Khi Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã thể hiện sự ủng hộ Việt Nam và lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Âm mưu nham hiểm của Trung Quốc
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đều nhận định rằng hành vi của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên biển. Hiện nhiều học giả quốc tế cùng Chính phủ một số nước đã công khai lên án hành vi của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ quyền lợi biển chính đáng của Việt Nam. Liên quan đến khu vực Tư Chính, các học giả đều đồng ý đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS. Khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng thềm lục địa và EEZ 200 hải lý của Việt Nam. Trong khi đó, yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực này là “phi lý”, bất chấp luật pháp quốc tế.
Theo giới chuyên gia, những hành vi ngang ngược trên của Trung Quốc là nhằm gây sức ép, từng bước thôn tính các vùng biển và hiện thức hóa “đường lưỡi bò” phi pháp. Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby (9/9) nhận định Trung Quốc rõ ràng đang thực hiện chiến thuật “lát cắt salami” – tức là thực hiện các hành động nhỏ và tăng dần, quá nhỏ để có thể khơi mào cho một cuộc chiến song tích lũy theo thời gian để có được sự thay đổi chiến lược đáng kể. Theo ông, Bắc Kinh có lợi thế hơn Việt Nam về số lượng tàu. Nhưng Việt Nam sẽ có nhiều năng lực hơn khi hợp tác với Mỹ và các nước. Chuyên gia Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông nhận định việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 đến bãi Tư Chính là nhằm ngăn cản Việt Nam thúc đẩy lợi ích biển chính đáng của mình, trước khi các nước đạt được Bộ quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Cùng quan điểm trên, chuyên gia Ryan Martinson tại Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các tàu của họ tại khu vực này như một cách để tăng cường yêu sách chủ quyền phi lý. Hành động của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn COC nhằm đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định và không làm gia tăng xung đột. Trong khi đó, chuyên gia Swee Lean Collin Koh (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore) cho rằng nếu không có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại. Bắc Kinh dường như tin rằng hành động cưỡng ép của họ đã mang lại hiệu quả nhất định, vì thế họ sẽ biến các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ để hành xử. Ngoài ra, các tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp Trung Quốc thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông. Và cuối cùng, Trung Quốc có thể bao biện rằng họ chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác, thậm chí còn tố ngược lại chính các nước lên án hành vi của Trung Quốc là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở Biển Đông.
Chính nghĩa ở phía Việt Nam
Đầu tiên, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía Nam Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi ngầm này nằm ở trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07029’03’’N – 07033’20’’N và kinh độ 109037’730’’E – 109054’58’’E, cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam. Theo phân tích về địa chất, Bãi Tư Chính là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nó không thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực này nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Hiện nay, tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa. Brunei không phản đối. Trong thực tế, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại khu vực này và chỉ có Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam.
Về mặt lịch sử, với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”…
Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)… và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán… Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Về pháp lý, căn cứ theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa). Việt Nam có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Thứ hai, Việt Nam có thái độ ứng xử phù hợp với luật pháp và quan hệ quốc tế trước các hành vi khiêu khích, đe dọa của Trung Quốc. Bất chấp Trung Quốc nhiều lần hung hăng tuyên bố hành động của họ không sai. Thậm chí họ triển khai các lực lượng quân sự và bán quân sự nhằm đe dọa, bắt nạt Việt Nam hòng tìm kiếm ưu thế. Tuy nhiên, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp đối thoại vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển chủ quyền. Chính Trung Quốc cũng không ngờ Việt Nam phản ứng rất cương quyết. Vậy nên giới quan sát nhận định ý đồ của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát, tàu chiến, tàu dân quân biển đến dọa nạt đã thất bại. Quan trọng hơn, quan điểm, thái độ và lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phù hợp với các quy định chung của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Theo đó, Việt Nam tôn trọng các quy tắc chung của cộng đồng quốc tế, điển hình là UNCLOS vốn đại diện cho ý chí của cộng đồng quốc tế trong hơn 35 năm qua. Không chỉ tuyên bố ủng hộ UNCLOS, ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo hoan nghênh việc tòa ra phán quyết này. Việt Nam cũng khẳng định lập trường đa phương (chứ không phải song phương kiểu Trung Quốc) trong giải quyết tranh chấp. Điều này đã được thể hiện trong tuyên bố mới đây của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Theo bà Hằng: “Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS”.
Thứ ba, quan điểm, lập trường và hành động của Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của cộng đồng quốc tế và vi phạm luật pháp quốc tế. Lập trường của Bắc Kinh lâu nay rất mâu thuẫn. Trung Quốc vừa khẳng định sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế mà điển hình là UNCLOS để giải quyết xung đột nhưng mặt khác lại cố chấp theo đuổi chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 mà cơ sở pháp lý chính là UNCLOS. Không những vậy, Trung Quốc vừa tuyên bố muốn giải quyết vấn đề Biển Đông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước ASEAN nhưng mặt khác lại yêu cầu chỉ thương thuyết với từng quốc gia đơn lẻ và cự tuyệt hoạt động hợp pháp của các nước thứ ba, bao gồm Mỹ, Australia, Anh, Nhật Bản,… Nói nôm na, Trung Quốc muốn cô lập các quốc gia biển Đông bằng luật chơi riêng do Bắc Kinh định ra và dùng sức mạnh cơ bắp, thay vì luật pháp, để thực hiện ý đồ.
Thứ tư, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa ra yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông theo “đường lưỡi bò” và ngụy biện về các hành vi trên thực địa “trong vùng biển” của Trung Quốc là không đúng với các quy định của luật pháp quốc tế. Trong đó, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam
Rõ ràng, lập trường giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông của Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn trái ngược. Việt Nam nỗ lực đối thoại và theo đuổi nguyên tắc hòa bình, thượng tôn pháp luật. Dù Việt Nam cương quyết bảo vệ yêu sách dựa trên luật quốc tế nhưng vẫn thận trọng ứng xử ở thực địa để tránh làm phức tạp tình hình, tránh xung đột không cần thiết. Trong khi đó, Trung Quốc triển khai nhiều lực lượng đồn trú trên các thực thể mà nước này chiếm đóng, cải tạo thành đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Việt Nam muốn dùng sức mạnh cơ bắp, “xét lại” luật quốc tế, đẩy cộng đồng quốc tế ra khỏi biển Đông nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm khu vực.
Cho đến nay, các quốc gia lớn trên thế giới lần lượt tuyên bố lập trường hoàn toàn phù hợp với quan điểm và yêu sách của phía Việt Nam. Trong đó có Mỹ, Anh, Pháp là ba trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Liên quan vụ tàu địa chất Hải dương 8, Bộ Quốc phòng Mỹ (26/8) cũng ra thông cáo “Việt Nam leo thang áp bức nhằm vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần khẳng định hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực; chứng minh Trung Quốc coi thường quyền của các quốc gia thực hiện hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Cũng trong cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Anh phát đi tuyên bố chung Anh, Pháp và Đức, khẳng định sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Cả ba nước lo rằng tình thế hiện nay có thể dẫn tới “mất an ninh và ổn định trong khu vực”. Tương tự, người phát ngôn ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) khẳng định: “Các hành động đơn phương gần đây ở biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải”.