Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiểm soát Biển Đông và...

Đài Loan cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiểm soát Biển Đông và đe dọa tự do hàng hải trong khu vực

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn xã Đài Loan, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (11/9) cảnh báo các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, đồng thời kêu gọi các nước cần có biện pháp đề phòng, đối phó.

Đảo Ba Bình của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng

Đài Loan quan ngại hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo ông Joseph Wu, nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm các nước có tranh chấp trên Biển Đông, lo ngại về các yêu sách chủ quyền thái quá cũng như hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo tại vùng biển này. Mặc dù nhiều nước xung quanh Biển Đông im lặng trước các động thái của Trung Quốc, nhưng họ vẫn quan ngại và muốn các nước được thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan kêu gọi tất cả các quốc gia công nhận quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Nếu họ không như vậy, Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Đông, từ đó gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của các nước lân cận cũng như đối với thương mại quốc tế. Ngoài ra, ông Joseph Wu cho biết Đài Loan không thể tham gia các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng như các cuộc họp đa phương như diễn đàn ASEAN. Tuy nhiên, ông Wu cho biết Đài Loan vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Biển Đông, kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tiến hành các cuộc thảo luận với Đài Loan về vấn đề này; khẳng định Đài Loan sẵn sàng đóng góp vào vấn đề này, đặc biệt trong các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu hộ. Không những vậy, Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đài Loan cũng là một bên có tuyên bố chủ quyền với một số đảo và vùng nước tại Biển Đông.

Đài Bắc đang có sự điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có nhiều bước điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông nhằm tìm cách khẳng định “Đài Loan là một bên tranh chấp” và tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong nước. Phát biểu sau khi chiến thắng bầu cử tại Đài Loan, Chủ tịch đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Các bên liên quan tranh chấp phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên thông qua đàm phán, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, bà Thái Anh Văn cũng khẳng định lập trường của DPP trong vấn đề Biển Đông không thay đổi, song cho biết, trước bầu cử DPP là đảng đối lập nên không có nhiều tài liệu chính thức về yêu sách “chủ quyền” lãnh thổ của Đài Loan ở Biển Đông.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Chính quyền của Thái Anh Văn đưa ra tuyên bố phản đối, trong đó nhấn mạnh: (1) Đài Loan có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, được hưởng tất cả các quyền gắn liền với các quần đảo đó và các vùng nước theo luật quốc tế cũng như luật biển; (2) Tòa Trọng tài đã không mời phía Đài Loan tham gia vào các tiến trình hay tham vấn quan điểm của Đài Loan nên các quyết định của Tòa, vốn vi phạm tới lợi ích của Đài Loan và làm suy yếu quyền lợi của Đài Loan, đặc biệt là các quyền liên quan đến địa vị pháp lý của Ba Bình, đều không ràng buộc pháp lý đối với Đài Loan; (3) Đài Loan chủ trương các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán đa phương và Đài Loan sẽ làm việc với tất cả các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên, sau đó Đài Loan đã thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: “giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát và tạm gác khác biệt để cùng phát triển”. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: “Đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải”.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi chính sách và lập trường liên quan vấn đề Biển Đông. Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không chỉ phức tạp, mà nó còn liên quan đến nhiều mối quan hệ lợi ích đan xen. Đài Loan tuy là một bên liên quan tranh chấp, song không được thừa nhận một cách công khai. Vì Trung Quốc sử dụng sức ép kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự để ép các nước phải công nhận chính sách “Một Trung Quốc” và “Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc”. Thứ hai, vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Cả hai nước đều đang sử dụng “vấn đề Đài Loan” để cân bằng, mặc cả lợi ích trong khu vực. Thứ ba, Mỹ cũng đang gây sức ép với Đài Loan về việc được quyền sử dụng đảo Ba Bình trong một số tình huống cụ thể, nhằm gia tăng sức mạnh quân sự để kiềm chế Trung Quốc. Thứ tư, nếu Đài Loan tuyên bố từ bỏ “chủ quyền ở Biển Đông” thì TQ chắc chắn sẽ coi hành động này là “bán lãnh thổ TQ” và sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn, khiến quan hệ Hai bờ trở nên căng thẳng và tính ổn định trong cầm quyền của DPP sẽ không tồn tại. Hiện Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chống phá Nội các của DPP bằng cách “hối lộ và bắt nạt” một số ít quốc gia hiện còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thu hẹp không gian của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đài Loan là một trong những bên đưa ra yêu sách “chủ quyền” trên Biển Đông. Hiện Đài Bắc đang kiểm soát trái phép đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngay sau khi đưa quân lên đồn trú phi pháp trên đảo Ba Bình, Đài Loan đã triển khai nhiều hoạt động quân sự, biến đảo này thành một “pháo đài” kiến cố. Năm 2015, Đài Loan chi 100 triệu USD để xây dựng các công trình phi pháp trên đảo gồm đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống, sữa chữa và nâng cấp cầu tầu trên đảo, xây bệnh viện và công trình nước sạch. Chính quyền Đài Loan còn tăng cường binh lính đồn trú phi pháp trên đảo này. Không những vậy, Đài Loan còn điều tàu hộ vệ có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn đến đảo Ba Bình; triển khai nhiều loại vũ khí như pháo cao xạ, hệ thống tên lửa đất đối không (hệ thống Sky Bow -Thiên Cung và hệ thống phòng không Antelope) và nhiều phương tiện khác nhằm củng cố năng lực tình báo, giám sát và nhận dạng xung quanh đảo Ba Bình. Ngoài ra, Đài Loan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân, bắn đạn thật trong khu vực xung quanh đảo Ba Bình nhằm “tăng cường năng lực hải quân và ứng phó với những tình huống khẩn cấp”.

Trên thực tế, trong quá trình lịch sử, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer (21/12/1933) ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập tại đây một trạm khí tượng mang số hiệu 48.919 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (tiền thân của Tổ chức Khí tượng Thế giới) cấp phát. Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm và đặt dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy đóng tại Cao Hùng thuộc Đài Loan (thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản). Tuy nhiên, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco và chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951 và trao trả khu vực này lại cho Việt Nam. Đến tháng 10 năm 1946, Pháp cho tàu chiến Chevreud đến đảo Trường Sa và Ba Bình, đồng thời dựng một mốc đánh dấu bằng đá tại đây. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Đến khoảng giữa năm 1956, Đài Loan tiếp tục đưa quân ra xâm chiếm đảo Ba Bình, tuy nhiên phải đến năm 1971 Đài Loan mới thực sự triển khai quân đội đồn trú trái phép trên đảo này.

RELATED ARTICLES

Tin mới