Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan – Ocha (27/8) cho biết, Thái Lan và Việt Nam cần phối hợp duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về Biển Đông năm 2002 (DOC), đồng thời thúc đẩy sớm thông qua Quy tắc ứng xử (COC) của các bên trên Biển Đông hiệu quả thực chất.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan – Ocha; hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chuan Leekpai. Tại các cuộc gặp, hai bên trao đổi, trảo luận nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tại hội kiến với Thủ tướng Thái Lan:
Ông Prayuth Chan – Ocha đánh giá cao sự tích cực và chủ động của Quốc hội Việt Nam với Đại hội AIPA 40 cũng như tinh thần xây dựng đoàn kết nội khối cùng các nước trong ASEAN triển khai Tầm nhin Cộng đồng ASEAN 2025, triển khai các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hoá – Xã hội, Mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực. Tin tưởng với vai trò là chủ tịch AIPA 41 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các nội dung ưu tiên mà Thái Lan đề ra trong năm 2019, nhất là phát triển bền vững, thúc đẩy các nội dung liên quan đến gắn kết và chủ động thích ứng của ASEANcũng như các hoạt động kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, trong đó có việc củng cố EAS, ADMM+. Các nhà lãnh đạo Thái Lan sẽ chia sẻ và ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy các nội dung quan trọng này để xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Thủ tướng Thái Lan cho rằng hai nước cần phối hợp nâng cao hiệu quả hợp tác tại Tiểu vùng Mê Công phù hợp với ưu tiên chung của cả 5 nước Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam; phối hợp duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về Biển Đông năm 2002 (DOC), đồng thời thúc đẩy sớm thông qua Quy tắc ứng xử (COC) của các bên trên Biển Đông hiệu quả thực chất.
Tại cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại và đẩu tư hai nước ngày càng hiệu quả. Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 vào Việt Nam với tổng số 521 dự án và 10,38 tỷ USD vốn đăng ký. Thủ tướng Thái Lan cũng nhất trí quan điểm hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu và Thái Lan có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; Duy trì triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại về quốc phòng, an ninh giữa hai nước, Sớm ký kết Hiệp định dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự, thương mại; Sớm sửa đổi Thỏa thuận hợp tác Lao động (ký năm 2015) bổ sung lao động phổ thông và giúp việc gia đình vào danh sách các công việc lao động Việt Nam được phép làm để có thể chính thức triển khai trước năm 2020; Quan tâm, tạo điều kiện sớm cấp quốc tịch cho các Việt kiều cao tuổi nhằm tạo điều kiện cho họ an tâm sinh sống, làm việc và hòa nhập cộng đồng sở tại.
Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan:
Ông Chuan Leekpai cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam ngày càng gắn bó, phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này là dịp để hai Bên trao đổi cụ thể về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Thái Lan đánh giá cao đóng góp của đoàn Việt Nam tại AIPA 40, trong đó nêu lên những những nguyên tắc và nhận thức chung đối với Biển Đông, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trên tinh thần tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời khẳng định, Thái Lan nhất trí quan điểm này và đề nghị hai nước phối hợp nâng cao hiệu quả hợp tác tại Tiểu vùng Mekong phù hợp với ưu tiên chung của cả 5 nước Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam; phối hợp duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về Biển Đông năm 2002 (DOC), đồng thời thúc đẩy sớm thông qua Quy tắc Ứng xử (COC) của các Bên trên Biển Đông hiệu quả và thực chất. Chủ tịch Hạ viện Thái Lan đánh giá cao Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Thái Lan ủng hộ Việt Nam với vai trò Chủ tịch AIPA 41 vào năm 2020, đồng thời cam kết sẽ chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp để Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020, trong đó ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ đối tác Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững, gìn giữ, phát triển bản sắc ASEAN, củng cố đoàn kết thống nhất trong AIPA và đổi mới AIPA theo hướng dân chủ hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng thành công của AIPA 40 và đánh giá cao vai trò Chủ tịch AIPA 2019 của Thái Lan trong thúc đẩy quan hệ đối tác Nghị viện vì cộng đồng bền vững. Chúc mừng Thái Lan đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử (24/3/2019) và ông Chuan Leekpai được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái Lan. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng với bề dày kinh nghiệm, Ngài Chuan Leekpai sẽ góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan; thúc đẩy triển khai các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đất nước Thái Lan sẽ đạt mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong thế kỷ 21.
Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Ngài Chuan Leekpai phát biểu tại buổi hội đàm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng tăng cường và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường với Thái Lan. Hiện Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, mong muốn tiếp tục đà tăng trưởng này, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa Thái Lan, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam; Đề nghị Thái Lan tạo điều kiện hơn nữa cho thương mại hàng hóa và dịch vụ, nhất là các mặt hàng hoa quả của Việt Nam phân phối ở thị trường Thái Lan; khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Thái Lan có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt kim ngạch 20 tỷ USD theo hướng cân bằng vào năm 2020; Đề nghị hai nước sớm nghiên cứu, sửa đổi Thỏa thuận hợp tác Lao động (ký năm 2015) theo hướng bổ sung lao động phổ thông và giúp việc gia đình vào danh sách các công việc lao động Việt Nam được phép làm để có thể chính thức triển khai trước năm 2020; Đẩy mạnh hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân; Đề nghị hai nước sớm ký kết Hiệp định dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự, thương mại; Hợp tác chặt chẽ giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá và các vi phạm khác trên biển trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Nhà nước Thái Lan luôn tạo điều kiện để bà con người Thái gốc Việt định cư, sinh sống và làm ăn ổn định tại Thái Lan; xây dựng và bảo tồn các khu di tích về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan; Mong Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện, sớm cấp quốc tịch cho các Việt kiều cao tuổi nhằm tạo điều kiện cho họ an tâm sinh sống, làm việc và hòa nhập cộng đồng sở tại. Về hợp tác quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi với Thái Lan và các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy các vấn đề quan tâm chung của ASEAN. Việt Nam đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các nội dung ưu tiên mà Thái Lan đề ra trong năm 2019. Dự kiến, Việt Nam sẽ thúc đẩy các nội dung liên quan đến gắn kết (Cohesive) và chủ động thích ứng (Responsive) của ASEAN cũng như các hoạt động kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, trong đó có việc củng cố EAS, ADMM+. Mong Thái Lan chia sẻ và ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy các nội dung quan trọng này. Về hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nhà lãnh đạo nhất trí Quốc hội hai Bên tiếp tục trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban của Quốc hội, tăng cường giao lưu nghị sỹ và hợp tác giữa hai Ban Thư ký Quốc hội hai nước, đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan. Các Ủy ban chuyên môn của hai Quốc hội tăng cường hợp tác giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước, hợp tác trong công tác bảo hộ công dân; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật và các quan điểm cùng quan tâm về tình hình chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại và môi trường; đẩy mạnh giao lưu hợp tác thường xuyên giữa hai Nhóm NSHN của hai Quốc hội. Hai bên sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn thế giới và khu vực như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA), trao đổi thông tin và ủng hộ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, góp phần xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển.
Được biết, Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai Bên đã triển khai hiệu quả Chương trình hành động quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018 và đang gấp rút hoàn tất nội dung Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024.