Các nhà phân tích cho biết các quốc gia châu Âu đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông để đảm bảo các quyền tự do hàng hải trong khu vực chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Cho đến tận vài năm trước, các nước châu Âu vẫn muốn duy trì một vị thế lặng lẽ ở các vấn đề an ninh trong khu vực Đông Á, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại họ cần gấp rút tham gia”, theo ông Frans-Paul van der Putten, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Clingendael, một cơ quan nghiên cứu độc lập ở Hà Lan.
Ông cho biết: “Việc cử các tàu chiến tới Biển Đông có thể mang lại cho các chính phủ châu Âu nhiều đòn bẩy hơn trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc tại các vấn đề địa chính trị gần gũi với châu Âu hơn”.
Nhà nghiên cứu nói thêm: “Từ lâu, Châu Âu đã quen với việc nằm giữa hai cường quốc – Hoa Kỳ và Nga – nhưng mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xác định vị trí địa chính trị của châu Âu. Điều này tạo ra những tình huống khó xử mới cho các chính phủ châu Âu, vốn đang chịu áp lực gia tăng về việc phải lựa chọn giữa các bên”.
Bình luận về động thái của Anh-Pháp-Đức, ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự SIPRI ở Thụy Điển, cho biết: “Họ có lợi ích thương mại… Nếu có sự cố ở Biển Đông, các nền công nghiệp châu Âu tương ứng sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo SCMP, Anh Quốc rất muốn khẳng định quyền tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế, họ đã cùng với các đồng minh của Mỹ và Úc thẳng thắn bảo vệ các quyền lợi như vậy chống lại một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Năm ngoái, Anh tuyên bố nước này có kế hoạch gửi tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi con tàu lần đầu tiên đi vào hoạt động, dự kiến vào năm 2020 hoặc 2021.
Bà Sarah Raine, chuyên gia tư vấn cao cấp về địa chính trị và chiến lược tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Luân Đôn, cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) muốn tham gia vào các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Bà nói: “Đây là một kết quả tự nhiên của thực tế là ở châu Á, EU đã chán ngấy với việc bị đối xử không hơn gì một đối tác thương mại và không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn của lục địa, mặc dù EU có lợi ích quan trọng ở đó”.