Từ đầu tháng 7 đến nay, sau vài năm bình lặng, sóng biển chính trị xuất phát từ Trung Quốc lại trào lên và ập vào đảo Tư Chính, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hội nghị ASEAN tại Thái Lan từ ngày 29/7 đến 1/8 có thêm một nội dung ồn ào về Biển Đông với đủ mặt các nhà ngoại giao châu Á, châu Âu và Mỹ.
Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam
Tranh chấp kéo dài hàng nghìn năm
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam là vấn đề lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, chẳng lúc nào yên. Riêng về chủ quyền biển đảo cũng căng thẳng chẳng kém gì biên giới đường bộ. Sự căng thẳng bắt đầu từ thời nhà Tống, nhà Mãn Thanh với nhà Nguyễn vào thế kỷ 18, 19, thời Tưởng Giới Thạch những năm 1930 và sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Thời kỳ đế quốc Mỹ gây cuộc chiến tranh ở Đông Dương và cũng là thời điểm đất nước Trung Hoa nghèo đói, chưa có sức vươn ra biển, thì Biển Đông vẫn chưa trở thành vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Song Trung Quốc vẫn âm thầm chuẩn bị cho tương lai. Năm 1956, Trung Quốc yêu cầu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ quyền 12 hải lý đối với các đảo của Trung Quốc, đặc biệt là đưa các tài liệu của Tưởng Giới Thạch để vẽ chủ quyền biển của Trung Quốc theo đường 11 đoạn bao trùm từ Bắc xuống Nam Biển Đông, khoanh tất cả các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chủ quyền Trung Quốc. Nhìn bản đồ thấy giống như lưỡi con bò.
Với một chiến lược chiếm Biển Đông đã được vạch sẵn, và một kế hoạch thực hiện từng bước, từng thời điểm, được tính toán kỹ càng, chiến thuật lấn chiếm theo kiểu gặm nhấm từng phần, tiến tới chiếm toàn bộ là điều đã thấy rõ. Trong vòng 45 năm, Việt Nam đã phải liên tục đối đầu với nguy cơ lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc.
Năm 1974, thời điểm Việt Nam đang tập trung giải phóng miền Nam, với sự câu kết Mỹ – Trung, Trung Quốc đã đem quân chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó cả thế giới im lặng coi như không có gì xảy ra. Chỉ có sự chống trả yếu ớt của của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Rồi hơn 10 năm sau đó (1988), khi quan hệ Trung – Việt trở nên thù địch, Trung Quốc đã tấn công vào quần đảo Trường Sa và họ đã chiếm được 7 đảo đá (Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tứ Nghĩa, Su Bi, Vành Khăn).
Việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc năm 1991 và thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử Biển Đông (DOC) mở ra hình thái mới tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc nêu quan điểm với Việt Nam và một số nước ASEAN “gác tranh chấp cùng khai thác”, lấy đại cục và nhận thức cấp cao hai nước để giải quyết sự khác biệt các cuộc đụng độ trên biển.
Quan điểm này của Trung Quốc là một chiến thuật đối phó với việc Việt Nam công bố quyền, chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông theo Luật Biển quốc tế năm 1982 khi mà Trung Quốc còn trong giai đoạn “ém mình chờ thời”. Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định đánh cá giữa Việt Nam – Trung Quốc được ký kết cũng ở thời điểm này. Nhưng phân định ranh giới chủ quyền biển đảo trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc là câu chuyện chứa đựng sự bất đồng sâu sắc.
Sự yên lặng Biển Đông cũng không duy trì được bao lâu khi Trung Quốc chuyển trạng thái từ ém mình chờ thời sang trỗi dậy và vươn ra biển xa theo quan điểm riêng của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế.
