Phát biểu tại Đại hội đồng thứ 40 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các thành viên ASEAN cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước trong khối và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với vấn đề Biển Đông, trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ngày 26/8, AIPA 40 với chủ đề chung “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp. Mặc dù vậy, ASEAN vẫn đạt được những kết quả khích lệ trên cả 3 trụ cột của cộng đồng, các nước thành viên đều duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ (trung bình ở mức 5,1% năm 2018). Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những diễn biến phức tạp ở khu vực thời gian qua cũng khiến chúng ta phải lo ngại. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực tới hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chúng ta cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với Biển Đông, trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và của AIPA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các hoạt động của AIPA, phát huy quan hệ đối tác AIPA-ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn, AIPA cần quan tâm tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN; củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ứng phó hiệu quả với các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó củng cố, đổi mới hơn nữa tổ chức và hoạt động của AIPA nhằm phát huy vị thế, vai trò của AIPA, một đối tác quan trọng của ASEAN trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững.
Bên lề AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp chủ tịch Quốc hội Campuchi và Chủ tịch Hạ viện Maroc. Tại buổi gặp Ngài Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự tin tưởng rằng, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai Cơ quan lập pháp sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước Việt Nam – Campuchia; khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam trước sau như một coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Campuchia, coi trọng giữ ổn định và củng cố quan hệ tin cậy giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước. Đáp lại, ông Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia khẳng định sự ủng hộ Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41, sẽ phối hợp chặt chẽ để Việt Nam hoàn thành tốt vai trò là chủ tịch AIPA 41, giữ vững đoàn kết nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN. Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia luôn coi trọng và sẽ hợp tác chặt chẽ với Quốc hội và Thượng viện Campuchia thúc đẩy việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, đồng thời tăng cường hợp tác tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế như AIPA, APPF, APF, ASEP, IPU…. Ông Samdech Heng Samrin cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước, giữa các bộ, ngành, đoàn thể, giao lưu nhân dân; phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Chính phủ, nhất là Thỏa thuận cấp cao 2019. Samdech Heng Samrin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam- Campuchia trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước.
Tại buổi gặp Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib Malki, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Hạ viện Maroc cử đoàn cấp cao tham dự AIPA-40, cảm ơn Ngài Chủ tịch và Hạ viện Maroc quan tâm thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Việt Nam và các cơ chế hợp tác nghị viện tại ASEAN, châu Á -Thái Bình Dương thông qua cử các đoàn cấp cao tham dự các hội nghị tổ chức tại Việt Nam và các nước ASEAN; nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc, đề nghị hai Bên tăng cường tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, cấp Bộ ngành và giao lưu nhân dân nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời tăng cường tình đoàn kết và sự hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib Malki chúc mừng Việt Nam với vai trò là Chủ tịch AIPA 41, mong muốn với vai trò và vị thế ngày càng cao tại các diễn đàn khu vực và thế giới, Quốc hội Việt Nam sẽ hỗ trợ Maroc với vai trò là nước quan sát viên của AIPA. Chủ tịch Hạ viện Maroc mong muốn hợp tác nghị viện hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.. Để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp trong thời gian tới, hai Bên cần tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Về diễn biến tình hình Biển Đông, Chủ tịch Hạ viện Maroc bày tỏ quan điểm tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông; ủng hộ quan điểm nhất quán của Việt Nam và Asean là giải quyết các tranh chấp chủ quyền cũng như lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).