Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNga - Ấn Độ mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông:...

Nga – Ấn Độ mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông: Cam kết bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực

Tờ South China Morning Post (8/9) đưa tin, Nga và Ấn Độ vừa ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến hàng hải mới giữa thành phố Vladivostok của Nga ở vùng Viễn Đông và thành phố Chennai ở Ấn Độ. Tuyến hàng hải này sẽ đi qua Biển Đông.

Tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga và Ấn Độ vừa ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến hàng hải mới giữa thành phố Vladivostok của Nga ở vùng Viễn Đông và thành phố Chennai ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nga có thể sẽ tăng cường củng cố mối quan hệ đồng minh trên các lĩnh vực quân sự và công nghệ. Theo đó, hai bên có thể cùng phát triển và sản xuất các thiết bị quân sự, phụ tùng, phụ kiện cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi. Cũng trong kế hoạch hợp tác, Ấn Độ sẽ cho Nga vay 1 tỉ USD (23.200 tỉ đồng) nhằm phát triển khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên.

Việc Nga và Ấn Độ quyết định mở tuyến đường hàng hải mới qua khu vực Biển Đông là một động thái mới nhằm khẳng định cam kết cũng như nỗ lực, quyết tâm của hai nước trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Khu vực này được đánh giá là nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Có 5 tuyến đường biển lớn nhất thế giới đi xuyên qua khu vực Biển Đông (tuyến từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Newzealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và Newzealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á). Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới (mỗi ngày có khoảng 150 – 200 tàu các loại đi qua đây, 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên) 45% lượng vận tải thương mại của thế giới đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới (cảng Singapore và Hồng Công) và có 4 eo biển quan trọng đối với nhiều nước (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).

Tuy Ấn Độ không phải là nước ở khu vực Biển Đông, nhưng vùng biển này có ý nghĩa lớn đối với an ninh, kinh tế, địa chính trị của Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ thường xuyên triển khai hải quân, các chuyến thăm và tập trận trong vùng biển này, thông qua quan hệ đối tác chiến lược quân sự được thiết lập và đang phát triển với nhiều quốc gia ven Biển Đông, thông qua việc tham gia thăm dò dầu mỏ trong vùng biển này và thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao ở nhiều diễn đàn khu vực với các nước ngoài khu vực khác về vấn đề Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông. Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích thương mại, năng lượng ở khu vực Biển Đông; khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 55% được vận chuyển qua eo biển Malacca tói các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông đang ngày càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu đạt 200 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2025; thông qua triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ. Ngoài ra, nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Về an ninh, khi giá trị thương mại giữa Ấn Độ và các nước châu Á – Thái Bình Dương ngày một tăng, sự an toàn của các tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Ấn Độ. Về ảnh hưởng, Biển Đông và eo biển Malacca là tuyến đường ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nên Ấn Độ sẽ phải tăng cường tham gia các hoạt động quân sự ở Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, an ninh quốc gia và theo dõi tình hình hoạt động của các cường quốc hải quân như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga… Về địa chính trị, sự hiện diện ở Biển Đông cho phép Ấn Độ tìm kiếm một chỗ đứng trong khu vực tương xứng với vị thế cường quốc đang lên của Ấn Độ, mở rộng môi trường chiến lược an ninh, đồng thời tạo thế cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Do đó, Ấn Độ luôn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Luật Biển 1982 (UNCLOS); bày tỏ sự ủng hộ mạnh đối với tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Mới đây nhất, khi Trung Quốc hai lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào vùng biển phía Nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hành vi này của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn đe doạ nghiêm trọng hoạt động tự do hàng hải hợp pháp trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (29/8) tuyên bố nước này quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì vùng biển này là một phần của lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo các luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; nhấn mạnh Ấn Độ cho rằng bất cứ bất đồng nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình theo đúng trình tự luật pháp và ngoại giao mà không đe dọa dùng vũ lực.

Cùng quan điểm với Ấn Độ, Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga có những lợi ích ở vùng này, kể cả ở Việt Nam. Nga muốn tất cả các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp; khẳng định Nga dứt khoát chống lại sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, chống lại việc gia tăng quân sự hóa trong khu vực; cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất ra khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời Nga kêu gọi giữ bình tĩnh, kiềm chế và không để những cuộc tranh chấp biến khu vực này thành một “điểm nóng” trên thế giới. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tuyên bố ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán, ký kết thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga S.Naryshkin cũng cho biết lập trường của Nga là trước sau như một, kêu gọi các bên liên quan sử dụng biện pháp hòa bình, tôn thủ luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nhấn mánh Nga “chưa bao giờ là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông” và coi “việc không đứng về phía bất kỳ bên nào là một nguyên tắc rõ ràng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới