Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu khu trục Asagiri của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản
Đài NHK của Nhật Bản cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.
Tàu khu trục Asagiri của Nhật Bản có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.500 tấn, đầy tải 4.900 tấn; dài 137m; rộng 14,6m, mớn nước 4,5m. Hệ thống động lực gồm 4 động cơ turbine khí công suất 54.000 mã lực cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); tầm hoạt động 8.030 hải lý (14.870 km) khi chạy với tốc độ 14 hải lý/h (26 km/h); thủy thủ đoàn 220 người. Khu trục hạm cỡ nhỏ (frigate) lớp Asagiri (lấy lại tên của tàu khu trục Hải quân Đế quốc Nhật Bản thời chiến tranh thế giới II) gồm tất cả 8 tàu mang số hiệu từ DD-151 đến DD-158, được đóng trong giai đoạn từ 1986 – 1989. Hiện tại 2 tàu DD-151 Asagiri và DD-152 Yamagiri đã được hoán cải thành tàu huấn luyện và đổi số hiệu thành TV-3516 và TV-3515.
Asagiri là phiên bản mở rộng của lớp tàu khu trục Hatsuyuki thế hệ trước với nhiệm vụ chủ yếu là chống tàu nổi và chống ngầm. Những cải tiến chủ yếu bao gồm: thay thế hệ thống động cơ turbine khí kết hợp Kawasaki-Rolls-Royce Spey SM1A công suất cao hơn; trang bị radar tìm kiếm bề mặt OPS-28 (tương tự radar tìm kiếm Mk-32 của Mỹ) có năng lực tốt hơn. Các tàu về sau còn được trang bị radar tìm kiếm trên không 3 tham số OPS-24 – loại radar mảng pha quét điện tử đầu tiên trang bị cho tàu chiến và tích hợp hệ thống quản lý tác chiến OYQ-7 với OYQ-101, hệ thống C4I và hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến hơn. Vũ khí của Asagiri gồm 1 pháo Otobreda 76mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx và 1 bệ phóng Mk-29 để bắn tên lửa đối không tầm ngắn Sea Sparrow. Năng lực chống ngầm của tàu khu trục lớp Asagiri rất đáng nể nhờ được trang bị sonar OQS-4A kết hợp với sonar kéo OQR-1 cùng rocket chống ngầm Mk-16 ASROC, 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm HOS-302A. Nhà chứa của tàu cho phép mang theo 2 trực thăng nhưng thực tế thường chỉ mang được 1 trực thăng chống ngầm SH-60J(K) trong các chuyến hải trình.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã, đang tích cực đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy giải quyết hòa bình, theo luật quốc tế các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Nhật Bản quan ngại và tìm cách duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực là do Tokyo có lợi ích gắn chặt với khu vực Biển Đông trên nhiều mặt như kinh tế, thương mại, ổn định về chính trị, an ninh và giao thông hàng hải. Về khía cạnh an ninh, quân sự, Nhật Bản là một nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vùng biển giáp với Biển Đông, vì vậy sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Lãnh đạo Nhật đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo trật tự hòa bình không để xảy ra xung đột leo thang toàn khu vực. Một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, nhiều khả năng nhiều nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến gây bất ổn toàn bộ khu vực, làm tắc nghẽn tuyến giao thông hàng hải ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Nhật cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay đã không còn đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã chuyển thành vấn đề an ninh cho toàn khu vực mà Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước khác đều phải can dự. Về khía cạnh kinh tế, theo số liệu thống kê, Biển Đông có tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản; hiện có khoảng 42% hàng hóa của Nhật Bản, chủ yếu là nguyên liệu dầu mỏ, than đá, quặng… đi qua Biển Đông. Nếu tuyến đường giao thông hàng hải qua Biển Đông bị tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản. Về quan hệ đồng minh, lợi ích chính trị của Nhật Bản đối với đồng minh Mỹ cũng không kém phần quan trọng so với lợi ích về kinh tế thương mại của Nhật Bản trong khu vực Biển Đông. Mỹ là đồng minh số 1 của Nhật Bản tại châu Á – Thái Bình Dương; các lợi ích về an ninh của Nhật Bản và Mỹ có nhiều điểm tương đồng. Về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông, Mỹ đã nhiều lần cam kết sẽ áp dụng Điều 5 của Hiệp ước đồng minh giữa hai nước đối với cả quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang có tranh chấp với Trung Quốc. Mặt khác, lợi ích của Mỹ liên quan đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng tương đồng với Nhật Bản. Mỹ cần đảm bảo tự do thương mại trên biển và tự do trong việc di chuyển hải quân ở các vùng biển và Nhật Bản thấy cần đảm bảo con đường tự do thương mại không bị cản trở bởi bất cứ nước nào. Tokyo nhìn nhận rằng nếu để trật tự trên biển tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông bị tác động bởi các hành động có tính “cưỡng chế”, sẽ có những tác động bất lợi không chỉ ảnh hưởng tại Tây Thái Bình Dương mà cả trên phạm vi toàn cầu. Do đó, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động tự do hàng hải của đồng minh Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Từ năm 2010 đến nay, Nhật Bản đã có sự điểu chỉnh chính sách quốc phòng mang tính chủ động, linh hoạt và mang tính tấn công. Vì vậy chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông hiện nay được thể hiện qua việc chủ động, tích cực tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, ngoại giao, kinh tế với ASEAN, các nước liên quan tranh chấp Biển Đông và Mỹ. Về quan hệ đa phương, phương thức hữu hiệu của Nhật Bản là tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương của ASEAN. Đối với phương thức này, Nhật Bản luôn tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế an ninh do ASEAN làm chủ đạo, như ARF, ADMM, EAS. Mục tiêu là giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, gây áp lực lên Trung Quốc nhằm phân tán sự chú ý cũng như triển khai hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Đông. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia tranh chấp trong khu vực về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chủ động đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hàng hải. Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh biển, Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tận dụng và chủ động nêu vấn đề tại các cơ chế, diễn đàn khác mà Nhật Bản có vai trò ảnh hưởng như Hợp tác sông Mê-Kông mở rộng, G7. Về quan hệ song phương, Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ song phương, đẩy mạnh sự hỗ trợ và ủng hộ của mình đối với các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, hỗ trợ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bao gồm cả phần cứng (như tàu tuần tra) và phần mềm (huấn luyện) thông qua nguồn hỗ trợ ODA và chương trình mới về hỗ trợ quốc phòng trong khuôn khổ mục tiêu Định hướng chương trình Quốc phòng quốc gia (NDPG) mà Nhật Bản đưa vào thực hiện từ năm 2010.
Không những vậy, Nhật Bản kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia… Ngoài ra, Nhật Bản cũng cố gắng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gần như trong mọi diễn đang quốc tế. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản đều nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong quá trình triển khai chính sách liên quan vấn đề Biển Đông, Nhật Bản đã có những bước điều chỉnh chiến lược để phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quan hệ với các nước liên quan. Ban đầu, Nhật Bản không biểu thị thái độ rõ ràng. Khi thách thức từ Trung Quốc tăng lên và việc Bắc Kinh nỗ lực áp đặt một số quyền cấm đoán đối với lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông, cùng với việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh và tìm cách kiểm soát Biển Đông đã gây ảnh hưởng lớn đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc khi kiểm soát thành công khu vực Biển Đông sẽ tập trung mọi nguồn lực để xâm chiếm khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Điều đó khiến Nhật Bản phải có bước điều chỉnh chiến lược, mang tính tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada (24/7/2010) tuyên bố khẳng định “Nhật không thể không quan tâm tới vấn đề Biển Đông”. Vì vậy, Nhật Bản đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại an ninh hàng hải với ASEAN, tập trung hỗ trợ việc xây dựng lực lượng Hải quân của Philippines, Việt Nam, Malaysia với hy vọng góp phần giảm thiểu sự đe dọa từ vành đai thứ hai đang tìm cách xâm nhập vào vành đai thứ nhất đe dọa Nhật Bản. Năm 2012, Nhật Bản và Philippines ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi quân nhân. Nhật Bản bắt đầu hỗ trợ Philippines hiện đại hóa lực lượng tuần tra ven biển bằng dự án Nhật Bản đóng 12 tàu tuần tra với nhiều trang thiết bị hiện đại. Chính sách tiếp cận vấn đề Biển Đông còn được đẩy mạnh dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe thông qua hàng loạt sự đổi mới về các quy định hạn chế về quốc phòng, chính sách đối ngoại tập trung hơn vào ASEAN, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia.