Giới chuyên gia Ấn Độ chung nhận định, cho rằng những hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt sau khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, là hành vi hăm dọa các nước nhỏ hơn để buộc những nước này phải từ bỏ các quyền hợp pháp của mình.
Tiến sĩ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Hạ viện Ấn Độ cho rằng việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam là hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật nào và Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Theo Tiến sĩ Panda, Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình vì điều đó hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cũng có quyền tìm kiếm sự hợp tác của bất cứ một quốc gia bạn bè nào trong quá trình yêu cầu tàu của quốc gia vi phạm rời đi.
Liên quan đến các tuyến hàng hải ở Biển Đông, Tiến sĩ Panda khẳng định một lượng lớn hoạt động trao đổi thương mại quốc tế được thực hiện bằng đường biển, do đó an ninh hàng hải đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia biển. Theo chuyên gia này, không một quốc gia đơn lẻ nào có khả năng tự mình bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải ở Biển Đông. Bởi vậy, những quốc gia có chung quan điểm cần hợp tác với nhau để bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu. Trong quá trình đó, vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng và Ấn Độ luôn sát cánh cùng những quốc gia bạn bè bởi New Delhi mong muốn thúc đẩy thịnh vượng khu vực phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Trước đó, trong một bài phân tích trên tạp chí Eurasia Review hôm 29/7 cho biết, Tiến sĩ Rajaram Panda cho rằng đối với trường hợp bãi Tư Chính, Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền phi lý tại đây thông qua yêu sách “Đường 9 đoạn” vốn đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague phán quyết bác bỏ vào tháng 7/2016. Theo ông Panda, Trung Quốc đã cố ý làm sai lệch thông tin khi cho rằng bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp. Biển Đông là vùng biển có mật độ lưu thông hàng hải dày đặc hàng đầu thế giới, với giá trị hàng hóa lưu chuyển qua đây vào khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc đã ngang ngược áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp đối với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar hôm 29/8 tuyên bố nước này quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì vùng biển này là một phần của lợi ích chung toàn cầu. “Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo các luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ấn Độ cho rằng bất cứ bất đồng nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình theo đúng trình tự luật pháp và ngoại giao mà không đe dọa dùng vũ lực.
Trong khi đó, nhà báo Rudroneel Ghosh của tờ “Times of India” cho biết khoảng 70% lượng dầu thô của Trung Quốc đi qua khu vực này. Tuy nhiên, Biển Đông cũng quan trọng với các quốc gia Đông Nam Á và thậm chí cả các nước ngoài khu vực, bao gồm cả Ấn Độ. Trên thực tế, khoảng 55% khối lượng thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông. Do đó, Trung Quốc không thể chỉ nhìn vào những lợi ích của mình. Các nước khác cũng có quyền hợp pháp, chính đáng ở Biển Đông. Theo ông, Trung Quốc cần tránh các hành động gây bất ổn trong khu vực và cần thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông với các quốc gia ASEAN.
Trong một bài phân tích đăng ngày 21/06 trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu ORF (Observer Research Foundation) của Ấn Độ, chuyên gia Pratnashree Basu cho rằng từ nhiều năm nay tình hình Biển Đông luôn căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển. Thế nhưng bất ổn đã tăng thêm do các hành động bành trướng của Trung Quốc, vốn đã tìm cách cho thấy rõ sự hiện diện của mình trong vùng.
Bãi Tư Chính nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 770 km, không phải là một phần của quần đảo này và hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS năm 1982.