Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cảnh báo giá thịt lợn tăng chóng mặt thời gian qua có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc và phá vỡ ổn định kinh tế nước này.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (giữa) (Ảnh: Reuters)
Loạt tỉnh thành Trung Quốc tìm cách bình ổn giá thịt lợn
Tờ Nanguo Zaobao của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đưa tin, kể từ ngày 2/9, chính quyền thành phố Nam Ninh bắt đầu thực thi các biện pháp can thiệp tạm thời vào giá thịt lợn.
Bắt đầu từ sáng mùng 2, “thịt lợn bình ổn giá” – thấp hơn giá bình quân thị trường trong 10 ngày trước đó là 10% – đã được bán tại 10 trung tâm nông sản ở thành phố này. Người dân mua thịt lợn phải xuất trình giầy tờ tùy thân, đồng thời mỗi người chỉ được phép mua tối đa 1 kg thịt lợn/ngày với giá ưu đãi.
Động thái của thành phố Nam Ninh được đánh giá là mạnh mẽ nhất cho đến nay nhằm ổn định giá thịt lợn. Một số hãng truyền thông Trung Quốc so sánh cơ chế nói trên giống như thời kỳ “tem phiếu” đã trở lại.
Tem phiếu hàng hóa – đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch – đã được chính phủ Trung Quốc hủy bỏ sau khi chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường từ thập niên 1980.
Tờ Mingpao (Hồng Kông) đưa tin, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã phát động cuộc chiến “bảo vệ giá thịt” trong những tháng qua. Kể từ tháng 4, 29 tỉnh thành – gồm các tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Tứ Xuyên, Phúc Kiến,… đã khởi động các cơ chế trợ giá. Nhiều địa phương ở Phúc Kiến áp dụng chính sách hạn chế lượng mua, trong khi Chiết Giang, Giang Tây,… tìm cách gia tăng nguồn cung thịt lợn song song với trợ giá.
Số liệu của Shanghai JC Intelligence cho thấy, giá thịt lợn trong tháng 8 đã tăng hơn 25%, vượt qua mốc giá kỷ lục năm 2016 là 21 nhân dân tệ/kg. Thịt lợn chiếm đến trên 60% lượng thịt tiêu thụ các loại của thị trường Trung Quốc.
Reuters hôm 30/8 trích lời quan chức Bộ nông nghiệp Trung Quốc, trấn an rằng chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ không tác động đến nguồn cung thịt lợn cho nước này. Bình luận được đưa ra 1 ngày trước khi Trung Quốc chính thức áp thuế thêm 10% đối với hàng nông sản Mỹ.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) càn quét qua nước này.
“Lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ chiếm ít hơn 0.2% đầu ra tại Trung Quốc, và tranh chấp thương mại với Mỹ không ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn ở Trung Quốc,” Xin Guochang – từ Cục chăn nuôi và thú y Bộ nông nghiệp Trung Quốc – nói trên đài truyền hình trung ương CCTV.
Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn và nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, với sản lượng 50.04 triệu tấn vào năm 2018. Công ty môi giới và tư vấn INTL FCStone dự đoán sản lượng sẽ giảm xuống mức 38 triệu tấn năm 2019 và 34 triệu tấn năm 2020 nếu Trung Quốc tiếp tục phải chật vật ứng phó với ASF.
Phó thủ tướng Trung Quốc cảnh báo Quốc khánh 70 năm bị ảnh hưởng
Hôm 30/8, Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa tham dự hội nghị trực tuyến quan trọng về ổn định sản lượng và bảo đảm nguồn cung thị trường thịt lợn, yêu cầu “nhanh chóng có giải pháp hiệu quả khôi phục chăn nuôi lợn”.
Theo tờ Financial Times (Anh), ông Hồ Xuân Hoa gọi việc gia tăng sản lượng thịt lợn là “nhiệm vụ chính trị trọng đại” trong thời gian tới, đồng thời tuyên bố đây là “quân lệnh trạng mà chúng ta lập với Trung ương đảng và Quốc vụ viện”.
Phó thủ tướng Trung Quốc cảnh báo, bất ổn trong giá thịt lợn có thể tác động tiêu cực đến các hoạt động kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước này vào ngày 1/10 tới.
Theo ông Hồ Xuân Hoa, giá thịt lợn tăng “ảnh hưởng đến bầu không khí vui mừng chào đón 70 năm thành lập nước Trung Quốc mới”.
Ông này nêu, việc không kiểm soát được giá thịt lợn “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công cuộc xây dựng xã hội sung túc toàn diện, tổn hại hình ảnh của đảng và chính phủ”, cũng như ảnh hưởng xấu đến “ổn định kinh tế”.
Nhà phân tích Feng Yonghui từ công ty tư vấn về thịt lợn Soozhu (Trung Quốc) nhận định, “giá thịt lợn đã vượt qua mốc kỷ lục trong lịch sử năm 2016, do đó chính phủ hết sức lo ngại tác động kinh tế của nó, đặc biệt đối với nhóm thu nhập thấp.”
Bộ thương mại Trung Quốc tuần trước thông báo sẽ bổ sung nguồn cung từ “kho lưu trữ thịt lợn đông lạnh trung ương” vào thời điểm thích hợp nhằm bình ổn giá cả. Chế độ lưu trữ thịt lợn được Trung Quốc khởi động vào năm 2007, song quy mô của nó là bí mật quốc gia.
Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cho hay, kể từ tuần này, các xe vận tải lợn và thịt lợn sẽ được hưởng chính sách “làn xanh” – cho phép miễn cước lưu thông đường bộ.