Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLàn sóng mới lên án hành vi của TQ ở Biển Đông...

Làn sóng mới lên án hành vi của TQ ở Biển Đông là lợi thế cho Việt Nam sử dụng pháp lý

Từ khi Trung Quốc cho tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hộ tống tiến hành khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và uy hiếp, cản trở các hoạt động hợp tác dầu khí lâu nay của Việt Nam, đã có nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm năm 2013. Trong bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh khác liên quan đến đấu tranh pháp lý: phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Trung Quốc sẽ tạo lợi thế lớn cho Việt Nam khi sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.

Sau khi Mỹ lên tiếng mạnh mẽ lên án đích danh hành vi của Trung Quốc xâm lấn, bắt nạt Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở nhiều cấp độ khác nhau từ tuyên bố của Bộ Ngoại giao đến Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và từ các Nghị sĩ thuộc cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đên Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, đã xuất hiện một làn sóng mới trên quốc tế lên án hành vi cưỡng ép, dọa nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thủ tướng Úc, Thủ tướng Malaysiatrong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam phê phán các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông; Ngoại trưởng Nhật rồi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu phê phán các hành vi cưỡng chế ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngoài phát biểu hôm 05/8 của bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đại diện cấp cao của Liên hiệp Châu Âu về an ninh và đối ngoại nhân chuyến thăm Việt Nam thìTuyên bố ngày 28/8/2019 của Người Phát ngôn Cơ quan đối ngoại Châu âu thuộc Liên hiệp Châu Âu một lần nữa bày tỏ quan ngại trước hành vi của Trung Quốc, nhấn mạnh“những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và tác hại đến môi trường an ninh biển”,“đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.

Đặc biệt, ngày 29/8/2019, Pháp, Đức, Anh ra Tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây là lần đầu tiên 3 nước lớn ở Châu Âu ra một Tuyên bố chung về Biển Đông. Trong phát biểu hay tuyên bố của các nước đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với (UNCLOS).

Như vậy, đã có 3/5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng công khai phê phán hành vi cưỡng ép của Trung Quốc. Một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác là Nga, tuy không phát biểu công khai trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc, nhưng việc Chính phủ Nga hậu thuẫn cho công ty Rosneft kiên trì triển khai các hoạt động hợp tác dầu khí với Việt Nam ở lô 06-1 trên thềm lục địa Việt Nam là một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính nghĩa của Việt Nam, thể hiện rõ quan điểm của Nga tuân thủ các quy định của UNCLOS.

Không rõ với tư cách Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn lại, những người cầm quyền ở Bắc Kinh nghĩ gì mà tiếp tục hành động bất chấp tất cả. Có lẽ với mục tiêu thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình đang đưa đất nước Trung Quốc đi theo con đường của chủ nghĩa bá quyền hòng thống trị khu vực chăng? Nên ông ta bất chấp tất cả, một mình chống lại cả 4 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việc quốc tế, nhất là các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên tiếng phê phán hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế là có lợi cho Việt Nam khi kiện Trung Quốc ra Tòa bởi lẽ ý kiến của cộng đồng quốc tế là một nội dung các quan tòa phải xem xét trong quá trình xét xử và ra phán quyết. Đặc biệt, Tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức có đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, coi đây là một cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Điều này càng có lợi cho Việt Nam khi khởi kiện Trung Quốc vì phán quyết 12/7/2016 trở thành án lệ được cộng đồng quốc tế tôn trọng và thừa nhận.

Rõ ràng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực mà nhóm tàu HD8 của Trung Quốc đang xâm phạm được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và được cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trừ Trung Quốc là nước đang xâm lấn ở đây) thừa nhận nên chắc chắn nếu Việt Nam khởi kiện sẽ giành được thắng lợi.

Mặt khác, từ đầu tháng 7 đến nay các bài viết, phát biểu của các học giả, nhà nghiên cứu hầu hết đều đứng về phía Việt Nam, lên án hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam trong trường hợp khởi kiện Trung Quốc.

Tóm lại, từ khi Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã xuất hiện làn sóng mới lên án hành vi của Trung Quốc, nhất là trong những ngày gầy đây với việc lên tiếng của nhiều nước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và đe dọa uy hiếp các hoạt động dầu khí hợp pháp lâu năm của Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc không chấm dứt hành vi xâm lấn, Việt Nam nên sử dụng biện pháp pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới