Bản lĩnh của một người làm khoa học chân chính giúp Lý Lệnh Hoa vượt khỏi giới hạn của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để nói lên tiếng nói khoa học khách quan, trách nhiệm với chính nhân dân TQ cũng như các nước láng giềng.
Học giả Lý Lệnh Hoa
Nhóm tàu HD (PV – Hải Dương 08), lần thứ 3, tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN thông tin với báo chí quốc tế vào chiều ngày 12/9.
Lần thứ 3 trong vi phạm chủ quyền biển của một quốc gia bất chấp sự phản đối quyết liệt, mạnh mẽ không chỉ của VN – quốc gia bị gây hấn, màcòn của cộng đồng quốc tế, điều đó cho thấy TQ lỳ lợm, ngang ngược đến mức nào.
Càng lỳ lơm, TQ càng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Đã và đang ngày càng có thêm những tiếng nói phê phán TQ.
Và không chỉ VN, cộng đồng quốc tế phản đối,lúc này, những người TQ chân chính cũng không thể im lặng, buộc phải thể hiện sự bất bình, cất lên tiếng nói của lương tri.
Một trong những người như thế là ông Lý Lệnh Hoa.
Lý Lệnh Hoa không phải là cái tên xa lạ. Ôngtốt nghiệp Học viện Hải Dương Sơn Đông, hiện là cán bộ nghiên cứu Trung tâm Thông tin Cục Hải Dương Nhà nước TQ. Trong giới nghiên cứu biển Trung Hoa, Lý Lệnh Hoa là một học giả tên tuổi, tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo về biển đảo.
Nhờ môi trường công tác, ông đã tiếp cận và nghiên cứu nhiều tài liệu lịch sử, tài liệu khoa học về biển đảo và các vấn đề liên quan.
Đặc biệt,bản lĩnh của một người làm khoa học chân chính giúp Lý Lệnh Hoa vượt khỏi tâm thế, giới hạn của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi – một trong những căn bệnh điển hình khiến không ít người TQ trở nên “xấu xí”, để nói lên tiếng nói khoa học khách quan, trách nhiệm với chính nhân dân TQ cũng như các nước láng giềng.
Nhiều cuốn sách, bài báo khoa học của ông từng phê phán TQ đã áp đặt và bất công trong việc giải quyết các tranh chấp về biển đảo với các nước liên quan.
Cách đây 5 năm, năm 2014, khi TQ hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, bất chấp sự khó chịu, thậm chí tẩy chay, của chính phủ TQ, ông đã có nhiều bài viết đăng trên trang cá nhân, thể hiện sự chính trực của một nhà khoa học, phê phán hành vi sai trái của TQ, đồng thời, kêu gọi TQ hãy thể hiện tư cách một cường quốc trỗi dậy hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng UNCLOS 1982 mà TQ là một thành viên.
Ông từng khẳng định: “Trung Quốc muốn phát triển kinh tế và nâng cao uy tín thì cần phải tích cực và chủ động giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông), phải xác lập được cơ chế đàm phán, thương lượng song phương và đa phương hữu hiệu, được các nước liên quan cùng chấp nhận, thiết thực sớm chấm dứt cục diện xung đột dài ngày ở khu vực này”.
Ông còn cảnh báo những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan: “Mình chỉ biết mình, tai họa khó tránh khỏi”.
Liên quan vấn đề biển Đông, thời gian qua, học giả Lý Lệnh Hoa có bài viết “ Kiên trì đường 9 đoạn, việc vạch ranh giới biển Hoa Nam (biển Đông) sẽ đi vào con đường bế tắc”.
Bài viết, một lần nữa, trở lại nội dung phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 UNCLOS 1982.
Phân tích những bất hợp lý trong cách biện minh của TQ, điều thú vị là ông Lý Lệnh Hoa nêu lại câu nói sinh thời của cố Cục trưởng Cục Hải Dương TQ La Ngọc Như: “ Việc vạch ranh giới biển của TQ không được được vạch đến tận cửa nhà người ta”.
Thử liên hệ với “đường 9 đoạn”, TQ đã thực hiện việc xác định chủ quyền trên biển Đông như thế nào ?
Thì đây: “đường 9 đoạn” của TQ chiếm 85% diện tích biển Đông. Có chỗ, nó chỉ cách bờ biển lục địa của VN 50 hải lý, cách đảo Lý Sơn của VN 36 hải lý.
Tương tự, nó cách đảo Pulau Sekatung gần Indonesia nhất 75 hải lý; cách bờ biển Kalimantan củ Malaysia 24 hải lý; cách bờ biển Brunei chỉ khoảng 30 hải lý; cách đảo Balabac ở Đông Nam Philippines 35 hải lý,…
Như vậy, với “đường 9 đoạn” TQ gần như gây sự với tất cả các nước liên quan biển Đông.
Diễn đạt theo cách nói của cố Cục trưởng Cục Hải Dương TQ La Ngọc Như, trong trường hợp này, TQ đã “vạch ranh giới biển đến tận cửa nhà người ta” vậy.