Sunday, September 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông khu vực đồng loạt lên án việc TQ vi phạm...

Truyền thông khu vực đồng loạt lên án việc TQ vi phạm lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông

Báo chí các nước khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines…) liên tục đưa tin về việc tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, gây căng thẳng ở Biển Đông.

Báo chí Indonesia đăng loạt bài viết cho rằng “những hành động của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 không phù hợp với tinh thần xây dựng hoà bình ở Biển Đông và Việt Nam hi vọng ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết căng thẳng này”. Theo bài viết, Trung Quốc là quốc gia lớn trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bởi vậy quốc gia này có trách nghiệm đóng góp bảo vệ môi trường hoà bình ổn định, thúc đẩy hợp tác và hữu nghị trên thế giới nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng.

Ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc không chỉ xây dựng mối quan hệ với Việt Nam mà còn có quan hệ với các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quốc gia trong khối ASEAN như Malaysia, Philipines và Brunei đều gặp phải vấn đề giống như Việt Nam trên Biển Đông. Theo bài báo, trong thời gian ngắn, có thể việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh về kinh tế và quân sự sẽ đem lại lợi ích cho đất nước này, nhưng tính về lâu dài, nước này sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ phản ứng của các quốc gia láng giềng và của cộng đồng Quốc tế. Các nước trong khu vực đang cố gắng bình tĩnh, kiềm chế trước những hành động trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này không có nghĩa rằng Việt Nam và các nước này yếu thế hay thoả hiệp với những hành động sai trái đó mà họ chỉ muốn thể hiện thiện chí xây dựng hoà bình.

Sau khi chỉ ra một loạt những hành động sai trái của Trung Quốc trong thời gian gần đây như đánh chìm tàu cá Philippines, xây dựng đảo nhân tạo trái phép, thử tên lửa đạn đạo chống tàu, cấm hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia ngoài khơi nước này, tờ báo cũng đề cập đến việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu Hải Dương 8 với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài báo cũng đưa ra dẫn chứng về việc cộng đồng quốc tế đã chỉ trích hành động này của Trung Quốc và cho rằng chiến dịch tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc sẽ phá vỡ nỗ lực chung hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và mâu thuẫn với tuyên bố của Trung Quốc trong việc xây dựng hoà bình và ổn định trên Biển Đông. Bài báo kết luận, “lịch sử cho thấy Việt Nam luôn dùng biện pháp hoà bình đề bảo vệ lợi ích chính đáng”. Đặc biệt, Việt Nam sẽ là nước chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2020. Việt Nam sẽ có quyền kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết, đưa các vấn đề này ra diễn đàn quốc tế đa phương. “Nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động hung hăng, kiêu ngạo của mình, chắc chắn sẽ mất Việt Nam như một quốc gia láng giềng thân tình và hữu ích”.

Báo chí Malaysia dẫn các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các báo trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ lên án việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông. “Bộ Quốc phòng Mỹ cực kỳ quan ngại trước các nỗ lực liên tục của Trung Quốc khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”, tờ Malaymail dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8. “Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các láng giềng và cũng không nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế khi duy trì các chiến thuật bắt nạt của họ”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh. Một số bài báo cũng dẫn lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/8 cho biết “Mỹ cực kỳ quan ngại việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này gây ra nghi vấn nghiêm trọng về cam kết của Trung Quốc đối với việc giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Truyền thông Philippines cũng liên tục cập nhật thông tin liên quan Biển Đông và vụ việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Trong đó, trích các tuyên bố, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết “tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã tái diễn xâm phạm vùng biển Việt Nam kể từ ngày 13/8. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 tới ngày 7/8. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của UNCLOS”. Tờ Phil Star dẫn lời Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay “Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế”.

Báo chí Philippines bên cạnh việc thúc giục Chính quyền nước này có chính sách cứng rắn với các hành vi của Trung Quốc cũng liên tục đề cập những hành vi đưa tàu khảo sát trái phép vào EEZ của Philippines. Ngoại trưởng Philippines hôm 19/8 đã gửi công hàm lên án việc 5 tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện tại eo biển Sibutu gần đảo Tawi-Tawi của nước này. “DFA ASPAC gửi công hàm phản đối liên quan đến tàu chiến Trung Quốc. Dẹp hết ngoại giao nhảm nhí. Khẳng định vùng biển đó là của chúng ta, chấm hết. Họ đi vào trái phép”, báo chí Philippines dẫn thông báo qua tài khoản chính thức trên mạng xã hội Twitter của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. Đây là công hàm phản đối thứ 2 của chính quyền Philippines phản đối việc tàu chiến Trung Quốc hiện diện trong vùng EEZ của mình. Công hàm trước đó được ông Locsin gửi ngày 9/8, theo Rappler. Theo truyền thông Philippines, tính từ tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Philippines đã ghi nhận 13 vụ việc tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển Philippines mà không xin phép hay báo trước cho chính quyền nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới