Ngay sau khi Quần đảo Solomon (16/9) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để đổi lấy viện trợ kinh tế và đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan cũng đã đưa ra tuyên bố chỉ trích và có hành động đáp trả cứng rắn.
Đại sứ quán Đài Loan (17/9) làm lễ hạ cờ tại Solomon
Solomon chính thức về “đội” của Trung Quốc
Đảo quốc ở Thái Bình Dương Solomon đã bỏ phiếu chính thức cắt quan hệ với Đài Loan. Theo giới chức đảo Solomon, Trung Quốc đã đưa ra lời đề nghị khó cưỡng lại, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và quân sự cho hòn đảo. Nghị sĩ đảo Solomon Peter Shanel Agovaka cho biết, “chúng ta không thể cứ làm bạn với Đài Loan trong 4 thập kỷ nữa. Đã đến lúc chúng ta cần có những người bạn mới. Chúng ta tôn trọng chính sách Một Trung Quốc sau khi quay lưng với Đài Loan”.
Ngay sau khi Solomon thông qua quyết định trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (17/9) cho biết quyết định trên “chắc chắn mang lại cho Quần đảo Solomon cơ hội phát triển chưa từng có”. Theo bà Hoa Xuân Oánh: “Phía Trung Quốc đánh giá cao quyết định của chính phủ Quần đảo Solomon công nhận nguyên tắc một Trung Quốc, cắt đứt cái gọi là “quan hệ ngoại giao” với chính quyền Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ quyết định quan trọng này của Quần đảo Solomon với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc và Đài Loan là một phần không thể thay đổi của lãnh thổ Trung Quốc. Đây là một thực tế cơ bản và sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở nguyên tắc một Trung Quốc, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 178 quốc gia trên thế giới. Hôm qua, Quần đảo Solomon đã đưa ra quyết định công nhận nguyên tắc một Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc với số phiếu từ 27/0. Một lần nữa, nó chứng minh đầy đủ rằng nguyên tắc một Trung Quốc là ý chí của người dân và xu hướng chung là không thể ngăn chặn. Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Quần đảo Solomon nắm bắt cơ hội lịch sử và đưa ra lựa chọn đứng ở phía lịch sử. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ song phương. Về việc khi Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Solomon, có một câu nói cũ ở Trung Quốc đã chín muồi và được tổ chức tốt”. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng hứa rót 8,5 triệu USD vào quỹ phát triển của Solomon sau quyết định trên.
Đài Loan và Mỹ đáp trả cứng rắn
Ngay sau khi đảo quốc Solomon công bố kết quả bỏ phiếu, Đài Loan đã ra lệnh rút các quan chức ngoại giao khỏi Solomon. Trong khi đó, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc dùng tiền mua chuộc đảo Solomon. “Đài Loan không chạy đua tiền bạc với Trung Quốc để đáp ứng những yêu cầu vô lý. Hãy nhớ rằng những lời hứa về tài chính của Trung Quốc nhiều khi chỉ là lời hứa”; cho rằng đây là động thái của Trung Quốc nhằm tác động đến cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan và kêu gọi các đồng minh còn lại ở Nam Thái Bình Dương tôn trọng những giá trị của hòn đảo. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (18/9) cho biết, dưới sự chèn ép của Trung Quốc khiến cho quan hệ ngoại giao của Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Lần này Trung Quốc lại dùng tiền mua ngoại giao, khiến cho Đài Loan mất thêm một đồng minh nữa vì vậy người dân Đài Loan càng phải đoàn kết hơn khi nào hết, cùng gìn giữ không gian quốc tế và các nước bang giao của mình. Cùng quan điểm trên, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nhấn mạnh “Đài Loan chưa bao giờ đầu hàng trước những sức ép và lần này cũng vậy”.
Để bảo vệ đồng minh, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (18/9) đã huỷ các kết hoạch gặp giới lãnh đạo của quốc gia quần đảo Solomon để bàn về việc phát triển mối quan hệ song phương. Trước đó, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã đề nghị có một cuộc gặp với ông Pence, dự kiến diễn ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tháng này.
Reuters dẫn lời một vị quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Solomon phải nhận lấy hệ quả từ quyết định thay đổi lập trường trong quan hệ ngoại giao của mình và nhấn mạnh “họ đang làm tổn thương quan hệ lịch sử vững mạnh vì việc đó. Việc quốc gia này ưu tiên các lợi ích ngắn hạn cùng Trung Quốc so với các cam kết dài hạn cùng Mỹ là một bước thụt lùi”. Được biết, Mỹ, quốc gia hiện đang có mối quan hệ đầy rủi ro với Trung Quốc về các vấn đề thương mại, quốc phòng và công nghệ, hiện duy trì chính sách “Một Trung Quốc”. Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, nhưng vẫn hỗ trợ cho Đài Loan.
Lời đe dọa từ Trung Quốc
Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Đài Loan sẽ mất tất cả đồng minh ngoại giao nếu bà Thái Anh Văn tái đắc cử vào năm sau. Tờ báo trên cho biết: “Chừng nào đảng Dân tiến (DPP) còn nắm quyền, Đài Loan sớm muộn cũng sẽ không còn đồng minh ngoại giao nào. Chỉ với cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau qua eo biển, Đài Loan mới có thể mở rộng ‘không gian quốc tế’ của mình. Nếu chính quyền bà Thái vẫn không chịu nhận thức điều này, sẽ chỉ có thêm các cuộc khủng hoảng ngoại giao”.
Đài Loan và Solomon xây dựng quan hệ ngoại giao vào năm 1983 cho đến nay đã 36 năm. Sau khi hai bên cắt đứt quan hệ bạn hữu này, Tổng thống Thái Anh Văn chỉ thị đóng cửa Đại sứ quán ngay ngày 17/9 và sẽ rút tất cả các nhân viên của đoàn khoa học kỹ thuật, nhân viên y tế được cử sang Solomon công tác về nước. Đảo Solomon là quốc gia thứ 6 cắt quan hệ với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016. Đài Loan hiện chỉ còn duy trì quan hệ chính thức với 16 quốc gia, phần lớn trong số đó là những quốc gia nhỏ, kém phát triển ở khu vực Trung Phi và Thái Bình Dương.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và không được phép thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, bà Thái phản đối chính sách Một Trung Quốc và Đài Loan hiện duy trì quan hệ với 16 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, Solomon, thuộc địa cũ của Anh hiện có khoảng 600.000 dân, từng là quốc gia lớn nhất tại Thái Bình Dương có quan hệ với Đài Loan.