Trong bài phát biểu tại buổi tập huấn cho các lãnh đạo trẻ tại Trường Đảng Trung ương vào ngày 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình nói về những thách thức to lớn mà đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt. Ông đã sử dụng cụm từ “đấu tranh” lên tới 56 lần.
Trong bài phân tích trên Hong Kong Free Press (HKFP) ngày 10/9, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông David Bandurski cho biết, từ ngữ ông Tập chọn dùng, không phải “thách thức”, “thử thách” hoặc “chướng ngại”, mà là “douzheng” (斗争) có nghĩa là “đấu tranh”, một từ hàm chứa lịch sử chính trị đau thương, gợi lại cuộc nội chiến “đấu tranh chống kẻ thù” đã từng xé rời xã hội Trung Quốc trong những năm 1960 – 1970.
Ông David Bandurski nhận xét, “đấu tranh” không phải chỉ đơn thuần kêu gọi cần đoàn kết hướng tới các mục tiêu chung, hoặc một thái độ hành động, mà còn là lời cảnh báo về sự chia rẽ và tiềm ẩn thương vong. Do đó, đây là việc đáng lưu ý, vì khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc viện đến từ “đấu tranh” trong bối cảnh hiện nay thì cần phải hiểu rằng, lựa chọn diễn ngôn của các lãnh đạo cấp cao thuộc ĐCSTQ không bao giờ mang tính ngẫu nhiên hay tùy tiện.
Ông Tập chưa từng “đấu tranh” nhiều như thế này. Tân Hoa Xã thống kê, trong bài phát biểu của chủ tịch Tập, từ “đấu tranh” được lặp lại 56 lần. Với sự kiện này, ông Bandurski phân tích như sau:
Ở một cấp độ nào đó, “đấu tranh” của ông Tập đề cập đến những thách thức khách quan mà Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra, tăng trưởng kinh tế chững lại, tham vọng bá chủ toàn cầu của Trung Quốc vấp phải đối kháng quốc tế sâu sắc, những căng thẳng dai dẳng về chủ quyền ở Hồng Kông, Biển Đông và Tân Cương. Trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin về những “đấu tranh” trong thời ông Tập đã làm rõ hơn những điểm này.
Ở cấp độ khác, có khả năng ông Tập đang phải đối mặt với những cuộc đấu tranh thực sự của chính mình trong nội bộ Đảng khi cố gắng giải quyết những thách thức to lớn kể trên. Việc lựa chọn ngôn từ của ông Tập có thể là một thông điệp cứng rắn gửi đến những đảng viên chống lại sự lãnh đạo hay các mục tiêu của ông.
Vì vậy, từ “đấu tranh” trong bài phát biểu cũng có thể là đang ám chỉ những cuộc đấu tranh khốc liệt trong nội bộ ĐCSTQ.
Một đoạn trong bài báo của Tân Hoa Xã về bài phát biểu ngày 3/9 của Chủ tịch Tập Cận Bình, với những từ “đấu tranh” được bôi màu (ảnh: China Media Project/ Hongkongfp).
Cho đến nay, trong toàn bộ nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, khái niệm “đấu tranh” đã trở lại với sự kịch tính và được chính thức hóa trong bài diễn văn tại trường đảng. Bài phát biểu không chỉ sử dụng từ “đấu tranh”, mà sử dụng cả cụm từ “đấu tranh vĩ đại” – “weida douzheng” (伟大斗争), cụm từ này rất hiếm khi được thấy trong lịch sử các bài diễn văn của ĐCSTQ.
HKFP ghi nhận từ các nguồn tin và bình luận rằng, bài phát biểu tại trường đảng là “lần đầu tiên ông Tập trình bày có hệ thống về khái niệm đấu tranh vĩ đại”. Trên thực tế, ông Tập là nhà lãnh đạo duy nhất trong kỷ nguyên cải cách làm điều này.
Giang Thanh, người vợ thứ tư của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái). Giang Thanh là một trong “Tứ nhân bang” của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (ảnh: Wikipedia).
Đấu tranh giữa “kẻ thù cùng hàng ngũ”
Kể từ khi Tứ nhân bang, hay còn gọi là Bè lũ 4 tên (cụm từ ĐCSTQ gọi nhóm Giang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng thứ hai Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Phó chủ tịch thứ hai Vương Hồng Văn) bị bắt và xét xử, và Trung Quốc bắt đầu chính sách cải cách mở cửa vào những năm 1978-1979, chưa có lãnh đạo cấp cao nào từng sử dụng cụm từ “đấu tranh vĩ đại” nhằm biểu thị các thách thức bên ngoài hay đấu đá chia rẽ nội bộ bên trong. Nhưng ông Tập Cận Bình đã làm như vậy trong bài phát biểu ngày 3/9, với mật độ sử dụng từ “đấu tranh” dày đặc.
Theo số lượng bài viết mà Nhân dân Nhật báo xuất bản từ năm 1976, vào giai đoạn cuối của Cách mạng Văn hóa, ông David Bandurski chỉ ra, từ “đấu tranh” thể hiện một bối cảnh chính trị đau đớn và dai dẳng. Khi ấy, cuộc “đấu tranh vĩ đại” nhắm thẳng vào các kẻ thù của Mao Trạch Đông, những người bị quy là “cánh hữu”, và chống lại “chủ nghĩa đế quốc” Mỹ.
Chẳng hạn như vào ngày 1/10/1976, vài tuần sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, vài ngày trước khi Chủ tịch Hoa Quốc Phong ra lệnh bắt Tứ nhân bang, tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải trên trang số năm bài viết có tiêu đề bôi đậm: 批邓、反击右倾翻案风的伟大斗争促进电影事业发展 (tạm dịch: Cuộc đấu tranh vĩ đại phê bình Đặng Tiểu Bình, phản đối khuynh hướng cánh hữu phát triển công nghiệp điện ảnh), bài viết nói về việc phát hành nhiều bộ phim chủ đề chống cánh hữu nhân dịp Quốc khánh.
Đến tháng Tư năm sau, 4 tháng trước khi Đặng Tiểu Bình khôi phục chức vị tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1977, cuộc đấu tranh nhắm vào Tứ nhân Bang lại tiếp tục. Tờ Nhân dân đăng bài báo có tiêu đề: 把揭批“四人帮”的伟大斗争进行到底 (tạm dịch:Tổng lực tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại phơi bày và phê bình Tứ nhân bang).
Trong năm 1979, có nhiều bài báo khác nhau đề cập đến cuộc “đấu tranh vĩ đại” vạch trần Tứ nhân bang. Nhưng về sau, khi Trung Quốc cải cách mở cửa, cụm từ “đấu tranh vĩ đại” đã biến mất suốt hơn ba thập niên. Trong gần 35 năm, từ “đấu tranh vĩ đại” cuối cùng chống Tứ nhân bang đến sự xuất hiện lần đầu tiên của cụm từ “đấu tranh vĩ đại” dưới thời ông Tập, tờ Nhân dân cũng chỉ xuất bản các bài báo về cụm từ này trong mối tương quan với duy nhất hai sự việc kể trên.
Đấu tranh trong thời ông Tập
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, đỉnh điểm là vào năm 2017, cụm từ “đấu tranh vĩ đại” được sử dụng trong 374 bài viết trên tờ Nhân dân, một phần do vai trò của cụm từ này trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 diễn ra vào cuối năm. Trong khoảng thời gian 5 năm, cụm từ này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc chống tham nhũng, hoặc lạm bàn về sự “cai trị nghiêm khắc của Đảng”. Cụm từ này cũng xuất hiện giữa các thời điểm cảnh báo về các rủi ro cũng như mối đe dọa nội tại và quốc tế.
Vào tháng 2/2017, ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đã viết một bài báo lặp lại báo cáo chính trị năm 2012, nói rằng “Tổng bí thư Tập Cận Bình đang tập trung thực hiện một cuộc ‘đấu tranh vĩ đại’ với nhiều khía cạnh mới mang tính lịch sử”.
Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào tháng 11/2017, “đấu tranh vĩ đại” đã được phát huy thành một cụm từ tuyên truyền mới, trong đó nhóm “Tứ đại” (四个伟大) gồm: Đấu tranh vĩ đại xây dựng đất nước (伟大斗争); Thúc đẩy những dự án lớn (伟大工程); Phát huy thành tích vĩ đại (伟大事业); Giấc mơ lớn (伟大梦想) nói về giấc mộng Trung Hoa của ông Tập trong “công cuộc trẻ hóa người dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, “công cuộc trẻ hóa vĩ đại” chỉ có thể thành tựu nếu Đảng vẫn đoàn kết quanh trụ cột Tổng bí thư Tập.
Tờ Nhân dân vào ngày 7/11/2017 đăng tải một bài viết của ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập, có nội dung: “Quản trị toàn diện và nghiêm khắc của Đảng đảm bảo sự vững chắc cho các thay đổi mang tính lịch sử. Nếu Đảng ta tiến hành một cuộc đấu tranh vĩ đại, xây dựng các dự án lớn, phát huy những thành tựu to lớn và hiện thực hóa giấc mơ lớn thì phải tuân thủ vô điều kiện sự quản trị toàn diện và nghiêm khắc của Đảng”.
Cao trào sử dụng cụm từ tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 cho thấy, dường như “đấu tranh vĩ đại” đã đến hồi kết vào năm 2019. Nhưng cho tới nay, cụm từ này đã xuất hiện trong 105 bài báo của tờ Nhân dân, thậm chí còn tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập, chưa kể những thách thức và trở ngại thực tế mà ông Tập phải đối mặt, bao gồm cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Hồng Kông, những tai ương kinh tế và thương mại.
Ông David Bandurski kết luận, bài phát biểu về “đấu tranh” của ông Tập hôm 3/9 là một dấu hiệu quan trọng, nhưng không phải bởi tính bất thường hay gây ngạc nhiên trong việc sử dụng cụm từ, mà bởi vì cụm từ đã được bình thường hóa và trở thành một phần trong kết cấu chính trị của thời đại Tập Cận Bình. ĐCSTQ lại một lần nữa là đảng đấu tranh, tự thân kích động những vấn đề đất nước phải đối mặt.