Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia - Philippines lại căng thẳng vì tranh chấp bang Sabah

Malaysia – Philippines lại căng thẳng vì tranh chấp bang Sabah

Sau khi Philippines khi tái khẳng định bang Sabah mà Malaysia đang kiểm soát là lãnh thổ của Manila, Bộ Ngoại giao Malaysia (8/9) đã ra tuyên bố bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh Malaysia không công nhận và sẽ không bao giờ xem xét bất kỳ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào với Sabah.

Theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia, “Malaysia không công nhận và sẽ không bao giờ xem xét bất kỳ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào với Sabah”; nhấn mạnh Sabah là một bang của Malaysia và điều này “đã được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế công nhận” kể từ khi Liên bang Malaysia thành lập 56 năm trước; cảnh cáo bất kỳ tuyên bố nào gián tiếp nhắc đến “các tuyên bố chủ quyền lỗi thời” sẽ bị Malaysia xem là đối đầu. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết, “Malaysia xem trọng tầm quan trọng lớn và giá trị cao trong quan hệ của mình với Cộng hòa Philippines, về mặt song phương và tư cách đối tác trong ASEAN, cũng như xét về tư cách thành viên các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Quan hệ Malaysia – Philippines tiếp tục mở rộng và mang lại lợi ích song phương cho hai nước, tương ứng theo đó người dân không đáng nhận những lời nói có tính đối đầu và có hại này”.

Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đề cập đến chủ quyền Philippines đối với bang Sabah trong một phiên họp về ngân sách quốc hội. Ông Teodoro Locsin Jnr cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi lúc này là giữ mọi thứ như hiện tại. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ mở một sứ quán ở Sabah. Thậm chí chỉ chuyện nghĩ tới điều đó đã là hành động phản quốc. Như với trường hợp biển tây Philippines (biển Đông), chúng ta cẩn trọng không có bất kỳ hành động nào mà có thể suy diễn như một sự từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Sabah của chúng ta”.

Giới chuyên gia cho rằng quan hệ song phương Malaysia – Philippines có thể bị tổn thương nếu Philippines cứ tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở bang Sabah. Nhà nghiên cứu cấp cao Bunn Nagara (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia) cho rằng “các phát ngôn dạng này không đem lại điều gì ngoài nguy cơ làm xấu đi quan hệ”. Cùng quan điểm trên, ông Kamarulnizam Abdullah (chuyên gia người Malaysia về an ninh quốc gia và các vấn đề quốc tế) nhận định, vấn đề Sabah là mâu thuẫn lâu dài hàng thập niên nay trong quan hệ hai nước. Các chính trị gia Philippines thường lôi vấn đề này ra thảo luận để tìm kiếm sự ủng hộ trong nước, đặc biệt những khi gần đến bầu cử. Malaysia đã mệt mỏi với việc chuyện này bị kéo dài qua nhiều năm. Với Malaysia, các chính trị gia Philippines cần phải bỏ qua thay vì cứ nhai đi nhai lại chuyện này. Đây không phải là lần đầu nhưng giờ nó xuất phát từ một nghị sĩ, nên Malaysia phải đưa ra một thông điệp mạnh với Philipipines. Đây là chuyện không thể thương lượng. Nó không có nghĩa một khi chính phủ thay đổi thì chuyện chủ quyền Malaysia có thể được thỏa hiệp và Malaysia sẽ muốn thương lượng về Sabah.

Được biết, tranh chấp chủ quyền giữa Malaysia và Philippines liên quan bang Sabah đã có “lịch sử” lâu đời. Vào cuối thế kỷ thứ 17, một Vương quốc Hồi giáo thiết lập quyền lực trên khu vực phía Đông của bang Sabah (thuộc Malaysia ngày nay), được biết đến với tên gọi Bắc Borneo. Vùng đất này, bao gồm tỉnh Sabah ngày nay và một số đảo nhỏ nằm giữa Malaysia và Phillippines, được quốc vương Brunei ban tặng cho quốc vương Sulu như sự tưởng thưởng vì đã giúp dẹp trừ quân nổi dậy. Đến thế kỷ 18, vương quốc Sulu đã bao phủ gần hết phần đông bắc của đảo Borneo (hòn đảo đang được chia sẻ cho các quốc gia Malaysia, Indonesia và Brunei). Từ năm 1848 đến 1851, người Tây Ban Nha lúc ấy đang cai trị Phillipines đã mở các cuộc tấn công nhằm chinh phục vương quốc Sulu. Ngày 30/4/1851 đánh dấu một bước ngoặt với vùng đất này khi quốc vương Sulu chấp nhận ký vào bản thoả ước với người Tây Ban Nha. Qua đó, quốc vương Sulu vẫn giữ được quyền cai trị và đất đai nhưng toàn bộ vương quốc phải trở thành một phần của Phillipines (thuộc Tây Ban Nha lúc bấy giờ). Ngày 21/1/1878, với sự nhất trí của Anh và Tây Ban Nha, vương quốc Hồi giáo Sulu đã ký một thoả thuận với Công ty Đông Ấn của Anh, cho phép người Anh được sử dụng Sabah trong trao đổi hàng hoá vĩnh viễn để nhận được khoản chu cấp tài chính hàng năm trị giá 5.000 ringgit (đơn vị tiền tệ của Malaysia). Công ty Đông Ấn sau đó đã được sáp nhập vào Công ty Bắc Borneo. Ngày 22/4/1903, quốc vương Sulu ký một văn kiện mới với công ty này. Nội dung cơ bản là “xác nhận nhượng lại một số đảo xác định” để chính thức trao toàn quyền quản lý các đảo nằm kề Borneo, từ Banggi Island đến Sibuku Bay, cho người Anh. Và mức phí phải đóng hàng năm tăng lên là 5.300 ringgit.

Tới năm 1946, toàn bộ quyền kiểm soát đối với Sabah được chuyển giao cho nước Anh, lúc bấy giờ đang sở hữu hai thuộc địa khác tại khu vực là Malaysia và Brunei. Khi Liên bang Malaysia giành được quyền độc lập từ người Anh năm 1963, vùng đất cũ của người Sulu đã được vương quốc Anh bàn giao cho chính quyền mới của người Mã Lai. Tuy nhiên, trước đó, Phillippines đã cử đại diện tới London để nhắc chính quyền Anh quốc rằng Sabah thuộc về Phillippines theo thoả thuận cũ giữa vương quốc Sulu với chính quyền Tây Ban Nha tại Phillippines. Hơn thế nữa, vào năm 1962, quốc vương Sulu cũng đã tuyên bố chuyển giao quyền quản lý vùng lãnh thổ này (về mặt danh nghĩa) cho Phillipines.

Các nhà phân tích cho rằng, việc tranh chấp bắt nguồn từ nghĩa của từ “padjak” trong thoả ước 1878 giữa vương quốc Sulu và Tây Ban Nha. Theo Anh và Malaysia, từ này có nghĩa là “chuyển nhượng”. Nhưng những người thừa kế của quốc vương Sulu một mực cho rằng nó có nghĩa là “cho thuê”. Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia vẫn tiếp tục chi trả khoản tiền tượng trưng trị giá 5.300 ringgit cho gia đình của quốc vương, những người chủ sở hữu mang tính biểu tượng nhưng không có quyền lực chính trị chính thức nào tại đây.

Năm 2003, Phillippines cũng từng đưa tranh chấp này ra trước Toà án công lý quốc tế nhưng bị từ chối vì sự việc không được xem là tranh chấp, trên cơ sở sự từ bỏ quyền sở hữu của quốc vương Sulu qua các văn kiện đã ký. Hơn nữa, khi người Anh trao trả quyền độc lập cho Malaysia, người dân tại bang Sabah đã tiến hành bỏ phiếu và đồng ý thuộc về Liên bang Malaysia. Tranh chấp này vốn là cái gai trong mối quan hệ của hai quốc gia thành viên ASEAN nhiều thập kỷ qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới