cho là các hành động cố ý của các nước yêu sách khác nhằm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình. Các vụ việc như sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 (2014), đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 tại Vùng thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế (EEZ) hiện nay cho thấy chính sách bất chấp luật pháp và công lý để đạt được mục đích của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới