Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lại đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8...

TQ lại đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Giáo sư Ryan Martinson tại Học viện Hải chiến Mỹ mới đây cho biết, Trung Quốc (7/9) lại đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc đưa nhóm tàu này vào hoạt động trái phép trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo thông tin trên, vào lúc 14h38′ ngày 7/9 (giờ Việt Nam), nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động cách bờ biển đất liền Việt Nam 199.8 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 180 hải lý. Đi theo hộ tống tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 có ít nhất 3 tàu Hải cảnh mang số hiệu 46303, 37111 và 33111. Đến cuối ngày 8/9, nhóm 5 tàu Trung Quốc đã di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hiện nay đang tiến về khu vực gần mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt nơi đang đặt chân giàn đế công nghệ trung tâm Sao Vàng và phía xa hơn là lô 06.1 nơi giàn khoan Hakuryu 5 đang hoạt động. Các tàu đang đi với vận tốc 7-8 knots. Ngay sau khi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, các tàu chấp pháp của Việt Nam cũng bám sát và theo dõi chặt chẽ nhóm tàu Trung Quốc.

Trước đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đã đi ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chạy tới đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Đây là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và ra sức đào đắp thành đảo nhân tạo từ năm 2014. Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đánh giá việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 di chuyển đến đá Chữ Thập là nhằm để tiếp tế nhiên liệu, lương thực.

Liên quan hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam; nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.

RELATED ARTICLES

Tin mới