Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối tàu Trung Quốc có hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông trong cuộc họp báo chiều nay.
“Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.
Bà Hằng cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối việc tàu Địa chất Hải Dương 8 tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Theo bà Hằng, UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định các vùng biển của mình và không nước nào có thể đưa ra yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá giới hạn quy định trong UNCLOS.
“Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS”, người phát ngôn nói.
“Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động vi phạm của nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, với hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và ở khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ những tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, người phát ngôn tuyên bố.
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông từ đầu tháng 7. Việt Nam trước đó đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu nước này rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực.
Tàu Địa chất Hải dương 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Schottel. |
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.
Trong cuộc họp báo, bà Hằng cũng cho biết tàu Lam Kình, tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã đi qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu cẩu Lam Kình của Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia. |
“Hoạt động của tàu này luôn được các lực lượng chức năng Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo quy định của UNCLOS, các tàu nước ngoài được phép đi qua vô hại trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không được tiến hành các hoạt động khảo sát khi chưa được sự cho phép của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chiều nay cũng phản đối việc Trung Quốc xây dựng mạng lưới máy bay không người lái (UAV) để giám sát các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bà khẳng định Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa” và “mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và không có giá trị”.