Các cư dân trên đảo đã từ chối đề nghị này bởi họ nghi ngờ số tiền của Trung Quốc sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Ngư dân trên đảo Isla Perico, Salvador. Hòn đảo này là nơi cư trú của 38 hộ dân và hiện đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Ảnh: NYT
Lời đề nghị đáng kinh ngạc
Hơn một năm trước, người dân El Salvador đã nhận được lời đề nghị hết sức kinh ngạc: Mỗi hộ gia đình sống ở Isla Perico – một hòn đảo xa xôi hẻo lánh của El Salvador sẽ nhận được 7.000 USD để chuyển vào đất liền sinh sống.
Động thái này nhằm thực hiện kế hoạch của Trung Quốc: Biến vùng đất nghèo khó ở Trung Mỹ thành trung tâm sản xuất và thương mại quốc tế, theo The New York Times (Mỹ-NYT). Tuy nhiên, các cư dân trên đảo đã từ chối đề nghị này bởi họ nghi ngờ số tiền của Trung Quốc sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
“Chúng tôi có thể đi đâu cơ chứ?”, bà Mercedes Hernández bế một đứa trẻ một tuổi và nói. “Chúng tôi có cuộc sống riêng ở đây”.
Trong những tháng sau đó, 38 hộ dân trên đảo vô hình trung bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington. Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc giành được chỗ đứng chiến lược ở “ngay trước cửa nhà” – tức quốc gia nghèo Trung Mỹ này.
Các quan chức Mỹ ở El Salvador đã phát động một cuộc tấn công, nhằm ngăn chặn nỗ lực giành ảnh hưởng của Bắc Kinh và coi Bắc Kinh là một đối tác thiếu tin cậy với nhiều động cơ phía sau.
Theo NYT, trong thập kỷ qua, Mỹ đã luôn lo ngại việc Trung Quốc gây ảnh hưởng tới phần lớn châu Mỹ Latinh thông qua mạng lưới cho vay và thương mại ngày càng tăng.
Khi Trung Quốc nổi lên như một đối tác tương lai của El Salvador, nhiều nhà phê bình cho rằng, những lệnh cấm của chính sách về nhập cư của Tổng thống Donald Trump ngược lại dường như đang hỗ trợ Trung Quốc. Nhưng theo NYT, sau đó, Mỹ đã thay đổi chiến lược.
Trong các cuộc phỏng vấn, gặp gỡ các nhà lãnh đạo và bài viết trên truyền thông, các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển. Đại sứ Mỹ từng ám chỉ rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự ở El Salvador.
“Thỏa thuận giữa Trung Quốc và El Salvador luôn được tiến hành thảo luận kín giữa một nhóm cá nhân nhỏ, không có sự tham gia của công chúng hoặc đại diện nào trong các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng bởi các thỏa thuận này”, bà Jean Manes, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Mỹ tại El Salvador chỉ trích.
Bà cũng nói rằng Trung Quốc “hiếm khi quan tâm đến triển vọng kinh tế dài hạn hoặc tác động môi trường đối với các nước đang phát triển khi Bắc Kinh thúc đẩy các kế hoạch của mình.
Với những cảnh báo từ Mỹ và sự phản đối của cư dân Isla Perico, các kế hoạch của Trung Quốc đã bị đình trệ – ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Cơ quan lập pháp El Salvador đã đình chỉ một dự luật của Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại El Salvador Âu Tiễn Hồng, liên tục từ chối yêu cầu phỏng vấn của NYT, đại sứ quán cũng không trả lời các câu hỏi qua e-mail. Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, bà Âu Tiễn Hồng chỉ trích những cảnh báo của Washington là “vô trách nhiệm và vô căn cứ”.
Trung Quốc đã tìm kiếm một tuyến đường thương mại khác đến Kênh đào Panama và tăng cường ảnh hưởng thương mại trong khu vực, một thỏa thuận cho phép Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch của mình.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào ít nhất 60 dự án cảng ở Mỹ Latinh bởi theo họ các đặc khu này sẽ tạo cho Trung Quốc một lợi ích giá trị để mở rộng sức mạnh quân sự và tình báo ở các khu vực gần Washington.
Sự hoài nghi chưa thể dập tắt
Đối với El Salvador, thỏa thuận đi kèm với sự đánh đổi đáng kể và để lại một số câu hỏi chưa được giải đáp.
Trung Quốc đã yêu cầu thuê một khu đất có diện tích 1.076 dặm vuông trong vòng 100 năm – chiếm 13% diện tích của El Salvador – và đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc phải được miễn thuế trong vòng 30 năm.
Các chi tiết về cấu trúc tài chính không được tiết lộ công khai khiến nhiều người dân El Salvador lo ngại rằng, đất nước của họ có nguy cơ phải chịu sức ép kinh tế từ Bắc Kinh trong nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng El Salvador vào mùa hè năm ngoái dù Washington đã tụt lại phía sau rất xa, theo NYT.
Trước đó, chính quyền Washington đã đình chỉ các dự án viện trợ ở El Salvador, Honduras và Guatemala, trong khi Đại sứ Trung Quốc Âu Tiễn Hồng cho biết, Bắc Kinh đã ký 13 thỏa thuận hợp tác về cơ sở hạ tầng, đầu tư, công nghệ, giáo dục, văn hóa và du lịch với El Salvador.
“Hợp tác giữa Trung Quốc và El Salvador không phải là một ‘cái bẫy nợ’, mà là ‘miếng bánh vì lợi ích của hai dân tộc'”, bà này nói trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã.
Đầu tháng 7/2018, Tổng thống El Salvador khi đó, ông Sánchez Cerén, đã đệ trình một dự luật lên quốc hội, yêu cầu thiết lập một khung pháp lý cho đặc khu kinh tế bao gồm 26 thành phố thuộc bờ biển phía Đông Nam.
Tuy nhiên, theo NYT, đây là dự luận được điều chỉnh theo kế hoạch mà Trung Quốc đã âm thầm thúc đẩy trong nhiều tháng, bao gồm điều khoản chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Đến tháng 8 năm ngoái, trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Sánchez Cerén tuyên bố chấm dứt quan hệ với Đài Loan, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông kỳ vọng một kỷ nguyên mới sẽ mang lại lợi ích và những cơ hội lớn chưa từng có cho El Salvador.
Các ngân hàng Trung Quốc hiện là nhà cho vay chính ở Mỹ Latinh, cung cấp khoản vay hơn 140 tỷ USD từ năm 2005 đến 2018.
Thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribê đã tăng vọt từ 17 tỷ USD năm 2002 lên gần 306 tỷ USD trong năm 2018.
Báo Mỹ cho hay, măm 2009, Trung Quốc thể hiện ý định mở rộng đầu tư và thương mại ở Mỹ Latinh – khu vực rất giàu hàng hóa và rất cần nâng cấp cơ sở hạ tầng. Chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó không có nhiều biện pháp để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở khu vực này.
Ngay sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016, Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch chính sách mới đối với khu vực Mỹ Latinh, cho thấy một tầm nhìn tham vọng hơn.
Kế hoạch mới này thể hiện mong muốn thiết lập liên minh quân sự với các nước Mỹ Latinh và cho thấy Trung Quốc muốn trở thành lực lượng dẫn đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và an ninh mạng, NYT cho biết, Bắc Kinh đang rất nỗ lực để hoàn thành kế hoạch này.
Theo đó, Trung Quốc bắt đầu giải ngân gói viện trợ 150 triệu USD. Động thái ban đầu bao gồm việc mua 10 xe tải cho nhà máy nước San Salvador và tặng 15.000 máy tính xách tay cho các trường công lập.
Ana Guadalupe, một cư dân 56 tuổi ở quận Santa Fe, thủ đô San Salvador cho biết, hệ thống cấp nước địa phương liên tục gặp trục trặc và thiếu tin cậy cho đến khi những chiếc xe tải mới bắt đầu giao nước vào mỗi thứ Ba và thứ Bảy.
“Có rất nhiều nơi không có nước”, cô nói vào một buổi chiều gần đây khi các công nhân của nhà máy nước sử dụng một vòi lớn phân phát nước từ một chiếc xe tải được gắn cờ Trung Quốc. “Nếu không có nước, chúng tôi không thể sống được”.
Sara Cruz, một giáo viên tin học tại trường Francisco Morazan, cho biết học sinh của cô đã cải thiện nhận thức kể từ khi nhận được những chiếc máy tính xách tay mới từ Trung Quốc.
“Trước đây, những thứ sản xuất tại Trung Quốc được coi là kém chất lượng và bị coi thường”, cô nói những chiếc máy tính xách tay mới đã thay đổi suy nghĩ của cô. “Trước đây, chúng tôi chỉ có thể dạy lý thuyết thay vì thực hành”.
Tuy nhiên, những động thái này không đủ niềm tin để xóa bỏ những nghi ngờ của El Salvador, trái lại sự hoài nghi càng gia tăng khi Mỹ cáo buộc những dự án cảng biển của Trung Quốc là kết quả của các cuộc đàm phán bí mật.
NYT cho biết, mặc dù Trung Quốc tỏ ra rất thiện chí với những khoản tài trợ vào các dự án hào nhoáng nhưng quốc hội El Salvador chưa thể thông qua dự luật đặc khu kinh tế bởi thái độ thận trọng của các nghị sĩ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 2 vừa qua.
Vào tháng 8 năm ngoái, các nhà lập pháp El Salvador đã thông qua dự luật cấm bán đảo cho người nước ngoài, một phản ứng đáp trả luồng thông tin cho rằng các doanh nhân Trung Quốc đang nỗ lực giành mua đảo Isla Perico và một hòn đảo gần đó.
Trong khi đó, ngay trước khi nhậm chức vào ngày 1/6, tân Tổng thống Nayib Bukele đã tiết lộ rằng ông không có hứng thú với các dự án lớn của Trung Quốc mặc dù ông cam kết sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư cho người dân địa phương.
Ông cho rằng, người Trung Quốc đến với những dự án không khả thi và sau khi họ rời đi thì quốc gia bản địa phải chịu khoản nợ lớn khó trả và chịu sức ép về kinh tế từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, El Salvador cần nhận ra vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu. Phát biểu của ông được đưa ra sau vài tuần lên nắm quyền.
Một số quan chức Mỹ lo ngại, trong tương lai, các hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển trong khu vực do Trung Quốc xây dựng sẽ hấp dẫn El Salvador và các nước láng giềng.
“Với thiện chí của mỗi bên, mối quan hệ Trung Quốc-El Salvador sẽ biến từ một cây bụi thành một cây xanh tươi tốt”, bà Đại sứ Trung Quốc viết trong một bài bình luận được đăng tải trên một tờ báo địa phương. “Hợp tác song phương sẽ thơm ngon và hấp dẫn như cà phê Salvador, sẽ ngọt ngào và quyến rũ như đường của quốc gia xinh đẹp này”.