Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVai trò, mục tiêu, tác động của tuyến đường biển mới giữa...

Vai trò, mục tiêu, tác động của tuyến đường biển mới giữa Ấn Độ và Nga đối với Biển Đông và khu vực

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông vừa qua tại Vladivostok, quan chức Nga và Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ về thiết lập tuyến hàng hải mới nhằm tăng cường giao thương, trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đáng chú ý, tuyến đường biển mới này đi qua Biển Đông. Điều này khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Biển Đông đối với hoạt động giao thương quốc tế, đồng thời là động thái đáp trả mạnh mẽ đối với những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Về tuyến đường biển mới giữa Ấn Độ và Nga

Hành trình dài 10.460 km sẽ kết nối thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga với thành phố Chennai, phía Đông Ấn Độ, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của tàu hàng giữa hai nước so với tuyến đường biển dài hơn 16.000 km giữa thành phố Saint Petersburg và Mumbai hiện nay. Thủ tướng Modi khẳng định tuyến hàng hải này phù hợp với chính sách “Hướng Đông” của New Delhi, trong đó đề cao hợp tác chính trị và kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và thứ ba tại châu Á với hơn 55% giao thương đi qua các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca, khiến New Delhi có lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Ngoài thỏa thuận về hàng hải, Nga và Ấn Độ cũng đẩy mạnh hợp tác công nghệ và kỹ thuật quân sự. “Hai nước sẽ thành lập liên doanh phát triển và sản xuất khí tài quốc phòng, cũng như cải thiện hệ thống hỗ trợ hậu mãi”, theo thông báo chung Nga – Ấn.

Vai trò Biển Đông trong tuyến đường biển mới giữa Ấn Độ và Nga

Mặc dù là quốc gia Nam Á và không thuộc khu vực Biển Đông, nhưng cả Ấn Độ và Nga đều có lợi ích cả về kinh tế và an ninh – chính trị ở Biển Đông. Về kinh tế, Biển Đông là vùng biển nửa kín và là đường kết nối tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trên 55% hoạt động thương mại Ấn Độ đi qua vùng biển này. Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối với AEP, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam. Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác chung năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) đã hợp tác với PetroVietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ m3, và có thể khai thác khoảng 3 tỉ m3 khối khí đốt một năm. Hiện tại, hai nước đang tiếp tục các dự án khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi quyết định gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Về an ninh, địa chính trị, khi lợi ích kinh tế ở khu vực ngày càng mở rộng, các hoạt động an ninh của Ấn Độ ở Biển Đông buộc phải bắt kịp để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại đây. Mục tiêu về an ninh của Ấn Độ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở. Điều này được các quan chức cấp cao Ấn Độ liên tục khẳng định tại các diễn đàn song phương, đa phương, tuyên bố song phương cũng như trong Thông cáo báo chí của Ấn Độ về Phán quyết Tòa Trọng tài (2016). Thông cáo khẳng định “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS… Giao thương đường biển qua Biển Đông là điều thiết yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là Bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS, Công ước thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương”. Trên khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược, trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Do đó, việc Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc sẽ gây ra những mối lo ngại lớn cho Ấn Độ.

Mục tiêu của Ấn Độ và Nga khi thiết lập tuyến đường biển mới

Để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ và Nga là duy trì tự do hàng hải và hàng không, giao thương; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực và tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Đối với Nga, chính sách can dự và mức độ cũng như phạm vi hiện diện ở Biển Đông chưa rõ ràng. Với Nga, mục tiêu khi thiết lập tuyến đường biển mới với Ấn Độ là về lợi ích kinh tế và chính trị. Tuyến đường mới sẽ giúp hàng hoá giữa Nga và Ấn Độ lưu thông nhanh hơn, giảm chi phí, rủi rõ, tính kết nối giữa nền kinh tế Nga với các nền kinh tế Đông Á, Nam Á, Thái Bình Dương thuận tiện hơn. Về chính trị, thoả thuận mới giúp mối quan hệ Nga – Ấn định hình rõ ràng và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, với Nga những yếu tố liên quan Biển Đông sẽ bị chi phối bởi mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ đã và đang tham gia nhiều hơn. Trước mắt, Ấn Độ muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC, tiến tới hoàn thành COC mang tính ràng buộc pháp lý. Về trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ sẽ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương ở khu vực.

Tác động của tuyến đường biển mới đến Biển Đông và khu vực

Thứ nhất, khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh tục theo đuổi mục tiêu tăng cường hiện diện, tiến tới kiểm soát hiệu quả khu vực này. Hợp tác Nga – Ấn nói chung và việc hai nước thiết lập tuyến đường biển mới đi qua Biển Đông góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc. Với cách tiếp cận ôn hòa, mềm mỏng với các nước sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Điều này giúp mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng như mua sắm vũ khí, huấn luyện, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ tín dụng, tập trận chung trên biển, tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp biển của các nước, tăng cường các chuyến thăm viếng của các tàu quân sự…

Thứ hai, tăng cường hợp tác về kinh tế, chính trị giữa các nước. Đây là cơ hội tốt để Ấn Độ, Nga tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ các nước trong vấn đề Biển Đông trên thực địa cũng như tại các diễn đàn song phương và đa phương. Giúp duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Rõ ràng, Ấn Độ là cường quốc đang nổi, có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế. Việc Ấn Độ quan tâm, lên tiếng và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm kiềm chế hành vi và ý định của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

RELATED ARTICLES

Tin mới