Kéo dài hơn 1 năm qua, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa tìm được một lối thoát tiềm năng.
Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc chiến thương mại, điều làm tổn thương hoạt động kinh doanh và kinh tế trên toàn cầu. Hơn một năm đã qua đi, giải pháp cho cuộc chiến thương mại này vẫn là điều quá xa vời. Trong một cuộc thăm dò của Reuters, khoảng 80% trong số hơn 60 nhà kinh tế học được hỏi tin rằng cuộc chiến thương mại sẽ không có tiến triển gì, thậm chí là xấu hơn vào cuối năm 2020.
Năm 2018, giá trị thương mại của Mỹ và Trung Quốc là 660 tỷ USD. Việc đánh thuế đã khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn. 4 biểu đồ này cho thấy rõ nét nhất tác động của chiến tranh thương mại với cả hai nền kinh tế.
Mỹ bắt đầu nhắc đến việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu năm 2018 nhưng các đàm phán thương mại song phương đã giúp việc đánh thuế được trì hoãn đến tháng 7 cùng năm. Ban đầu, Mỹ đánh thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đánh thuế tương đương với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Cuộc chiến thuế quan chính thức nổ ra.
Thuế quan ngay lập tức làm chậm lại mối quan hệ thương mại của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm nay, Mexico và Canada đã vượt qua Trung Quốc để trở thành những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Eric Fishwick, chuyên gia kinh tế trưởng của CLSA, nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc đã thành công hơn nhiều trong việc giảm nhập khẩu Mỹ so với động thái tương tự của phía Mỹ”.
Ban đầu, thâm hụt thương mại là một trong những lý do ông Trump đánh thuế hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế quan không giúp Mỹ giảm được điều này mà còn ngược lại. Xuất khẩu ròng của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là các loại hàng hóa có margin thấp như các loại cây trồng, dầu, khí đốt và các sản phẩm lâm nghiệp. Trong khi đó, Mỹ lại phải mua các loại hàng hóa có margin cao.
Ngay từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, đậu nành là một trong những sản phẩm Mỹ bị Trung Quốc đưa vào diện trả đũa. Đây không chỉ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc mà còn là con bài lớn của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tiếp theo.
Nông dân trồng đậu nành là một trong những nhóm ủng hộ mạnh mẽ nhất ông Trump. Trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Việc ngừng mua đậu nành Mỹ khiến nông dân gây áp lực lên Tổng thống Trump.
Hồi giữa năm ngoái, Trung Quốc gần như hoàn toàn ngừng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ. Dịch cúm lợn châu Phi gây ra cuộc thảm sát trên diện rộng, dẫn tới nhu cầu đậu nành của người Trung Quốc giảm sút. Điều này mang lại lợi thế cho Bắc Kinh trong việc đánh thuế đậu nành Mỹ, vốn được sử dụng để làm thức ăn gia súc.