Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngTQ xây mạng lưới máy bay không người lái ở biển Đông

TQ xây mạng lưới máy bay không người lái ở biển Đông

Mạng lưới máy bay không người lái do Bộ Tài nguyên Trung Quốc vận hành này sẽ giám sát các đảo không người ở, khó tiếp cận cũng như các vùng biển mở rộng lớn tại biển Đông.

Máy bay không người lái CJI do Trung Quốc sản xuất bị quân đội Mỹ cấm sử dụng do lo ngại phần mềm gián điệp. Ảnh: SPUTNIK

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 10-9 cho hay Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới máy bay không người lái ở biển Đông với mục đích giám sát các đảo và đá ở khu vực này.

Theo SCMP, mạng lưới máy bay không người lái do Bộ Tài nguyên Trung Quốc này vận hành sẽ giám sát các đảo không người ở, khó tiếp cận cũng như các vùng biển mở rộng lớn tại biển Đông.

Chuỗi thông tin liên lạc của máy bay không người lái “sẽ giúp nâng cao đáng kể khả năng giám sát tích cực của chúng tôi ở biển Đông, và mở rộng tầm giám sát của chúng tôi ở những vùng biển sâu”, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết trên trang web chính thức của cơ quan này.

Cũng theo bộ này, các máy bay không người lái của Trung Quốc được trang bị camera có độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới viễn thông hàng hải dựa trên vệ tinh.

Những máy bay không người lái hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho hệ thống cảm biến từ xa của vệ tinh Trung Quốc, vốn hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực thông qua cung cấp các hình ảnh có độ phân giải cao, cụp từ nhiều góc độ và theo thời gian thực.

Những xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ máy bay không người lái. Những tín hiệu này sau đó có thể được chuyển lên mạng lưới vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc truyền trực tiếp. Cuối cùng, chúng sẽ được hiển thị tại sở chỉ huy của cơ quan phụ trách vùng biển phía Nam thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nơi cách xa hàng ngàn km và đặt tại tỉnh Quảng Đông.

“Hệ thống này được sử dụng trong quản lý hàng hải gồm giám sát các vùng biển có dấu hiệu đáng ngờ, kiểm tra các địa điểm hay xảy ra bất ổn hay giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp, chẳng hạn như sự cố tràn dầu hay hiện tượng bùng phát tảo biển gây thủy triều đỏ”, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết.

Việc triển khai mạng lưới máy bay không người lái giám sát biển Đông là động thái mới nhất của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đẩy mạnh việc thực thi yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên thiết lập các tiền đồn quân sự trên bảy đảo nhân tạo mà nước này tiến hành bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo SCMP, Trung Quốc cũng đang phóng hệ thống vệ tinh để thiết lập chòm sao vệ tinh Hải Nam nhằm giám sát các hoạt động diễn ra hằng ngày ở biển Đông. Dự án bao gồm sáu vệ tinh quang học, hai vệ tinh siêu âm và hai vệ tinh radar. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.

Trung Quốc hồi tháng 7 ngang ngược cử đội tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam. Trung Quốc hung hăng tuyên bố hành động của họ không sai. Thậm chí họ triển khai các lực lượng quân sự và bán quân sự nhằm đe dọa, bắt nạt Việt Nam hòng tìm kiếm ưu thế. Tuy nhiên, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp đối thoại, vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển chủ quyền.

Ngày 22-8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp hình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông cũng như ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới