Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVị thế xoay chiều, TQ dồn ép Nga ở 3 khu vực:...

Vị thế xoay chiều, TQ dồn ép Nga ở 3 khu vực: Thời cơ Mỹ thi triển kế ly gián đã đến

Cả Nga và Trung Quốc đều là những sức mạnh có thể đe dọa lợi ích toàn cầu của Mỹ và phương Tây – ông Bugajski nhận định.

Khoảng 300.000 lính Nga tham gia tập trận Vostok-2018 cùng 36.000 xe tăng và phương tiện bọc thép, 1.000 chiến cơ, trực thăng, máy bay không người lái, và 80 chiến hạm (Ảnh: VYACHESLAV PROKOFYEV/GETTY IMAGES)

Phân tích trên tờ The Hill ngày 9/9, nhà nghiên cứu Janusz Bugajski – từ Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA) có trụ sở tại Washington – cho rằng không có liên minh thực tế hoặc lâu dài giữa Nga-Trung, mà đây là một quan hệ đối tác nhằm làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Như thế, một chính sách “kích động” mâu thuẫn giữa Moskva và Bắc Kinh có thể khiến phương Tây được hưởng lợi.

Trong khi Nga tiếp tục là một đối thủ trong của phương Tây trong tương lai gần, Trung Quốc đang chuyển biến dần thành mối đe dọa về dài hạn.

Theo Bugajski, Moskva có tham vọng thay đổi trật tự khu vực xuyên Đại Tây Dương, song khả năng của nước này bị hạn chế và những vấn đề về thế hệ lãnh đạo tiếp theo có thể khiến Nga đau đầu trong thập niên tiếp theo. Trung Quốc thì đã trở thành một thế lực cạnh tranh toàn cầu ổn định và có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, cùng với tầm nhìn lâu dài nhằm vượt qua châu Âu và Mỹ.

GDP Trung Quốc gấp hơn 7 lần so với Nga, và dân số lớn hơn 10 lần người láng giềng. Về mặt quân sự, Bugajski cho rằng Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng đang vượt lên trên quân đội Nga – lực lượng đang phải đối mặt với ngân sách cắt giảm do kinh tế khó khăn vì bị cấm vận.

Trong kích bản xấu nhất với Mỹ, một liên minh giữa hai ông lớn Nga-Trung sẽ củng cố vị thế răn đe của Moskva với phương Tây, và cho phép Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại châu Âu, đồng thời mở rộng bố trí quân lực của cả hai nước và khiến Mỹ phải phân tán các nguồn lực.

Với kịch bản tích cực hơn, Washington có thể khơi dậy tranh chấp giữa hai đối thủ sừng sỏ và làm suy yếu quan hệ đối tác Nga-Trung, khiến hai nước này phải tái phân bổ nguồn lực nhằm kiềm chế lẫn nhau.

Ba khu vực để chia rẽ Nga-Trung

Bugajski nhận định, có ba khu vực cho phép Washington theo đuổi chính sách chia rẽ: vùng Viễn Đông Nga, vùng Trung Á, và Bắc Cực. Trung Quốc đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng tại vùng Sibera và các tỉnh vùng viễn Đông Nga – những địa bàn mà Trung Quốc đã để mất vào tay đế chế Nga trong thế kỷ 19, khi triều đình Thanh suy yếu và Nga hùng mạnh. Vị thế song phương hiện nay đã có sự thay đổi và được điều chỉnh bởi cơ cấu nhân khẩu học cùng tham vọng về kinh tế. Ý đồ “tái kiểm soát” những khu vực ở phía Đông của Nga vừa mang tính biểu trưng, vừa có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh.

Dân số Nga đang thưa thớt dần ở Siberia và các khu vực giáp bờ biển Thái Bình Dương, còn mật độ dân số Trung Quốc ở vùng lân cận đang gia tăng. Ở dọc đường biên giới chung, khoảng 4.3 triệu người Nga đang “giáp mặt” 109 triệu người Trung Quốc thường xuyên tìm kiếm đất đai, công ăn việc làm và các nguồn tài nguyên. Dòng nhân lực Trung Quốc đổ vào Nga tăng đều cho thấy Bắc Kinh ngày càng xem nước láng giềng phía Bắc không chỉ là nguồn cung nguyên liệu thô, mà còn là nguồn cung đất đai phục vụ phân bổ dân số bùng nổ trong tương lai.

Ông Bugajski đánh giá, dân số người Hoa tăng trưởng nhanh ở Nga sẽ mở đường cho Trung Quốc trở nên “lấn tới” hơn về mặt chính trị, với danh nghĩa bảo hộ công dân – tương tự như cách Moskva tuyên bố bảo vệ người nói ngôn ngữ Nga tại châu Âu. Với việc sử dụng chiêu bài của chính Nga, Bắc Kinh có thể tranh thủ lãnh thổ và nguồn tài nguyên ở khu vực biên giới để phục vụ phát triển kinh tế trong nước. Trong thế hệ tiếp theo, một phần đáng kể lãnh thổ phía đông dãy Urals của Nga có thể chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc.

Sự thâm nhập của Trung Quốc có thể gây ra cọ xát với Moskva và khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang dọc biên giới hai nước. Việc phân tán tài sản quân sự Nga tới miền Đông sẽ làm giảm sức ép với châu Âu và hạ nhiệt mối đe dọa từ Moskva với các thành viên/đối tác của NATO. Điều này cũng kiềm chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh và “điều hướng” các nguồn lực của nước này về khu vực biên giới phía Bắc, phía Tây, qua đó củng cố vị thế của Mỹ trong hỗ trợ phòng thủ hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, và răn đe hành động của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga.

Vùng Trung Á cũng có thể trở thành một mặt trận lợi ích giữa Nga và Trung Quốc. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chủ tịch Tập Cận Bình được thiết kế nhằm lôi kéo các nước dọc tuyến đường thương mại này gia nhập nghị trình kinh tế-chính trị của Bắc Kinh, đồng nghĩa với làm giảm ảnh hưởng của Nga và làm xói mòn liên minh khu vực của Moskva.

Theo Bugajski, Washington cần hành động tích cực hơn trong việc ủng hộ độc lập của 5 nước vùng Trung Á, cũng như thúc đẩy xu hướng cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Moskva. Trong ván cờ chiến lược liên quan đến nguồn cung năng lượng, đầu tư kinh tế và hợp tác quân sự này, Mỹ có cơ hội “chống lưng” có các lãnh đạo khu vực trước sức ép Nga-Trung và tạo đòn bẩy để hai ông lớn khu vực quay sang đối đầu lẫn nhau.

Tại khu vực Bắc Cực, Moskva tính toán rằng họ có thể “thống trị” tuyến hàng hải phương Bắc và có sự tiếp cận độc quyền với nguồn khoáng sản tại đây. Song biến đổi khí hậu, thoái trào của ngành công nghiệp đóng tàu Nga, và sự hiện diện gia tăng của các thế lực khác – gồm Mỹ, Trung Quốc – đã và đang thách thức tham vọng của Kremlin.

“Mỹ cần tăng cường vị thế đối đầu với ý đồ kiểm soát tuyến đường biển ở Bắc Cực của Nga và kiềm chế những năng lực của Trung Quốc,” Bugajski nêu.

Dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa qua cho rằng thật sai lầm khi gọi Trung Quốc là “anh cả” của Nga, Bugajski tin rằng Moskva đang trở thành “đàn em” của Bắc Kinh. Theo ông, việc phương Tây đe dọa trừng phạt nghiêm khắc hơn với Nga – bao gồm lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch – nếu Moskva leo thang sức ép quân sự với các láng giềng châu Âu, sẽ đẩy nền kinh tế Nga phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc. Điều này có thể làm gia tăng giận dữ ở Moskva và gây chia rẽ chính trị với Bắc Kinh – mà Mỹ có thể khai thác như một lợi thế chiến lược.

RELATED ARTICLES

Tin mới