Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiSòng bạc mọc lên như nấm, dân nghèo lặng lẽ rời đi...

Sòng bạc mọc lên như nấm, dân nghèo lặng lẽ rời đi vì tiền TQ: Canh bạc lớn của thành phố biển Campuchia liệu có đáng?

Thành phố biển Sihanoukville của Campuchia đang mạo hiểm đánh cược chính tương lai của họ trong một canh bạc lớn khi nhận tiền đầu tư của Trung Quốc, SCMP bình luận.

Công nhân Campuchia tại môt công trường xây dựng ở Sihanoukville. Ảnh: AFP.

Tọa lạc ở nơi cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hơn 3.500km, nhưng thành phố Sihanoukville của Campuchia lại có không khí giống như một thành phố của Trung Quốc, chứ không giống với những thị trấn ven biển buồn tẻ thường thấy, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hong Kong) nhận định.

Ở Sihanoukville hiện nay có thể bắt gặp người nói tiếng Trung Quốc (Phổ thông) ở khắp nơi, và các nhà hàng Trung Quốc thì mọc lên như nấm bên những con đường đầy bụi đất gần các công trình xây dựng – trong đó bao gồm nhiều dự án xây dựng khách sạn và hơn 80 sòng bạc.

Vốn là một làng chài nằm ở phía Tây Nam của Campuchia, Sihanoukville từng là điểm đến yêu thích của dân du lịch bụi. Giờ đây thành phố này ngày càng “bùng nổ”, và phần lớn sự phát triển ấy đều nhờ vào tiền của Trung Quốc.

Người Trung Quốc bắt đầu đổ xô tới thành phố biển này của Campuchia vào khoảng 3 năm trước nhờ vào chính sách nhập cư được nới lỏng, và khi đó cũng là thời điểm chính phủ Campuchia tìm kiếm thêm các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Theo Thị trưởng Sihanoukville Y Sokleng, hiện nay cộng đồng người Trung Quốc tại Sihanoukville đã tăng lên tới con số 80.000 người, gần bằng số người Campuchia sinh sống tại thành phố này.

Tương đương với con số trên, hiện nay gần 90% các cơ sở kinh doanh trong thành phố – từ khách sạn, casino tới nhà hàng và các tiệm massage – đều do người Trung Quốc quản lý và vận hành, SCMP dẫn lời cảnh sát trưởng Chuon Narin.

Tuy nhiên, mặc dù làn sóng đầu tư Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội, nhưng nó cũng mang tới nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Sihanoukville.

Theo giới chức địa phương, những vấn nạn như cờ bạc, mại dâm và buôn lậu ma túy đang hoành hành tại thành phố biển này. Trong khi đó, một vụ sập nhà chết người mới đây đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ tại Sihanoukville về chất lượng và sự an toàn của các công trình xây dựng của Trung Quốc. Ngoài ra, giá thuê nhà tăng cao đã đẩy nhiều người nghèo ra khỏi thành phố này.

Dân bản địa giận dữ

Hồi tháng 6 vừa qua, một tòa nhà 7 tầng thuộc sở hữu của người Trung Quốc đã bất ngờ đổ sập trong lúc các công nhân đang say ngủ, khiến 28 người Campuchia thiệt mạng. Sau vụ việc này, Thị trưởng thành phố đương nhiệm là ông Yun Min đã từ chức, và một cuộc điều tra toàn diện cũng đã được thực hiện trên quy mô toàn thành phố.

Sau khi cuộc điều tra được thực hiện, 22 công trường xây dựng – khoảng 10% số dự án đang được thi công tại Sihanoukville – không có giấy phép đã phải ngừng hoạt động, và hầu hết các dự án này đều do người Trung Quốc sở hữu.

Không chỉ có vậy, hai tòa nhà mới xây do người Trung Quốc sở hữu cũng nhận được lệnh phải phá dỡ, sau khi những vết nứt lớn và hiện tượng sụt lún xuất hiện tại hai tòa nhà này.

Thị trưởng Y Sokleng cho biết những vấn đề về an toàn tại các công trình này – như việc nhà thầu Trung Quốc dùng vật liệu xây dựng không đủ tiêu chuẩn đã khiến người dân bản địa vô cùng giận dữ.

Sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng còn khiến môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, theo Alex Gonzalez-Davidson, một nhà hoạt động tại trung tâm Mother Nature Cambodia, khẳng định.

Theo ông Gonzalez-Davidson, vấn đề môi trường càng trở nên trầm trọng hơn do các dịch vụ công cộng của Sihanoukville (điện, nước, xử lý rác thải) không thể đáp ứng được tốc độ xây dựng các tòa nhà và cơ sở kinh doanh tại thành phố này.

“Hiện nay [Sihanoukville] đang phải đối mặt với khủng hoảng rác thải ngày càng nghiêm trọng. Rác thải thường bị để bên ngoài trời nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần trước khi được thu gom, sau đó chúng được đưa tới bãi rác ở ngoại ô thành phố, nơi chỉ có hai cách xử lý truyền thống là đốt rác hoặc để chúng tự phân hủy”, nhà hoạt động này nói.

Ngoài những vấn nạn kể trên, tỉ lệ tội phạm tại Sihanoukville cũng ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ năm 2017 – 2018, tỉ lệ tội phạm của thành phố này đã tăng 25%.

Tháng 7 vừa qua, một người phụ nữ Trung Quốc 25 tuổi làm việc tại một sòng bạc đã bị bắn chết trên đường khi trở về nhà vào đêm muộn. Cảnh sát thành phố vẫn đang tiếp tục truy tìm 3 kẻ tình nghi. Trước đó 2 tháng, một người đàn ông Trung Quốc đã bị bắn chết giữa ban ngày, nhưng cảnh sát đã bắt giữ được 2 kẻ thủ phạm (cũng là người Trung Quốc) trong vụ việc này.

Những vụ việc trên đã khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng 8 vừa qua phải ban hành cảnh báo đối với khách du lịch Trung Quốc khi họ tới Sihanoukville. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành du lịch Campuchia và vẫn trên đà tăng trưởng. Năm ngoái, số du khách Trung Quốc tới Campuchia là khoảng 1,9 triệu người, tăng 700.000 người so với năm 2017.

Trong khi đó, để đối mặt với vấn nạn buôn lậu ma túy, mại dâm và đánh bạc trái phép, Campuchia đã kí kết một hiệp ước thi hành luật pháp với Trung Quốc vào tháng 3 năm nay để xử lý các tội phạm xuyên quốc gia.

Tháng 7 vừa qua, trong một cuộc đột kích rạng sáng vào một hộp đêm do người Trung Quốc sở hữu, cảnh sát Sihanoukville đã bắt giữ 146 người, trong đó phần lớn là công dân Trung Quốc, do nghi ngờ những người này sử dụng và buôn bán ma túy. Cảnh sát cũng thu giữ được 44g ketamine và 54g thuốc lắc trong vụ đột kích này.

Chỉ tính từ giữa tháng 7 đến nay, hơn 500 người có quốc tịch Trung Quốc đã bị bắt giữ tại Sihanoukville và trục xuất về nước, hầu hết đều có liên quan tới lừa đảo trên mạng, SCMP trích dẫn thông tin được truyền thông địa phương đăng tải.

“Điều bất ổn”

Các sòng bạc mọc lên như nấm ở Sihanoukville dù người Campuchia bị cấm đánh bạc – 48 trong số các cơ sở này được vận hành bởi người Trung Quốc và đều phục vụ người nước ngoài – là một phần lớn nguyên nhân gây ra những vấn đề xã hội tại thành phố này.

Vào tháng 2 năm nay, Đội Đặc nhiệm Tài chính quốc tế đã đưa Campuchia vào danh sách theo dõi, sau khi kết luận rằng quốc gia này có nhiều “lỗ hổng chiến lược” trong năng lực chống lại vấn nạn rửa tiền và khủng bố tài chính.

Nhà hoạt động Gonzalez-Davidson cho rằng “các hoạt động cờ bạc và bất động sản chưa được kiểm soát” có thể khiến Sihanoukville trở thành trung tâm mới cho các hoạt động phi pháp và tội phạm lộng hành.

“Gần đây chính quyền công bố thành phố này hiện có 88 sòng bạc, trong khi 4 năm trước họ thậm chí còn chưa có đến 5 cơ sở. Rõ ràng có điều gì đó không ổn ở đây”, ông Gonzalez-Davidson nói.

Trong khi đó các nhà sản xuất thì than phiền rằng họ đang thiếu công nhân vì các sòng bạc này.

Nhà máy sản xuất các bộ phận ô tô của ông Kong Linghu là một trong số 160 nhà máy nằm trong khu vực kinh tế đặc biệt do Trung Quốc quản lý, thuộc khuôn khổ dự án Vành đai và Con đường. Hơn 30.000 người Campuchia đang làm việc trong các nhà máy này, tuy nhiên ông Kong cho biết hiện nay việc tìm kiếm lao động đang trở nên ngày càng khó khăn hơn.

“So với các nhà máy, thì làm việc trong các sòng bạc hấp dẫn giới trẻ hơn nhiều, vì môi trường làm việc ở đó tốt hơn, thu nhập tốt hơn và họ cũng được ăn vận đẹp đẽ khi đi làm nữa”, ông Kong nói.

Mặc dù vậy, Thị trưởng Y Sokleng vẫn bênh vực các sòng bạc. Ông nói rằng người dân địa phương vẫn bị cấm đánh bạc tại các cơ sở này theo quy định của pháp luật, và khẳng định người Trung Quốc cùng khoản tiền đầu tư của họ nhìn chung vẫn được hoan nghênh tại Sihanoukville.

“Sihanoukville là trạm dừng quan trọng trong dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chúng tôi chính là cầu nối giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác”, ông Y Sokleng nói.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia hiện nay, với số vốn đầu tư chiếm khoảng 30% tổng đầu tư nước ngoài vào Campuchia năm 2016 (3,6 tỉ USD), theo Hội đồng Phát triển Campuchia.

Dân bản địa thấy “cơ hội”

Một số người dân địa phương đã nắm bắt cơ hội khi Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào Sihanoukville, SCMP đưa tin.

Anh Tem Ban, một tài xế xe tuk-tuk 33 tuổi đã rời bỏ làng quê gần Phnom Penh để tìm kiếm cơ hội kiếm nhiều tiền hơn tại Sihanoukville. Anh nói rằng mình rất thích sự phát triển nhanh chóng tại thành phố này, và hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tới đây hơn nữa.

“Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 30 USD, và gửi về cho gia đình khoảng 500 USD mỗi tháng. Tôi tới đây vì đây là nơi tôi có thể kiếm tiền – và tôi còn muốn kiếm được nhiều hơn thế”, Tem Ban nói. Được biết, Tem Ban thường ngủ trong xe tuk-tuk của mình để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình.

Nhân viên bất động sản Sorn Lidy, 25 tuổi, làm việc cho một nhà phát triển Trung Quốc, cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể kiếm được nhiều tiền từ sự phát triển bùng nổ của Sihanoukville. Cô tiết lộ rằng thu nhập mỗi tháng của cô lên đến 1.000 USD nhờ làm thêm công việc phiên dịch cho các thương nhân Trung Quốc.

Bou Saroeun, một người bán đồ ăn vặt và tạp hóa gần một ngôi đền, cho biết ông này đã phải thuê ngôi nhà đang kinh doanh từ chủ thuê người Trung Quốc với giá 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, cửa hàng của ông thu được khá nhiều lợi nhuận “do lượng khách du lịch Trung Quốc tăng lên”. “Tôi thường khuyên 5 đứa con của mình rằng chúng cần phải học tiếng Trung thật tốt để có tương lai tốt đẹp hơn”, ông Saroeun nói.

Tiền thuê nhà đắt đỏ

Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của Sihanoukville.

Bà Maggie Eno, điều phối viên của quỹ bảo trợ trẻ em M’Lop Tapang, cho biết, thực tế các gia đình và trẻ nghèo phải chịu rất nhiều gánh nặng trước sự phát triển nhanh chóng của Sihanoukville.

“Những gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp tục sinh sống tại khu vực trung tâm, vì tiền thuê nhà đã trở nên quá đắt đỏ. Họ buộc phải chuyển ra vùng ngoại ô và sống trong những nơi vô cùng tồi tàn. Họ cũng không thể đi vào thành phố vì giao thông quá tồi tệ. Chưa hết, dù họ phải chuyển ra ngoại thành và sống ở những nơi kinh khủng như vậy, họ vẫn phải trả tiền thuê lên đến 200 USD/tháng, trong khi 3 năm trước, họ chỉ phải trả 30 USD cho một căn nhà như vậy”, bà Eno nói.

“Khi giới chức nói về chuyện phát triển, họ chỉ nghĩ tới những tòa nhà và cơ sở kinh doanh to lớn mà không nghĩ đến người dân. Con đường phát triển đó chắc chắn sẽ thất bại, vì họ đã làm sai cách khi không quan tâm tới người nghèo. Và chính các khoản đầu tư của Trung Quốc là chất xúc tác dẫn tới thất bại ấy”, theo bà Eno.

RELATED ARTICLES

Tin mới