Dựa vào sức mạnh quân sự vượt trội với các nước trong vùng, để thực hiện chiến lược biển vào những năm đầu của thập niên đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã công bố chủ quyền biển với 11 đoạn (sau này điều chỉnh là 9 đoạn) chiếm gần như trọn vẹn Biển Đông, bao phủ toàn bộ các hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Sự áp đặt này đã làm bùng nổ sự phản ứng mạnh mẽ và lên án sự bành trướng của Trung Quốc ở thời điểm đó, nhất là khi Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cũng kể từ đó Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật và phương châm, lấy khai thác để bảo vệ chủ quyền, lấy bảo vệ chủ quyền để thúc đẩy khai thác tài nguyên; xây dựng đội tàu đánh cá chuyên dụng thành đội tàu dân binh trên biển. Riêng tỉnh Hải Nam đã đầu tư xây dựng đội tàu cá hơn 200 chiếc được trang bị vũ trang với nguyên tắc hoạt động “Quân – Thương kết hợp, Binh – Dân kết hợp, Quân – Dân cùng dùng, Chiến tranh – Hòa bình kết hợp” để hoạt động ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng từ bỏ chủ trương bàn với các nước cùng khai thác sang chủ trương Trung Quốc độc diễn buộc các nước phải chấp nhận theo. Chủ trương này đã được lực lượng PLA, cảnh ngư – dân quân của Trung Quốc, các tàu cá là đội quân xung kích đi lấn chiếm, uy hiếp chủ quyền của nhiều nước ở Đông Bắc Á và Biển Đông. Đặc biệt nghiêm trọng, Trung Quốc đã chiếm một số bãi đá ngầm, san hô của Philippines và Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoan thăm dò dầu khí, đây chỉ là một trong 6 điểm Trung Quốc xác định sẽ khoan thăm dò dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam và Philippines. Trung Quốc cũng gây áp lực buộc nhiều nhà đầu tư nước ngoài về dầu khí đã ký với Việt Nam phải rút khỏi Biển Đông. Những hoạt động này Trung Quốc “khẳng định là không phải bàn cãi”, bất chấp sự phản ứng, lên án mạnh mẽ của Việt Nam và các nước ASEAN, Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Từ năm 2014-2016, Trung Quốc đã cho bồi đắp 6 bãi ngầm san hô chiếm được ở quần đảo Trường Sa, xây dựng ở đây các âu tàu, san bằng phục vụ cho chiến lược được Trung Quốc gọi là đảm bảo thực thi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông và sự an ninh vận tải quốc tế, trong đó Gạc Ma sẽ là căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa với diện tích 4×2 km và 1 km2 diện tích mặt nước, tương lai sẽ là âu tàu của tàu sân bay neo đậu. Với vị trí quan trọng, Gạc Ma và Chữ Thập sẽ là căn cứ trọng tâm, là nơi xuất phát các hoạt động lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Từ Gạc Ma, Trung Quốc cũng đã thiết lập nhận dạng phòng không “trên Biển Đông” thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines. Sự lấn chiếm các đảo của Philippines đã đẩy Philippines kiện Trung Quốc. Philippines đã thắng kiện, tháng 7/2016, Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) công bố đường biên giới 9 đoạn Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế; nhiều tổ chức quốc tế đã lên án Trung Quốc phá môi trường biển và đe dọa hòa bình an ninh ở Biển Đông.
Nhiều nước trong khu vực sa bẫy Trung Quốc
Sự thành công lấn chiếm biển đảo trên Biển Đông những năm vừa qua đã thúc đẩy Trung Quốc triển khai chiến lược “Một vành đai – Một con đường” ở Đông Nam Á và Nam Á. Với quan điểm đôi bên cùng thắng và hỗ trợ vốn để các nước nghèo trong vùng phát triển, Trung Quốc đã làm cho nhiều nước trong khu vực tin tưởng vào sự hợp tác chặt chẽ của Trung Quốc, không coi Trung Quốc là mối đe dọa, mà là nước cứu nền kinh tế của họ đang xuống dốc.
Nhiều nước trong khu vực đã sa bẫy Trung Quốc, dần dần xa lánh Mỹ, kể cả nước đã từng là đồng minh của Mỹ và không lên tiếng phản đối sự đe dọa của Trung Quốc, coi Biển Đông là chuyện riêng của Trung Quốc với các nước có tranh chấp. Chính sự phân hóa này và chính sách xoay trục thiếu hiệu quả của chính quyền Obama trước đây và Donald Trump hiện nay đã làm cho Trung Quốc tự tin vào sự thành công vươn ra làm chủ Biển Đông, Hoa Đông của mình… theo kiểu: “ai nói cứ nói, ta làm cứ làm”.
Ngày 4/7/2019, sự kiện Trung Quốc gây ra ở Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam có phải điểm đến sau cùng của Trung Quốc hay không thì phải bàn tiếp, nhưng mục tiêu chiếm bãi đảo này là rất rõ ràng. Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam nằm ở nam Biển Đông tách rời quần đảo Trường Sa, nằm án ngữ con đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca của Malaysia – điều đó lý giải một phần về mục tiêu lấn chiếm của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, nếu chiếm được Tư Chính, Trung Quốc có thể được coi là hoàn thành chiếm hữu chủ quyền biển theo đường lưỡi bò của Trung Quốc kéo dài từ Bắc xuống Nam Biển Đông – chiếm ưu thế khống chế toàn bộ vùng biển này. Ta cũng hiểu được rằng trước đây Trung Quốc chỉ tạo ra các vụ tranh chấp uy hiếp với quy mô nhỏ ở bãi Tư Chính của những năm 2003-2007 – kể cả lúc Việt Nam đặt giàn DK1 – vì lúc đó khả năng hậu cần của Trung Quốc chưa cho phép hoạt động qui mô lớn và dài ngày ở vùng xa xôi này.
Chỉ khi đã tạo được các căn cứ quân sự, hậu cần ở Gạc Ma và Chữ Thập thì mới tính đến chiếm Tư Chính. Một điều không thể không nhắc tới là Trung Quốc cũng đã hiểu rõ chủ trương kiềm chế của Việt Nam trong các cuộc va chạm trên biển, cũng như tiềm lực của Việt Nam vào lúc này; và đã lường trước được sự phản ứng của Việt Nam khi sự việc xảy ra – đó có thể là thời điểm để Trung Quốc gây ra sự kiện Tư Chính – tháng 7/2019 và kéo dài cho tới 5/8/2019.
Chiến thuật chiếm Tư Chính được Trung Quốc vận dụng hoàn toàn khác với chiến thuật chiếm các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa – là “đánh mà không đánh”. Tạo ra vùng tranh chấp gây áp lực ở thực địa kết hợp với áp lực trên bàn ngoại giao nhùng nhằng, kéo dài gây tổn hại, mệt mỏi để rồi phải chấp nhận đàm phán theo điều kiện của Trung Quốc. Nếu điều này không xảy ra thì khả năng khiêu khích vũ trang để tạo cớ chiếm Tư Chính bằng biện pháp quân sự có thể sẽ xảy ra.
Sự kiện gây sự của Trung Quốc ở Tư Chính đang diễn ra từ tháng 7 đến nay đang ở giai đoạn biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp. Các học giả gọi là vùng xám. Giai đoạn này quan sát thấy Trung Quốc sử dụng tàu địa chấn dưới sự hỗ trợ của giám cảnh-dân quân để quấy rối, đụng đầu với các lực lượng bảo vệ của Việt Nam – tạo ra tình huống lấy “dân sự” để duy trì sự căng thẳng thường xuyên liên tục – đây là bước đầu tiên để kiểm nghiệm sự phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế, trước khi chuyển sang chiến thuật gây áp lực mạnh hơn – về mặt ngoại giao, Trung Quốc vẫn tỏ ra hợp tác với Việt Nam, kêu gọi cần kiềm chế để giải quyết sự khác biệt giữa 2 nước – lên án sự can thiệp của các nước (ý nhằm vào Mỹ).
Trung Quốc luôn khẳng định tình hình trên Biển Đông cơ bản vẫn tốt. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn bao vây thông tin, thu hẹp phạm vi câu chuyện Tư Chính là chuyện giải quyết khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, để hạn chế quốc tế lên án. Tình hình hiện nay: tàu Hải Dương của Trung Quốc sau khi hoàn thành thu thập dữ liệu tài nguyên ở Tư Chính đã về đảo Chữ Thập để tiếp nạp hậu cần, cho nên điều này không mang ý nghĩa là từ bỏ mục tiêu; đây là bước tạo ra trạng thái tranh chấp. Trung Quốc sẽ có bước leo thang mới là đưa lại dàn khoan đến Lô 06-01 để khoan thăm dò dầu trong thời gian tới đây. Đây là bước chiếm hữu thực tế để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, tiến đến chiếm toàn bộ rạn Tư Chính của Việt Nam.
Như vậy, nếu nhìn tổng thể trong 45 năm, từ khi khởi đầu cho tới nay, về cơ bản Trung Quốc đã vượt qua được các trở ngại đối nội và đối ngoại để đạt được mục tiêu: Mở rộng lãnh thổ vươn ra biển xa; khống chế gần như cơ bản Biển Đông theo đường “lưỡi bò”, chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, nhiều đảo, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa – kiểm soát khống chế mọi hoạt động vận tải biển – đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ vào thế bị động với Trung Quốc.
Điểm nóng Biển Đông, điểm nóng quan hệ Việt-Trung
Nhìn vào chiều hướng này cho thấy Tư Chính sẽ là điểm nóng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc nói riêng và khu vực nói chung. Với nhận thức sai lầm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ghép Tư Chính nằm trong chủ quyền lãnh thổ mang tính lịch sử mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho là “không cần bàn cãi”, do vậy cuộc tranh chấp do Trung Quốc phát động sẽ rất phức tạp, kéo dài cho tới khi Trung Quốc nghĩ đến kết quả là giành được đảo này.
Sự tính toán của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối và sức mạnh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam theo tinh thần không để mất một tấc đất, một sỉa biển. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề mới, mà nó đã diễn ra trên 40 năm qua – quá khứ của cuộc đấu tranh này, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học về giữ nước. Không một cuộc chiến nào sự thắng lợi lại không bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân và bằng sức mạnh của chính dân tộc mình tạo ra.
Sự khôn khéo trong quan hệ đối ngoại đôi khi cũng trở thành sức mạnh khuất phục kẻ thù và giành được sự ủng hộ của bạn bè thế giới, cô lập đối phương. Sau cùng cần xây dựng một đội quân trung thành với Tổ quốc, nhân dân, quên mình vì đất nước.