Nếu nhân khẩu học là định mệnh thì Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên mà chưa có giải pháp dài hạn nào dễ dàng trước mắt.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chạm phải một rào cản: nhân khẩu học. Và bất chấp những nỗ lực có vẻ như tuyệt vọng để đảo chiều tác động của chính sách một con, giới chuyên gia cảnh báo có thể đã quá muộn để ngặn chặn những tổn thương lâu dài, theo tạp chí National Interest.
National Interest cho biết, các nhà nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc đã dự đoán nền dân số lớn nhất thế giới này sẽ đạt đỉnh 1,4 tỷ người vào năm 2029. Tuy nhiên, sau đó dân số Trung Quốc sẽ trải qua một sự suy giảm “không thể ngăn chặn được” mà có thể giảm xuống còn 1,36 tỷ người vào năm 2050, thu nhỏ lực lượng lao động xuống khoảng 200 triệu người.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo, nếu tỷ lệ sinh vẫn không thay đổi, dân số Trung Quốc thậm chí chỉ còn 1,17 tỷ người vào năm 2065. Báo cáo của Viện chỉ ra: “Về lý thuyết, sự suy giảm dân số dài hạn, đặc biệt là khi nó đi kèm với dân số già hóa liên tục, chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả rất bất lợi về kinh tế và xã hội”.
Nhằm hạn chế tăng trưởng dân số, chính sách một con của Trung Quốc bao gồm các khoản phạt nặng, buộc phải phá thai và triệt sản đã được áp dụng trong thời gian dài và rất thành công, khiến tỷ lệ sinh trên mỗi gia đình từ 2,9 trẻ em năm 1979 xuống còn 1,6 vào năm 1995.
Trong năm 2016, giới hạn này được nâng lên 2 con, nhưng tỷ lệ sinh vẫn giảm nhanh chóng sau một thời gian ngắn. Năm ngoái, số ca sinh giảm xuống 15,2 triệu, và ở một số tỉnh thành giảm tới 35%. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện tại chính thức giảm còn 1,6 con/phụ nữ, thấp hơn “tỷ lệ thay thế ” được trù tính là 2,1 con.
Một di sản khác của chính sách một con là thiếu phụ nữ. Do quan niệm trọng nam khinh nữ và phá thai chọn lọc, Trung Quốc hiện có số đàn ông vượt 34 triệu người so với số phụ nữ. Đến năm 2020, có thể có tới 24 triệu đàn ông trong độ tuổi kết hôn không cưới được vợ. Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn, khi phụ nữ ở độ tuổi 22 đến 31 dự kiến giảm 40% từ năm 2015 đến 2025.
Gần đây, các khu vực phát triển hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã chứng kiến số ca sinh ít hơn so với các khu vực phía tây như tỉnh Thanh Hải, một yếu tố liên quan đến di cư. Tuy nhiên, các khu vực khác vùng đông bắc đã nếm trải sự suy giảm vì các yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra quan niệm hôn nhân và làm cha mẹ truyền thống đang thay đổi. Số lượng đăng ký kết hôn giảm dần theo năm kể từ 2013. Trong khi đó, li dị cũng gia tăng.
“Quan niệm của giới trẻ về gia đình và sinh con giờ đã khác, và những giá trị truyền thống như duy trì dòng dõi bằng cách sinh con… cũng suy yếu dần”, Yuan Xin thuộc Đại học Nankai trao đổi với nhật báo China Daily.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác, chẳng hạn chi phí nuôi con ngày càng cao, trong đó có giá nhà cao hơn, cạnh tranh giáo dục và thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày…
Bước ngoặt
Yi Fuxian, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng dân số Trung Quốc đã bắt đầu thu hẹp, lần đầu tiên vào năm 2018 kể từ sau nạn đói những năm 1960.
“Có thể thấy rằng năm 2018 là một bước ngoặt lịch sử trong dân số Trung Quốc”, ông Fuxian nói với báo New York Times. “Dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm và đang già đi nhanh chóng. Sức sống về kinh tế của nước này sẽ tiếp tục suy yếu”.
Và, lực lượng lao động giảm bớt là một trong những hệ lụy đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dân số ở độ tuổi lao động, 15-64 tuổi, giảm liên tiếp trong 4 năm khi đạt đỉnh năm 2013. Kết quả là, tỷ lệ phụ thuộc của Trung Quốc (phần dân số không làm việc, bao gồm trẻ em và người già) đã tăng lần đầu tiên sau hơn 30 năm vào năm 2011, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Chính phủ Trung Quốc dự báo dân số cao tuổi của nước này có thể đạt tới 400 triệu người vào cuối năm 2035, tăng từ 240 triệu người năm ngoái. Điều này đã tác động tới ngân sách của chính phủ. Các khoản thanh toán lương hưu đã lên tới 640 tỷ Nhân dân tệ (90 tỷ USD) năm 2016, tăng 140% so với 5 năm trước đó. Các nhà phân tích cho rằng con số có thể tăng đáng kể, lên tới 60 nghìn tỷ Nhân dân tệ hàng năm vào năm 2050, chiếm hơn 20% tổng chi tiêu của chính phủ.
Điều này là bất kể hệ thống an sinh xã hội, lương hưu và chăm sóc y tế của Trung Quốc bị hạn chế tương đối, với ước tính 900 triệu người đang sống dựa vào mạng lưới an sinh xã hội ít ỏi.
Những dự báo kể trên đã tiếp sức cho các tuyên bố rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á là hiện “đã già đi” trước khi trở nên giàu có.
“Ở các nước tiên tiến, số người trên 60 tuổi tăng gấp đôi lên khoảng 24% dân số từ năm 1950 đến 2015. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người là khoảng 41.000USD”, cây bình luận Shuli Ren của mục Bloomberg Opinion viết. “Còn ở Trung Quốc, tiến trình này sẽ mất thêm 12 năm nữa, đến 2030. Nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 vẫn chỉ bằng 1/3 mức mà các nền kinh tế tiên tiến đạt được năm 2015”.
Nới lỏng các giới hạn
Nhận thức được cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã chuyển sang nới lỏng thêm nữa các giới hạn trong chính sách kế hoạch hóa gia đình. Hình phạt đang được gỡ bỏ ở cấp địa phương cho việc sinh quá số con cho phép, kèm theo gợi ý rằng quy định về số con có thể sẽ bị hủy hoàn toàn.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hiện đang làm việc với các ban ngành khác để “nghiên cứu và cải thiện các chính sách liên quan đến thuế, việc làm, an sinh xã hội và nhà ở để hỗ trợ thực hiện chính sách sinh con thứ 2 “, theo China Daily.
Một trong số các biện pháp như vậy là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ và từ 60 đến 65 đối với nam. Các chính quyền địa phương cũng đáp ứng nhiều khoản trợ cấp, kéo dài thời gian nghỉ thai sản và kết hợp các sáng kiến khác như chiến dịch vận động “1.001 lý do nên sinh con”.
Tuy nhiên, như đã thấy ở thế giới phát triển, việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm là vô cùng khó khăn, ngay cả với các chính sách cực kỳ thân thiện với gia đình.
Một nghiên cứu của nhà kinh tế Lyman Stone cho thấy, kể cả các chính sách kiểu Bắc Âu cung cấp sự hỗ trợ rộng rãi cho các gia đình cũng có rất ít tác động đến xu hướng sinh con dài hạn. Suy thoái kinh tế đã chứng kiến Trung Quốc trượt từ tăng trưởng GDP hai con số xuống một con số, trong khi nợ tăng cao, lên tới khoảng 254% GDP vào cuối năm 2018.
Tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, như Nhật Bản đã làm, hoặc nâng cao năng suất lao động được xem là hai cách bù đắp cho lực lượng lao động thu hẹp. Tuy nhiên, hai thành viên của Harvard Business Review là J. Stewart Black và Allen J. Morrison chỉ ra ở Trung Quốc có nhiều rào cản, trong đó có giảm tăng trưởng năng suất và thiếu cởi mở với người nước ngoài, kể cả ở các tập đoàn lớn.
Từ lợi thế nhân khẩu học do dân số trong độ tuổi lao động tăng cao, mô hình kinh tế dựa trên khai thác lao động giá rẻ giờ đây đang nhanh chóng hụt hơi.
Các nhà phân tích tại JPMorgan cho rằng tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm dần tới mốc 5,5% so với mức 6,5% hiện tại từ năm 2021 đến năm 2025, và giảm xuống còn 4,5% vào năm 2030, khiến nước này khó vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lâu hơn dự đoán”, nhóm phân tích nhận định.
Sự thu hẹp về nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP cũng như năng lực rót vốn cho các tham vọng của nước này ở hải ngoại, chẳng hạn Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nó cũng dẫn đến bất bình đẳng gia tăng.
Trong khi đó, lực lượng lao động kết hợp của Ấn Độ, Indonesia và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng đến ít nhất năm 2060. Tỷ lệ sinh cao và nhập cư mạnh sự kiến đưa dân số Mỹ tăng từ 324 triệu năm 2017 lên 390 triệu người năm 2050, còn dân số Ấn Độ có thể sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2027.
Nếu nhân khẩu học là định mệnh thì Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên mà chưa có giải pháp dài hạn nào dễ dàng trước mắt.