Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông khu vực và quốc tế sát cánh cùng Việt Nam...

Truyền thông khu vực và quốc tế sát cánh cùng Việt Nam phản đối hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Kể từ khi Trung Quốc (3/7) đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, truyền thông khu vực và quốc tế sát cánh cùng Việt Nam đưa tin, lên án các hoạt động phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Truyền thông các nước có lợi ích ở Biển Đông liên tục cập nhật thông tin, tình hình, trích dân các tuyên bố của Việt Nam lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc; đồng thời trích dân nhận định của giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định, đánh giá về tình hình, cũng như khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và đối phó với những hành vi phi pháp của Trung Quốc. Trong đó, báo chí nước ngoài (Reuters, AFP, AP, South China Morning Post, VOA tiếng Trung, Channel NewsAsia, Euronews, The World News, GMA News, The Diplomat, Financial Times, Washington Times, Bloomberg, Newsweek, Sputnik, Timesnow, S&P Global, Jiji Press…..) đồng loại đưa phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trang Geopoliticalmonitor.com đăng bài viết của Nhà báo độc lập James Borton với tiêu đề “Mỹ ngủ quên, Trung Quốc làm dậy sóng Biển Đông” nhận định Trung Quốc đang ngày càng lấn tới, vi phạm UNCLOS, làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Hague, xây các đảo nhân tạo với “tốc độ điên cuồng”, quân sự hóa quần đảo Trường Sa, “ngang nhiên” ban hành lệnh cấm đánh cá, liên tục hủy hoại sinh thái các rạn san hô; trong khi đó Nhà Trắng lại có quan điểm ôn hòa trước các hành động “quấy nhiễu” của Bắc Kinh; đồng thời lo ngại hồi kết của trò chơi này là Bắc Kinh “hoàn toàn kiểm soát” Biển Đông. Tác giả James Borton kết luận, động thái khởi đầu tốt nhất là Quốc Hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS, và thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông. Trang Asia Times cho rằng Trung Quốc hiện nay đang là nước “bành trướng trên biển”. Tờ National Interest, Foreign Policy lại cho rằng “các động thái quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm”. Đáng chú ý, các trang mạng trên còn đồng loạt đưa tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Financial Times cho biết Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo hành động “gây nghi ngờ lớn đối với cơ chế giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển của Trung Quốc”. Bloomberg nhận định “Biển Đông tiếp tục là một nguồn căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ”, ngay cả khi hai nước này đang trong một cuộc chiến thương mại “cay đắng”. Tờ The Wall Street Journal đăng bài bình luận của 2 chuyên gia Murray Hiebert và Gregory B.Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) chỉ rõ có nhiều tàu tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Theo các tác giả, cộng đồng quốc tế cần phải có thêm hành động để buộc Bắc Kinh kiểm soát tàu hải cảnh và tàu dân quân biển trước khi xảy ra những vụ va chạm chết người, kéo theo khủng hoảng lớn hơn. “Nếu Trung Quốc muốn dựa vào lực lượng dân sự và bán quân sự để cưỡng ép các nước láng giềng thì những lực lượng này phải bị vạch mặt”, 2 chuyên gia Poling và Hiebert kêu gọi, đồng thời cảnh báo: “Tình trạng đeo đuổi các tuyên bố chủ quyền một cách hung hăng, xem thường luật pháp quốc tế dẫn tới tổn hại quyền lợi của các nước Đông Nam Á là thách thức nghiêm trọng đối với trật tự hàng hải quốc tế và ổn định khu vực”. 

Báo chí Nhật Bản (The Diplomat, Kyodo, Japan Times…) tiếp tục đưa tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng Trung Quốc tái diễn các hành động vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cho rằng các hành động “cưỡng chế” của Trung Quốc sẽ làm gia tăng “hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc”.

Báo chí Ấn Độ (Times of India, The Print, The Tribune…) đồng loạt đưa tin Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cử 2 tàu đến khu vực thăm dò khai thác dầu của Công ty Ấn Độ ONGC và cho rằng hành động của Trung Quốc có thể tạo ra tình hình “nguy hiểm” ở khu vực. Deccan Herald kêu gọi Ấn Độ lên tiếng về tình hình hiện nay ở Biển Đông, cho rằng nếu không lên tiếng, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chiến thuật “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” và những tuyên bố về một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do sẽ chỉ “đơn thuần là một tuyên bố”. Báo chí Ấn Độ tiếp tục có những bài viết bình luận về tình hình Biển Đông. Trang Economic Times có bài viết cho rằng việc Trung Quốc thăm dò dầu khí ở khu vực nằm trong đường 9 đoạn “huyền thoại” của mình nhằm tạo ra tranh chấp mới tại khu vực vốn không có tranh chấp; đồng thời đây là cái cớ để “hướng sự chú ý” của dư luận quốc tế ra khỏi sự giảm tốc về kinh tế sau cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, cũng như những căng thẳng trong vấn đề Hồng Công và Đài Loan. Trang Economic Times cũng cho rằng Việt Nam cần phải xử lý căng thẳng “một cách cẩn trọng” và chỉ ra một số hướng cho Việt Nam. Trang Time of India cho rằng Trung Quốc với “tư tưởng cường quốc” đang coi Biển Đông như một “cái ao” của mình. Bài báo cũng chỉ ra lợi ích của Ấn Độ cũng tồn tại trên khu vực Biển Đông khi “khoảng 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông”.

Báo chí Australia và một số báo ở khu vực (News AU, The Australian, ABC, Australian Financial Review, Reuters, Strait Times, Courier Mail, South China Morning Post …) cũng bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề Biển Đông đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Scott Morrison, trong đó cho biết Việt Nam và Australia cùng bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Một số báo chí Australia cho biết trong các tuyên bố liên quan đến Biển Đông, Thủ tướng Australia tuy “không nêu đích danh Trung Quốc” nhưng “ngầm chỉ trích” Trung Quốc với những hành động “cưỡng ép” hiện nay. ABC cho rằng Chính phủ Australia vẫn chưa lên án “rõ ràng” các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông nhưng ngôn ngữ của nó đang “dần được củng cố”. The StraitTimes (Singapore) cho biết Thủ tướng Australia kêu gọi các quốc gia châu Á cùng “đứng lên vì độc lập và chủ quyền” trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Báo chí của UAE, Ai Cập (Skynewsarabia, Shorouknews, DostorMasrawy, Alhayat, Iraqnews…) đưa nhiều tin, bài liên quan Trung Quốc đưa tàu trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và quân sự hóa ở khu vực Biển Đông. Trên Tạp chí của Trung tâm nghiên cứu và tìm kiếm chiến lược Ai Cập, nhà báo Hussein Ajli cũng có bài viết “Trung Quốc làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông bằng cách tạo ra một nền tảng quân sự mới”. Nhà báo Hussein Ajli nhấn mạnh rằng, tháng 7 năm ngoái, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các yêu sách của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý. Liên quan tới những căng thẳng ở Biển Đông, tác giả đưa ra nhiều kịch bản như các bên liên quan có thể kiện ra tòa, đàm phán, hoặc đối đầu quân sự. Nhưng kịch bản phù hợp là thúc đẩy và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao vì hòa bình và ổn định cho khu vực. Tờ tin tức KUNA của Kuwait có đoạn “Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát kèm theo tàu hộ tống vũ trang ở vùng biển ngoài khơi của Việt Nam đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về các cam kết của Trung Quốc đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các giải pháp hòa bình trong tranh chấp hàng hải”. Tờ Kim Tự Tháp, một tờ báo chính thống của Ai Cập bằng tiếng Anh cũng đưa tin về những quan ngại sâu sắc của quốc tế trước sự can thiệp của Trung Quốc vào hoạt động khai thác dầu khí Việt Nam. Bài báo có đoạn viết: “Mỹ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, cho rằng điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Bắc Kinh trong giải quyết tranh chấp hàng hải”. Trên trang Gate.ahram cho rằng “Tàu khảo sát của Trung Quốc được sự hộ tống của ít nhất 4 tàu khác tiếp tục khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo các điều ước quốc tế của Liên Hợp Quốc, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lên tới 200 hải lý (370 km hoặc 230 dặm) và Việt Nam có quyền chủ quyền để khai thác bất kỳ tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó”.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại “im lặng” lạ thường trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, cũng như phản ứng của Việt Nam. Từ ngày 3/7 đến nay, truyền thông Trung Quốc hạn chế đưa tin, bài viết liên quan hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Chỉ có một số ít các trang mạng không chính thống của Trung Quốc như diễn đàn quân sự, diễn đàn xã hội và một số trang mạng tiếng Trung ở hải ngoại lồng ghép một số tin, bài về tuyên bố ngang ngược, ngụy biện và xuyên tạc trắng trợn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong vùng biển của Việt Nam. Ngoài ra, một số trang mạng của Trung Quốc còn lồng ghép, “vu cáo”, “chỉ trích” Mỹ và cộng đồng quốc tế đang tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông; cố tình đổ lỗi cho Mỹ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông…

Tuy nhiên, tất cả các lời lẽ ngụy biện của Trung Quốc đều không thể đánh lừa được cộng đồng quốc tế. Tất cả các nước hiện đang sát cánh cùng Việt Nam lên án những hành vi phi pháp của Bắc Kinh, yêu cầu nước này chấm dứt ngay những hành vi bá quyền, sử dụng vũ lực để xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, cũng như thách thức sự nghiêm minh của luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới