Về hình thức, TQ có vẻ thiệt trong công thức ăn chia trong đề xuất khai thác dầu khí chung của PLP là 60/40, với 60% lợi nhuận thuộc về nước chủ nhà và 40% thuộc về công ty nhận thầu. Tuy nhiên, TQ không hề ngây thơ, vì đề xuất của Manila trùng với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Bắc Kinh đề ra từ lâu.
Hơn 10 ngày sau chuyến thăm TQ của Tổng thống PLP – ông Rodrigo Duterte – sự kiện được dư luận chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông mà cả PLP, TQ cùng có tuyên bố chủ quyền.
Nhận định về sự kiện này, nhìn chung, báo chí PLP cho rằng, ông Durtete đã đạt được mục tiêu với các kết quả cụ thể: gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường; tiếp xúc cới mở với giới doanh nhân TQ. Hai bên đã ký nhiều văn bản liên quan đến hợp tác giáo dục đại học, khoa học, công nghệ, vay ưu đãi và các vấn đề hải quan. Lãnh đạo hai nước nhiều lần gọi mối quan hệ của họ là “thân thiện”.
Ông Duterte cũng đã nói thẳng với ông Tập Cận Bình về phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài PCA,với thắng lợi thuộc về PLP, trong vụ PLP kiện TQ. Thậm chí, thái độ của ông được coi là mạnh mẽ trước người đồng cấp TQ khi khẳng định rằng đây là phán quyết “có tính quyết định, ràng buộc và không thể khiếu nại”.
Cho dù ông Tập Cận Bình bác bỏ, thì ông Durtete, chỉ với việc nói ra điều đó thôi, cũng coi như đã ghi điểm trong dư luận PLP.
Vì lẽ, do sự trì hoãn khó hiểu đối với việc tận dụng phán quyết của PCA để bảo vệ chủ quyền, ông Durtete đã và đang bị dư luận nghi ngờ là “bán đứng” lợi ích của đất nước để đổi lấy những lời hứa suông từ TQ.
Không chỉ dừng ở đó. Thêm một vấn đề dư luận cực kỳ quan tâm là việc ông Duterte đề xuất vấn đề khai thác chung dầu khí ngoài khơi ở khu vực biển Đông(PLP gọi là Biển Tây PLP). Theo đó, hai bên sẽ bên cùng thiết lập một Công ty quản lý, chịu trách nhiệm nghiên cứu khả năng khai thác tài nguyên khoáng sản chung tại các khu vực tranh chấp.
Nêu đề xuất này, có vẻ như ông Durtete tự đắc, coi nó như một cao kế biến đối thủ thành đối tác, hóa giải bất đồng trên biển mà PLP là một trong những nước thất thiệt, bị o ép bấy nay.
Sự thỏa hiệp của ông Durtete đã được đưa vào kịch bản chuyến thăm TQ của ông từ trước. Chẳng thế mà ông Panelo- người phát ngôn của Tổng thống – đã nói từ 2 tuần trước khi chuyến thăm diễn ra: “Điều chúng ta không thể có được từ phán quyết, chúng ta có thể đạt được bằng việc đàm phán với Trung Quốc, đặc biệt là khi chúng ta là bạn bè. Bạn bè thì thường có qua có lại” . Thì đây, khai thác chung – đó chính là điều Phán quyết không đề cập, không thể có được.
Đương nhiên Bắc Kinh hoan hỷ với đề xuất của ông Durtete và cho biết, sẽ chờ đợi đề xuất cụ thể từ công ty quản lý nêu trên để có thể triển khai.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Bắc Kinh hoan hỷ, khi tỷ lệ ăn chia, theo đề xuất của PLP 60/40, với 60% lợi nhuận thuộc về nước chủ nhà và 40% thuộc về công ty nhận thầu ?
TQ không hề ngây thơ. Họ hoan hỉ vì rằng, đề xuất của Manila trùng với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà họ đề ra từ lâu. Chủ trương này được coi như những bước đi đầu tiên trong chiến lược “biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, biến vùng tranh chấp thành vùng chủ quyền của TQ”.
Trong tiến trình này, dù có hợp tác, liên kết, liên doanh để khai thác tài nguyên biển, việc đầu tiên, không thể thiếu là hai bên phải ký kết được Hiệp định phân định ranh giới EEZ trên biển trước.
Nghĩa là, việc đàm phán ở đây là song phương, không có một bên thứ ba nào can dự. Trong cuộc đàm phán đó, lòng tham cùng với sức mạnh sẽ khiến TQ là bên cầm chịch cuộc chơi. PLP sẽ phải chịu nước lép, mắc vào cái bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà TQ giăng ra và đang ra sức dụ dỗ, ve vãn các bên liên quan trên biển Đông, bất chấp, về mặt pháp lý, PLP là quốc gia có lợi thế thắng cuộc nêu trong phán quyết của Tòa PCA năm 2016.
Làm được với PLP, hạ được PLP, TQ hy vọng rằng, với thâm kế đó, họ cũng sẽ làm được với các nước liên quan trong ván bài biển Đông vậy.