Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết Trung Quốc hiểu, tôn trọng và ủng hộ quyết định rút lại dự luật dẫn độ mà bà công bố chiều 4/9.
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc họp báo sáng 5/9, phóng viên nhiều lần đặt câu hỏi về việc vì sao chính quyền mất quá nhiều thời gian để rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, tuy nhiên bà Lam đều từ chối trả lời.
“Là không đúng khi miêu tả quyết định này là một sự thay đổi trong suy nghĩ”, bà Lam nói.
Lãnh đạo Hong Kong khẳng định việc rút dự luật là quyết định của chính quyền với sự ủng hộ từ Bắc Kinh.
“Trong suốt quá trình, chính quyền trung ương hiểu được lý do tại sao chúng tôi làm điều đó. Họ tôn trọng quan điểm của tôi và họ ủng hộ tôi suốt chặng đường vừa qua”, bà nói trong tâm thế bớt căng thẳng hơn buổi họp báo cách đó 1 ngày.
Hôm 4/9, bà Lam tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, nguồn cơn dẫn tới biểu tình kéo dài suốt 14 tuần qua ở Hong Kong.
Bà cũng công bố các biện pháp khác bao gồm khởi xướng một cuộc đối thoại để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị hiện nay.
“Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết sự bất mãn trong xã hội và tìm kiếm giải pháp”, bà cho hay.
Rút lại dự luật dẫn độ là 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình. Nhiều người do đó cho rằng tuyên bố rút dự luật của bà Lam là không đủ và quá muộn.
4 yêu cầu còn lại bao gồm rút lại từ bạo loạn khi mô tả về các cuộc biểu tình, phóng thích những người bị bắt, mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cánh sát trong biểu tình và quyền của người dân Hong Kong trong việc chọn lãnh đạo của họ.
Người biểu tình kêu gọi tất cả các yêu cầu này phải được đáp ứng. Bà Lam không đề cập tới các yêu cầu trên nhưng khẳng định chính quyền sẽ hỗ trợ đầy đủ công tác của Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC).
Tờ Nhân dân Nhật báo gọi việc rút lại dự luật là một nhành ô liu mà chính quyền chìa ra và người biểu tình không còn lý do gì để tiếp tục bạo lực. Tuy nhiên đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình vẫn xảy ra tại một số quận ở Hong Kong sau khi bà Lam tuyên bố rút dự luật.
Biểu tình hơn 3 tháng qua ở Hong Kong được xem là một trong những thách thức lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Trung Quốc phủ nhận can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong, cáo buộc các nước phương Tây thúc đẩy tình trạng thêm bất ổn.
Hình ảnh người dân xếp hàng dài tại sân bay biểu tình, các cuộc đụng độ trên khắp các con phố có mặt trên khắp các trang báo khiến nhiều nước lên tiếng quan ngại và kéo sụt lượng khách du lịch tới Hong Kong nhiều tháng qua.
Hơn 1.100 người bị bắt giữ kể từ khi bạo lực leo thang đầu tháng 6. Hong Kong cũng đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ.