Khắp vành đai công nghiệp phía Nam Trung Quốc, tầng lớp lao động đang phải chịu đựng nhiều áp lực, từ những chủ cửa hàng ở Thâm Quyến và tiểu thương bán thịt lợn Nam Ninh cho đến công nhân nhà máy ở Đông Quan. Và chính ông Tập Cận Bình cũng vậy.
Cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ, những cuộc biểu tình ở Hồng Kông, giá thực phẩm tăng vọt và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ là một trong những vấn đề mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt trước thềm Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Nhân dân Trung Hoa. Thoạt nhìn, mọi thứ dường như vẫn ổn: các con phố đều được dọn dẹp sạch sẽ, an ninh thắt chặt hơn trước ngày lễ 1/10, khi đó ông Tập sẽ chủ trì một buổi diễu hành quân sự và có bài phát biểu quan trọng.
Dẫu vậy, những gì đang thực sự diễn ra lại không đáng mừng đến vậy, đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc trải dài từ biên giới đến vùng Đồng bằng Châu Giang. Đông Quan đang phải chịu sự thay đổi do thuế quan của Mỹ, trong đó có Thâm Quyến – quê hương của nhiều “kỳ lân” công nghệ. Và ngay bên kia là những cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông, cùng Nam Ninh – nơi bắt đầu hứng chịu cảnh khủng hoảng thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao về vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định: “Ông Tập đang phải đối mặt với vô số vấn đề không mấy thuận lợi ở cả trong và ngoài nước. Bất kỳ vấn đề nào ở đây cũng có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Do đó, trong khi nắm chắc quyền lực trong tay, nhưng ông ấy cũng không thể vui mừng khi theo dõi cuộc diễu hành ở sự kiện lớn sắp tới.”
Khủng hoảng thịt lợn
Trong các cuộc phỏng vấn với hơn 50 người tại 3 thành phố phía nam Trung Quốc hồi tháng này, hầu hết trong số đó đều chia sẻ nỗi lo về chi phí sinh hoạt. Trước đây, nhiều người nói về sự khó khăn ngày càng lớn dần mỗi ngày, trong khi phải tránh việc bị kỷ luật công khai. Và giờ đây, có lẽ không điều gì khiến họ trăn trở hơn là tình trạng giá thịt lợn tăng vọt.
Tại khu chợ bán đồ tươi Weizilu tại Nam Ninh – thành phố thuộc tỉnh Quảng Tây, các biện pháp kiểm soát được đưa ra để kìm hãm tình trạng giá tăng vọt đồng nghĩa với việc các tiểu thương đang chịu lỗ khi tiếp tục buôn bán. Khu chợ này là một trong 10 nơi phải áp dụng những biện pháp hạn chế khẩn cấp vào hồi đầu tháng, lệnh giới hạn vẫn là số lượng thịt được bán và với mức giá như thế nào.
Một tiểu thương họ Huang chia sẻ: “Những chủ cửa hàng không hài lòng với chính sách này, nhưng nó lại rất tốt cho người mua.” Huang ước tính chị đã lỗ khoảng 200 tệ (28 USD) cho mỗi con lợn. Chị cho biết các nhà cung cấp cũng được thông báo rằng các khoản trợ cấp sắp đến tay các tiểu thương, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai nhận được.
Sự bùng phát của dịch tả lợn đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc rơi vào tình cảnh hoang mang, đẩy mạnh giá thịt lợn lên gần 50% trong tháng 8. Trong khi đó, thịt lợn là một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của họ. Tình trạng giá thịt lợn tăng đột biến cũng khiến những sản phẩm khác đắt đỏ hơn và có thể sẽ còn kéo dài trong năm tới.
Ngay cả việc nhập khẩu thịt lợn trên toàn thế giới cũng không đủ để bù đắp cho con số thiếu hụt ở Trung Quốc là 10 triệu tấn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa phát biểu hồi đầu tháng này. Ông nói: “Nếu giá thịt lợn vẫn tăng quá nhanh thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Hơn nữa tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến không khí hứng khởi khi cả nước kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng.”
Nhận thấy việc giá thịt lợn tăng vọt có thể khiến người dân bất bình, giới chức Trung Quốc đã tìm mọi cách để bổ sung nguồn cung: từ việc cung cấp cho thị trường thịt lợn dự trữ trong dịp lễ sắp tới, cho đến sử dụng “tinh trùng lợn chất lượng cao” lấy từ Bắc Âu để thúc đẩy việc phối giống chăn nuôi. Nhiều quan chức cấp cao tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng thịt lợn tại quê nhà cũng thừa nhận rằng việc chính quyền địa phương che giấu chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn, họ đảm bảo với người dân rằng giá cả sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Bất ổn không chỉ ở trong nước, mà còn đến từ bên ngoài
Tại vùng biên giới gần Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh đã có những bước đi để bảo vệ đại lục khỏi các cuộc biểu tình và kiểm soát luồng thông tin để tránh tình trạng bất ổn tương tự có thể xảy ra ở Trung Quốc. Sự căng thẳng này đã khiến các công dân Trung Quốc không muốn đến Hồng Kông qua con đường nối với Thâm Quyến, khi công tác kiểm tra an ninh ở khu vực này bị thắt chặt. Các hoạt động kinh doanh quanh đây cũng trì trệ hơn.
Một đám mây đen khác bao trùm sự kiện trọng đại của Trung Quốc đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong bối cảnh áp lực gia tăng từ 2 phía khi cần đi đến một thoả thuận để tránh những tổn thất cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cuộc đàm phán cấp cao được nối lại, tìm kiếm giải pháp cho cả hai bên có thể xoa dịu những thiệt hại về kinh tế, dù không thể giải quyết được toàn bộ mâu thuẫn.
Cho đến hiện tại, thoả thuận thương mại vẫn là điều xa vời, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí vẫn tồn tại ngay cả khi thoả thuận được kí kết. Tại Hồng Kông, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ đi đến hồi kết, dù Trưởng đặc khu Carrie Lam quyết định loại bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Hơn nữa, trong khi Bắc Kinh đã đưa ra những biện pháp nhằm kìm chế sự gia tăng của giá thịt lợn, thì có nhiều yếu tố vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát như số lượng lợn nái có khả năng sinh sản sụt giảm rất mạnh.
Trey McArver, đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China, cho hay: “Ông Tập đang đối mặt với thời điểm nhiều thách thức nhất kể từ khi nhậm chức.” Cho đến nay, mọi biện pháp tiếp cận là “tương đối thực dụng và thận trọng.”