Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSingapore - Việt Nam: Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng...

Singapore – Việt Nam: Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế

Tại cuộc tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Singapore, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong (14/8) đã đồng chủ trì sự kiện “Tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12” diễn ra tại Singapore.

Tại cuộc họp, hai bên nhất trí cùng nỗ lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore tiếp tục đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, tích cực đóng góp vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường phối hợp trên các vấn đề chiến lược trong bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, cọ xát thương mại gia tăng.Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực phát huy tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hoá của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau, đồng thời triển khai hiệu quả các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, Bí thư Thường trực Chee Wee Kiong nhấn mạnh mong muốn tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, thương mại nông sản, du lịch, giao lưu nhân dân, và nhất là các lĩnh vực mới và quan trọng của thời đại “Cách mạng Công nghiệp 4.0” như khởi nghiệp, đô thị thông minh, công nghệ tài chính, an ninh mạng…

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trách nhiệm và vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như sự đoàn kết và vững mạnh của Cộng đồng ASEAN. 

Được biết, Singapore là một quốc đảo tại Đông Nam Á, nằm ngoài khơi mũi phía Nam của bán đảo Mã Lai. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng Singapore luôn là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới, với vị thế trung tâm tài chính lớn thứ tư và một trong năm cảng nhộn nhịp nhất thế giới. Singapore cũng là nơi đặt Ban thư ký APEC, là một thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á, Phong trào không liên kết và Khối Thịnh vượng chung các quốc gia. Chính sự phát triển nhanh chóng của Singapore tạo cho quốc gia này có ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Chính sách ngoại giao của Singapore về vấn đề Biển Đông có thể tổng kết như sau: Singapore giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; Singapore hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; Singapore kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Trên thực tế nhìn biểu hiện hành vi của Singapore, biểu hiện hành vi ngoại giao của nước này trong vấn đề Biển Đông đã dần xa rời lập trường trung lập, nghiêng sang thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Singapore cho rằng địa vị nước lớn và nước nhỏ không ngang nhau, đàm phán giữa nước nhỏ và nước lớn không thể công bằng. Chỉ có thông qua luật quốc tế, quyền lợi nước nhỏ mới có thể được bảo đảm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Singapore vừa giương cao lá cờ “trung lập”, vừa dần hướng về phương Tây. Năm 2011, tàu tuần tra “Hải tuần 31” của Trung Quốc đến thăm Singapore. Sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố Singapore không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển quốc tế đều liên quan đến lợi ích then chốt của Singapore. Tuyên bố này được hiểu là Singapore và Trung Quốc “vạch rõ giới hạn”. Năm 2012, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng với Ngoại trưởng Sanmugam trong các dịp khác nhau đã bày tỏ rằng Singapore trong vấn đề Biển Đông luôn giữ lập trường trung lập, không lựa chọn đứng về bên nào, đề xướng các nước liên quan đến tranh chấp tự giải quyết. Nhưng cùng năm đó, Bộ Quốc phòng Singapore đồng ý cho Mỹ bố trí 4 tàu chiến đấu ven biển. Năm 2013, thái độ công khai trong vấn đề Biển Đông của Bộ Ngoại giao Singapore vẫn là giữ lập trường trung lập, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế. Sau đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Mỹ, bày tỏ hoan nghênh Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và chào đón sự ra đời của TPP. Năm 2014, tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Singapore đối với vấn đề Biển Đông là: “Singapore quan tâm đến sự phát triển của tình hình Biển Đông. Kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành vi có thể khiến tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Nhắc nhở các bên tranh chấp xử lý tranh chấp một cách hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế”. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trong một cuộc phỏng vấn công khai đã “mời” Ấn Độ tham gia can thiệp vào vấn đề Biển Đông, “Ấn Độ là một nước lớn có tầm ảnh hưởng, hy vọng sự hiện diện và tham gia của nước này ở Biển Đông có thể tăng cường lòng tin và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”. Tháng 8/2015, Ngoại trưởng Singapore Sanmugam bày tỏ “các nước ngoài khu vực có quyền lên tiếng về vấn đề Biển Đông”. Cuối năm 2015, Singapore đồng ý cho Mỹ bố trí máy bay săn ngầm P-8 Poseidon. Từ năm 2016 đến nay, thái độ thân Mỹ kiềm chế Trung Quốc của Singapore càng rõ rệt. Nguyên cớ bắt đầu từ chuyến thăm Mỹ vào tháng 8/2016 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi ông công khai cho biết, phán quyết vụ kiện Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay đã đưa ra “định nghĩa mạnh mẽ mà đanh thép” đối với yêu sách chủ quyền phi lý củaTrung Quốc, đồng thời hy vọng các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, chấp nhận kết quả trọng tài. Kể từ đó, mối quan hệ Trung Quốc – Singapore ở trong tình trạng bất định. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù Singapore không phải là một bên liên quan trong những tranh chấp đó, song những động thái gần đây của nước này đối với phán quyết đã khiến Bắc Kinh lo lắng. Cũng chính điều này, ông Thủ tướng đã biến Singapore từ một nước“quân sư ASEAN”, một nước luôn có sở trường ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, nay lại đứng về một bên trong vấn đề Biển Đông. Singapore đã trở thành một trong những quốc gia cùng với Mỹ công khai gây áp lực với Trung Quốc. Dưới con mắt của Trung Quốc Singapore đang có “sự thay đổi rõ rệt”.

Trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đang ngày càng được củng cố và thắt chặt. Về thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: 2009 – 5,8 tỷ USD; năm 2010 – 6,2 tỷ USD; năm 2011 – 8,7 tỷ USD; năm 2012 – 9,6 tỷ USD; năm 2013 – gần 9 tỷ USD; năm 2014 – 9,8 tỉ USD; năm 2015 – 9.2 tỉ USD; 2016 – 7.1 tỉ USD; 2017 – 8,3 tỷ (ta xuất gần 3 tỷ, nhập 5,3 tỷ USD); 10 tháng đầu năm 2018 đạt gần hơn 6,5 tỷ USD, trong đó ta xuất sang Singapore đạt hơn 2,6 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu (ta xuất gạo dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng; nhập xăng dầu thành phẩm), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại; ngoài ra, ta xuất các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn. Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/126) với 2067 dự án, tổng vốn 45 tỉ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, bắt đầu từ 2006, đến nay đã có 09 khu đang hoạt động (03 tại Bình Dương, 02 tại Bắc Ninh, 01 tại Hải Phòng, 01 Quảng Ngãi, 01 Hải Dương, 01 Nghệ An) với tổng vốn 11 tỷ USD và VSIP Quảng Trị đang trong quá trình khảo sát. Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam. Việt Nam hiện có 99 dự án đầu tư sang Singapore, tổng vốn 285 triệu USD, đứng thứ 12/73 quốc gia đầu tư vào Singapore (chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, công nghệ thông tin, dịch vụ).

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009); hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng như Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch thăm Singapore (10/2016), dự Đối thoại Shangri-la (6/2018), Hội nghị Cấp cao ASEAN (10/2018). Các cơ chế Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung về quan hệ quân sự-quốc phòng thường xuyên được tổ chức (gần đây nhất là Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng tháng 10/2017 tại Việt Nam). Hợp tác hải quân hai nước phát triển tốt; tàu Hải quân Singapore thường xuyên ghé thăm giao lưu với Hải quân ta; tàu Hải quân ta cũng thăm Singapore trên đường sang Ấn Độ dự diễu binh hải quân (01/2016). Bạn tích cực hỗ trợ ta trong công tác đào tạo về chỉ huy tham mưu, ngoại ngữ và các lĩnh vực mới như không quân, hải quân, tàu ngầm. Hai bên đã kí Thỏa thuận về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự và Thỏa thuận về cứu hộ tàu ngầm tháng 9/2013.

Không những vậy, hai bên hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hiệp quốc. Singapore ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Việt Nam ủng hộ Singapore tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; Hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Hai nước chia sẻ nhiều vấn đề an ninh chiến lược chung ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới