Bản tin Biển Đông ngày 05/09/2019.
Trung Quốc muốn trỗi dậy trong hòa bình hay trong sự chỉ trích, kiềm hãm của cộng đồng quốc tế?
Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS 1982) quy định rằng các quốc ven biển có quyền về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kinh tế đối với vùng biển mở rộng 200 hải lý (khoảng 400 km) tính từ đường cơ sở (vùng đặc quyền kinh tế). Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996 nên sẽ bị ràng buộc bởi các quy tắc, luật lệ của Công ước này.
Tuy nhiên, nếu theo UNCLOS, Trung Quốc không hề có cơ sở nào để đưa ra yêu sách đối với các khu vực tranh chấp hiện tại bởi đường bờ biển của Trung Quốc nằm cách các khu vực này hơn 1000 km. Tháng 7/2016, ý đồ dùng quần đảo Trường Sa để xác định vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc cũng đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ vì các đảo này quá nhỏ và không thể hỗ trợ sự sống của con người. Rõ ràng Trung Quốc đang cố tạo ra các vùng tranh chấp trên Biển Đông và sẽ sử dụng biện pháp nhượng bộ “cùng hợp tác khai thác” trong các cuộc đàm phán song phương để hưởng lợi từ tài nguyên tại các khu vực đó. [1]
Trung Quốc liên tục có các hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước, đặc biệt là Việt Nam trong thời gian gần đây. Có thể Trung Quốc nghĩ rằng sự đe dọa về một cuộc chiến thảm khốc xảy ra sẽ đẩy lùi nguy cơ chiến tranh tại khu vực. Do đó, Bắc Kinh chọn cách từ từ lấn tới, leo thang căng thẳng nhưng không đến mức khiến toàn bộ các nước ven Biển Đông cùng hợp tác để chống lại mình.
Ngày 3/9 vừa qua, tàu cẩu Lam Kình của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mới đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy tàu này hiện đang thực hiện quyền đi lại vô hại của mình nhưng có nhiều thông tin cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa một giàn khoan đến hoạt động tại vùng biển Việt Nam. Dù có kết luận chính xác về lý do tàu Lam Kình vào vùng biển Việt Nam, sự việc này có thể làm gia tăng hơn nữa căng thẳng vốn có giữa hai nước.[2]
Trung Quốc đã lầm về quy luật nhân-quả khi thách thức các nước Đông Nam Á và các nước có lợi ích tại Biển Đông. Họ sẽ không chịu ngồi yên để mặc cho Trung Quốc tự do hoành hành. Mỹ và 10 nước ASEAN đã bắt đầu cuộc diễn tập trên biển AUMX tại Biển Đông nhằm mục đích củng cố an ninh và hòa bình khu vực. Ở Maldives, Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 4 diễn ra ngày 3-4/9 với trọng tâm về tự do, an ninh hàng hải, việc thực hiện UNCLOS và phát triển các cơ chế khu vực hiệu quả để thực thi luật pháp quốc tế. [3]
Thêm vào đó, trong hai tháng vừa qua, cộng động quốc tế cũng liên tục lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phê phán hành vi của Trung Quốc. Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức lên tiếng bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là về chính sách “bắt nạt” của Trung Quốc. Ấn Độ, Malaysia và cả EU cũng đưa ra tuyên bố chỉ trích hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình.
Các quốc gia trong và ngoài khu vực có thể phối hợp về nhiều mặt để bảo đảm an ninh, hòa bình tại Biển Đông. Có nhiều biện pháp khả thi như tăng cường viện trợ, hợp tác quân sự, theo dõi, giám sát các hoạt động trên biển… Trung Quốc nên nhận ra rằng tiếp tục hung hăng tại Biển Đông chỉ đem lại thêm hại thì nhiều mà lợi thì ít, gây cản trở lớn tới sự trỗi dậy của mình. Liệu Trung Quốc muốn trỗi dậy một cách thuận lợi trong hòa bình hay bị kìm hãm bởi cộng đồng quốc tế?
[1] Friends of Europe, 3/9.
[3] India Times, 4/9.