Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam và cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối TQ...

Việt Nam và cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối TQ hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (12/9) tiếp tục đưa ra tuyên bố kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam kiên quyết phản đối

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 12/9, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra nhiều tuyên bố liên quan vấn đề Biển Đông nhằm thể hiện quan điểm, lập trường và thái độ nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này.

Về việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của Nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình và an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ Nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam. Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Công ước xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS. Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Về thông tin tàu Lam Kinh của Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, từ ngày 3/9, tàu Lam Kinh của Trung Quốc đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mọi hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng của Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp và vô giá trị. 

Về thông tin Trung Quốc triển khai UAV ở Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và không có giá trị; tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam thì đều là bất hợp pháp và không có giá trị.

Về thông tin Anh có kế hoạch điều tàu sân bay tới Biển Đông vào năm 2021: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực; nhấn mạnh Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Về hợp tác giữa Exxon Mobil với Việt Nam ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có thông tin cho biết các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được tổ hợp nhà thầu PVN, Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil đang triển khai theo kế hoạch.

Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút khỏi EEZ Việt Nam

Đồng quan điểm với Việt Nam, trước những hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO) đã ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có việc rút ngay tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiềm chế các hoạt động gây phức tạp tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, tập trung cho quá trình xây dựng lòng tin nhằm giữ gìn an ninh, hòa bình và ổn định tại Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. VESAMO kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tôn trọng, tuân thủ và thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất và đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế. VESAMO nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.  

Truyền thông quốc tế lên án, chỉ trịch Trung Quốc

Trước đó, trang Eurasia Review mới đây đăng bài của một nhà báo kỳ cựu Indonesia phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Bài báo khẳng định những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông đã vi phạm UNCLOSmà chính quốc gia này đã ký kết và là nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông xấu đi. Tác giả cũng đánh giá cao việc Việt Nam thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính. Bài viết nêu rõ hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương, mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác cũng chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) cũng chỉ trích Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. Theo tác giả bài viết, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà ASEAN và cộng đồng quốc tế cần làm để ngăn chặn Trung Quốc là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước Đông Nam Á. Tác giả cho rằng ASEAN cần đoàn kết, tạo ra nhận thức chung trong khối về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, ASEAN cần xúc tiến việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên UNCLOS và các quy tắc quốc tế khác.

Trong khi đó, báo The Times of India của Ấn Độ đăng bài cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là yếu tố khuyến khích các nước phối hợp để giải quyết vấn đề này. Theo bài viết, những tháng vừa qua là giai đoạn căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động đơn phương đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, bài viết cho rằng các quốc gia Đông Nam Á và những nước có lợi ích ở Biển Đông đã có những tín hiệu cứng rắn. Tại Maldives, Hội nghị Ấn Độ Dương nhóm họp trong hai ngày 3 – 4/9 với trọng tâm là an ninh hàng hải, tự do hàng hải, thực thi UNCLOS năm 1982 và phát triển cơ chế khu vực hiệu quả để hiện thực hóa các quy tắc quốc tế. Gần đây, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tới Việt Nam, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế. Tờ báo kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông, tham gia đối thoại thực chất với tất cả các bên liên quan mà không kèm theo điều kiện tiên quyết, duy trì các quy tắc quốc tế và cùng đảm bảo an ninh cho Biển Đông. Trung Quốc phải phối hợp với ASEAN thúc đẩy COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Đáng chú ý, CNN cũng lên án Trung Quốc, dẫn nhiều bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. CNN đã đăng bài viết của tác giả Brad Lendon đưa ra những bằng chứng cho thấy chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời lên án những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực này. Theo CNN, vào thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong hành trình khám phá thế giới và tìm kiếm thị trường khi đi qua Biển Đông ghi chép và vẽ bản đồ đảo và quần đảo trong vùng biển này. Họ đã biên soạn và xuất bản nhiều bản đồ về châu Á và khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhiều bản đồ ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 130 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn ở phía tây bắc của Biển Đông. Hoàng Sa có nguồn sinh vật biển phong phú. Nhưng không chỉ là một ngư trường giàu có, Hoàng Sa còn dự trữ nhiều năng lượng tiềm năng. Và Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông, ngang ngược tiến hành các biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới