Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhai thác điểm yếu của TQ

Khai thác điểm yếu của TQ

Thời gian gần đây báo chí và các trang mạng Việt Nam xuất hiện nhiều bài viết lên án hoạt động gây hấn của Trung Quốc và đưa ra cơ sở pháp lý về quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển này. Trong khi đó truyền thông Trung Quốc hầu như không có bài viết nào về vụ việc này, chỉ đưa tin về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nội dung cũng chỉ nêu lại lập trường của Trung Quốc một cách chung chung, mơ hồ.

Truyền thông Trung Quốc nằm dưới sự chỉ đạo hoàn toàn của chính quyền Bắc Kinh và nổi tiếng với nhưng bài viết có lời lẽ chua ngoa, đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận. Vậy tại sao lần này truyền thông Trung Quốc lại im lặng như vậy?

Sau khi nhóm tàu Hai Dương 08 quay trở lại bãi Tư Chính và hôm 16/8/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam thì đến ngày 19/8/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Cảnh Sảng tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh cũng chỉ nói một cách rất mơ hồ rằng “Trung Quốc có chủ quyền với Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển lân cận và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan”; tàu Hải Dương 08 “luôn hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”; hy vọng “quốc gia có liên quan sẽ tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Trước hết, phải khẳng định rằng Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để yêu sách đối với khu vực bãi Tư Chính mà khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trong phát biểu của Người phát ngôn Trung Quốc đề cập đến khái niệm “vùng biển lân cận”, “vùng biển liên quan” và đòi chủ quyền hoặc quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển đó. Trong luật pháp quốc tế hoàn toàn không có khái niệm về “vùng biển lân cận”, “vùng biển liên quan”. Phải chăng Trung Quốc tự cho mình cái quyền đưa ra khái niệm mơ hồ và tự họ viết ra luật?

Lâu nay, Trung Quốc thường dùng 2 luận điệu để giải thích cho các yêu sách của họ ở Biển Đông: một là, yêu sách về quyền lịch sử đối với “đường lưỡi bò” do một cá nhân Trung Quốc tự vạch ra trên bản đồ năm 1947; hai là, họ tự cho rằng quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là “Nam Sa” là của Trung Quốc và Trung Quốc được hưởng các vùng biển từ quần đảo này, bao trùm lên cả khu vực bãi Tư Chính. Rõ ràng cả 2 luận điệu này đều đã bóp méo, xuyên tạc những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Đặc biệt, phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng đã bác bỏ hoàn toàn cả hai luận điệu nói trên, cụ thể Tòa đã phán: thứ nhất, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và yêu sách này hoàn toàn bị bác bỏ; thứ hai, tất cả các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện để được coi là đảo theo Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nên chỉ có tối đa vùng biển lãnh hải 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý. Theo đó, bất luận chủ quyền quần đào Trường Sa thuộc về quốc gia nào thì không thể đòi hỏi vùng biển quá 12 hải lý cho các cấu trúc này.

Như vậy, cả 2 luận điệu Trung Quốc đưa ra để bảo vệ cho các yêu sách phi lý của mình lâu nay đã đều bị bác bỏ. Trung Quốc hiểu rõ điều này. Họ tính toán rằng nếu để truyền thông Trung Quốc viết về hành vi của họ ở Tư Chính thì vô hình chung “đổ thêm dầu vào lửa”, tạo điều kiện cho các học giả, nhà nghiên cứu chân chính lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, đề cao phán quyết 12/7/2916 của Tòa Trọng tài. Chủ trương của Trung Quốc trong hơn 3 năm qua là tìm mọi cách để “làm chìm”, vô hiệu hóa phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài

Mặt khác, trong trao đổi với các nước liên quan về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn yêu cầu giải quyết nội bộ, song phương; không tuyên truyền công khai nên bản thân Trung Quốc muốn làm chìm vụ việc để giảm sự quan tâm của dư luận. Đây là cách làm hết sức nguy hiểm của Bắc Kinh, một số nhà nghiên cứu cho rằng cách làm này là “Bắc Kinh đang chùm chăn, bịt miệng từng nước liên quan để đánh lẻ”. Trung Quốc còn biết rằng nếu truyền thông nói nhiều về vụ việc chỉ tạo thêm cơ hội cho Mỹ và các nước khác lên tiếng mạnh mẽ hơn, đặt Bắc Kinh vào tình thế khó khăn.

Rõ ràng, đây là điểm yếu của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông nói chung và trong vụ việc tàu Hải Dương 08 xâm phạm bãi Tư Chính nói riêng. Các nước ven Biển Đông mà cụ thể trong trường hợp Việt Nam hiện nay cần khai thác để chống lại các hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam cần sớm tận dụng phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế để làm rõ cơ sở pháp lý của bãi Tư Chính; cần công bố rộng rãi các tư liệu, bằng chứng liên quan để cho quốc tế và cả người dân Trung Quốc hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Một số bài viết trên các báo và trang mạng, kể cả những tranh luận trên các trang mạng vừa qua của Việt Nam cho thấy rõ ngay cả người dân Việt Nam cũng chưa thực sự hiểu rõ tính chất pháp lý của khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Do vậy, để đối chọi với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông nói chung và ở khu vực bãi Tư Chính nói riêng, Việt Nam cần tận dụng khai thác những điểm yếu của Trung Quốc và phát huy những điểm mạnh của Việt Nam. Cần làm rõ cơ sở pháp lý của Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở khu vực Tư Chính; công bố chi tiết những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở khu vực này, bao gồm việc khảo sát địa chấn, đâm va và phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam….

Ông Jerome Alan Cohen, Giáo sư luật tại Trường Luật, Đại học New York cho rằng bên cạnh việc gia tăng các nỗ lực liên minh với các quốc gia ASEAN có cùng chí hướng để thuyết phục thế giới tin tưởng vào các cơ sở chính đáng bảo vệ cho các lập trường của Việt Nam, bản thân Việt Nam cần trở nên chủ động hơn nữa trong việc giải thích quan điểm của mình ở các diễn đàn quốc tế như Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới. Ông Cohen nhấn mạnh thế giới mong muốn được nghe nhiều hơn từ Việt Nam thông qua các bài bình luận báo chí, các bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên sâu, các bài phát biểu và hội nghị bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Ý kiến của Giáo sư Cohen là việc mà Việt Nam cần làm để phát huy những thế mạnh của mình và đánh vào điểm yếu của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cụ thể là bảo vệ quyền chủ quyền quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính đang bị những người cầm quyền ở Bắc Kinh xâm phạm.

RELATED ARTICLES

Tin mới