Ngày 19/9, Viện Quan hệ quốc tế Praha (IIR) thuộc Bộ Ngoại giao Séc phối hợp với Đại học Palacky Olomouc (Cộng hòa Séc) tổ chức hội thảo “Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”. Tại hội thảo, giới chuyên gia, học giả quốc tế tiếp tục lên án những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu là những chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu và trường đại học của Séc. Diễn giả chính tại hội thảo là Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á – Thái Bình Dương Viện Chatham House (Vương quốc Anh).
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Bill Hayton cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan giữa Trung Quốc và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn liên quan tới sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), vì đây là vấn đề tác động tới sự ổn định và phát triển của khu vực; cho rằng EU cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề Biển Đông và với thế mạnh của mình, EU cần hỗ trợ các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nâng cao năng lực an ninh hàng hải. Ông Hayton cũng cho rằng Trung Quốc không có chứng cứ và cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn”; tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như cam kết của nước này về việc duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực; nhấn mạnh trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần phải đánh giá bằng chứng mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đưa ra, đồng thời các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần thúc đẩy đàm phán, cùng cam kết duy trì hiện trạng, không mở rộng đòi hỏi tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, Tiến sỹ Bill Hayton cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) cho thấy Trung Quốc sử dụng sức mạnh nước lớn để đe dọa và cưỡng ép các nước trong khu vực từ bỏ quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như lợi ích hợp pháp của mình. Đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. EU cần quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông để ngăn chặn việc các quy tắc luật pháp quốc tế bị phá vỡ.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Tổng hợp Charles (CH Czech) nhấn mạnh các hoạt động đơn phương của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là việc trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Ông Takashi Hosoda nhấn mạnh, Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn giá trị chung của quốc tế.
Tiến sỹ Richard Turcsanyi, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Palacky Olomouc, cũng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tác động tiêu cực tới an ninh khu vực.
Trước đó, hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương, mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác cũng chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Theo giới chuyên gia, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà ASEAN và cộng đồng quốc tế cần làm là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc. ASEAN cần đoàn kết, tạo ra nhận thức chung trong khối về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, ASEAN cần xúc tiến việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên UNCLOS và các quy tắc quốc tế khác. Bài viết cũng đánh giá cao việc Việt Nam mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Tư Chính.
Đáng chú ý, cũng có ý kiến cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là yếu tố thúc đẩy các nước phối hợp để giải quyết vấn đề này. Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động đơn phương đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, do đó các quốc gia Đông Nam Á và những nước có lợi ích ở Biển Đông đã có những tín hiệu cứng rắn chống lại Trung Quốc.Đánh giá các động thái đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông thuộc Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) cho rằng, trong những tuần qua Trung Quốc đã có thêm những động thái vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Việc EU ngày 28/8 ra tuyên bố về biển Đông và 3 nước Đức, Anh, Pháp cùng ra tuyên bố chung ngày 29/8 là những động thái rất đáng chú ý. Theo ông Gerhard Will, khác với việc trước kia Biển Đông chỉ là một trong nhiều vấn đề trong một bản tuyên bố chung, lần này EU đã ra một tuyên bố chỉ đề cập đến tình hình Biển Đông, điều đó cho thấy châu Âu đã nhìn nhận vấn đề này theo một chuẩn mực mới, đó là đưa Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế. Mục đích của động thái này nhằm nhấn mạnh rằng, Biển Đông không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà còn bao gồm cả lợi ích quốc tế. Ngoài ra, việc châu Âu ra tuyên bố chung về Biển Đông còn chứng tỏ cộng đồng quốc tế mong muốn giải quyết vấn đề này theo luật pháp quốc tế.
Chuyên gia James Borton, Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts, Mỹ, nhận định, việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS, phớt lờ phán quyết từ Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, trong vụ kiện của Philippines, cải tạo, xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa trái phép ở quần đảo Trường Sa, ra lệnh cấm đánh bắt tại những vùng biển tranh chấp và phá hủy tràn lan hệ sinh thái tại các bãi san hô đã làm bật lên thực tế rằng Bắc Kinh đang đe dọa an ninh toàn cầu. Cùng quan điểm trên, Rudroneel Ghosh, bình luận viên từ India Times cho rằng việc làm của Trung Quốc “không khác gì hành vi bắt nạt”, khẳng định “chúng là hành động khiêu khích nhằm cho khu vực và thế giới thấy rằng Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ chịu hậu quả tại Biển Đông”; cho rằng Bắc Kinh coi Biển Đông là một yếu tố mấu chốt ảnh hưởng tới động lực phát triển và muốn thống trị nó. Tuy nhiên, có một lỗ hổng trong suy nghĩ này của người Trung Quốc. Các tình thế đối đầu ở châu Âu trong thế kỷ trước đã dẫn tới hai cuộc Chiến tranh Thế giới tàn khốc. Nếu một cuộc xung đột vũ trang quy mô nổ ra ở Đông Á, nó sẽ thảm khốc hơn trước đây rất nhiều bởi sự phát triển vượt bậc của vũ khí ngày nay. Trung Quốc có lẽ nghĩ rằng mối lo sợ về nguy cơ chiến tranh cùng nguy cơ rạn nứt mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các nước ở khu vực sẽ khiến họ không dám đẩy căng thẳng lên cao. Trong kịch bản đó, Bắc Kinh nghĩ họ có thể từ từ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông mà không thực sự gây ra xung đột. Tuy nhiên, mọi hành động đều sẽ nhận được phản ứng tương ứng và rất ít khả năng các nước ở Đông Nam Á sẽ chỉ ngồi nhìn.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Lucio Blanco Pitlo III từ tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương, trụ sở ở Philippines, nhận định những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng phá hoại các hoạt động kinh tế hàng hải hợp pháp do các quốc gia khác thực hiện, đồng thời không ngại tham gia vào các hoạt động khảo sát bất hợp pháp tại thềm lục địa những nước láng giềng. Trong khi các nước phải chịu đựng những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc thường tìm cách đối thoại để xoa dịu căng thẳng, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng nhiều khả năng sẽ dẫn tới những động thái phản kháng mạnh mẽ hơn, từ cả ASEAN và bên ngoài khu vực.
Được biết, từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia từ ngày 10 – 27/5 tại cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã được cấp phép thăm dò.