Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau Solomon, TQ đang thuyết phục Haiti cắt đứt quan hệ ngoại...

Sau Solomon, TQ đang thuyết phục Haiti cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan

Chính phủ Trung Quốc chính thức đề nghị Haiti chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời cam kết Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại, vệ sinh công cộng và giáo dục với Haiti.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Le Nouvelliste của Haiti, Người đứng đầu văn phòng phát triển thương mại của Trung Quốc tại Haiti Vương Hướng Dương đã đưa ra đề nghị nếu Chính phủ Haiti có thể ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc”, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thiết lập quan hệ với Haiti và tăng cường hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại, vệ sinh công cộng và giáo dục; nhấn mạnh Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế, ngoài việc hỗ trợ Haiti, Trung Quốc cũng có thể cung cấp các khoản vay không lãi suất và các khoản vay ưu đãi cho nước này; khẳng định Trung Quốc sẽ hoàn toàn tôn trọng quốc gia tiếp nhận và đầu tư trực tiếp theo nhu cầu trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng tại Haiti.

Giới chuyên gia nhận định hành động này của Trung Quốc là tìm cách ngăn chặn, cô lập Đài Loan trên trường quốc tế. Fan Hesheng (Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học An Huy) nhận định, Haiti là quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu và mặc dù có một số mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, sự phát triển sẽ bị hạn chế nếu không có mối quan hệ ngoại giao đầy đủ. Trong khi đó, một học giả của Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Haiti có thể sẽ bỏ rơi Đài Loan sớm. Xu Yicong (cựu đặc phái viên của Trung Quốc tại Ecuador, Cuba và Argentina) nhận định Mỹ là trở ngại lớn nhất đối với Bắc Kinh trong việc thuyết phục các đồng minh ngoại giao Đài Loan. Đối với các đồng minh của Đài Loan mà chưa thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc, áp lực lớn nhất đến từ Mỹ, nước đã áp dụng cách tiếp cận chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn dưới thời chính quyền Trump.

Đáng chú ý, Tiến sĩ Trương Trí Trình (Đại học Havard, Mỹ) nhận định, Trung Quốc chèn ép Đài Loan liên tục không chỉ vì không ưa đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn, mà đây là chủ trương nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh. Từ khi đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) do bà Thái Anh Văn lãnh đạo chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Đài Loan vào tháng 1/2016, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các bước để cô lập đảo quốc khỏi cộng đồng quốc tế. Trong đó có việc dùng tiền bạc chiêu dụ bốn quốc gia có quan hệ ngoại giao lâu dài với Đài Loan là Panama, Sao Tome và Principe, Burkina Faso, Cộng hòa Dominicana để các nước này cắt đứt mối giao tình. Hoặc đẩy Đài Loan ra khỏi ghế quan sát viên tại Diễn đàn Y tế Thế giới.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cấm thực hiện các chuyến du lịch tới Palau, coi quần đảo nhiệt đới này là điểm đến bất hợp pháp vì không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Palau không phải quốc gia duy nhất mà Trung Quốc sử dụng du lịch như một công cụ ngoại giao. Trung Quốc cũng từng cấm du khách tới Hàn Quốc sau khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc mà Trung Quốc cho là đe dọa tới an ninh của nước này. Trước khi lệnh cấm được ban hành, khách Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong lượng khách du lịch tới Palau. Theo các dữ liệu chính thức, trong số 122.000 khách du lịch tới Palau năm 2017, có 55.000 người từ Trung Quốc và 9.000 người từ Đài Loan. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ xô tới Palau xây khách sạn, mở doanh nghiệp và mua các khu đất vàng ven biển. Sau khi lệnh cấm được áp đặt, lượng khách du lịch tới Palau giảm mạnh. Hãng hàng không Palau Pacific Airways hồi tháng 7/2018 thông báo dừng các chuyến bay tới Trung Quốc. Theo Palau Pacific Airways, Chính phủ Trung Quốc “đang nỗ lực ngăn cản thậm chí chặn hẳn khách du lịch tới Palau”. Từ khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm, hãng hàng không này đã bị sụt giảm 50% số lượng khách đặt vé. Khi được hỏi liệu việc coi Palau như một điểm đến bất hợp pháp có phải là cách để Trung Quốc gây sức ép buộc Palau phải rời xa Đài Loan hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia khác phải được thực hiện theo khuôn khổ của nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Đây là nguyên tắc cốt lõi của chính phủ Trung Quốc, trong đó coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “nguyên tắc Một Trung Quốc là điều kiện tiên quyết và là nền tảng chính trị để Trung Quốc duy trì cũng như phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới”. Trong khi đó, Cơ quan Ngoại giao của Đài Loan cho biết trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã lôi kéo thành công 4 quốc gia để họ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc bằng cách đưa ra những khoản viện trợ và đầu tư hào phóng.

Trước Haiti, Solomon được cho là quần đảo bị Trung Quốc sử dụng con bài kinh tế, viện trợ để lôi kéo nhằm chấm dứt quan hệ với Đài Loan. Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (1/5/2019) tiết lộ rằng, quốc đảo này đang xem xét về việc có nên chấm dứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới