Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau chuyến thăm Bắc Kinh, Philippines sẵn sàng để TQ xây hạ...

Sau chuyến thăm Bắc Kinh, Philippines sẵn sàng để TQ xây hạ tầng viễn thông quân sự

Bất chấp sự phản đối, quan ngại của giới chức và người dân trong nước về rủi ro an ninh, Chính quyền của Tổng thống Duterte vẫn cho Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc trong các căn cứ quân sự của Manila.

Chủ nhiệm Văn phòng Báo chí Tổng thống Philippines Martin Andanar (19/8) cho biết, các lực lượng vũ trang Philippines đã ký biên bản ghi nhớ với Dito Telecommunity Corp, một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới của Manila, để xây dựng và quản lý tháp thông tin liên lạc và những hạ tầng khác trong các doanh trại và cơ sở quân sự. Trong đó, Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom là cổ đông nước ngoài chính của Dito. Còn người điều hành Dito là Dennis Uy – người tài trợ cho nhóm vận động tranh cử tổng thống của ông Duterte năm 2016. Theo Martin Andanar, “Philippines tin rằng sẽ không xảy ra vấn đề vi phạm an ninh vì các biện pháp bảo đảm sẽ được áp dụng theo đúng thủ tục an ninh”; đồng thời nhấn mạnh “những bận tâm, sợ hãi chủ yếu do hoang tưởng” và thỏa thuận giữa quân đội với Dito đã được các chuyên gia công nghệ thông tin của chính phủ kiểm tra kỹ lưỡng.

Mislatel là một công ty do doanh nhân quyền lực Dennis Uy, một đồng minh thân cận của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, kiểm soát. Hai công ty của ông, vốn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, hiện được tập đoàn viễn thông nhà nước Trung Quốc China Telecom nắm 40% cổ phần, mức tối đa được cho phép theo luật pháp Philippines. Mislatel được cấp phép trở thành nhà mạng thứ ba của Philippines hồi năm ngoái, sau khi các nhà thầu khác bị loại hoặc rút hồ sơ vào phút chót. Theo thỏa thuận sơ bộ vừa được ký, Mislatel được phép lắp các thiết bị viễn thông và trạm thu phát sóng tại các căn cứ, cơ sở của quân đội Philippines.

Trái ngược với sự yên tâm của Chính quyền Duterte, nhiều quan chức Philippines tỏ ra lo ngại về mặt an ninh khi công ty Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở quân sự cho Manila. Thượng nghị sĩ Philippines Francis Pangilinan cho rằng “sự liên quan của công ty viễn thông Trung Quốc trong các doanh trại của chúng ta không phải là chuyện đùa…Quan ngại ở đây là chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng thông tin được truyền qua hệ thống để phục vụ cho lợi ích của họ”. Ông Pangilinan lưu ý Trung Quốc có 2 luật, gồm Luật tình báo quốc gia 2017 và luật chống gián điệp 2014, ủy thác những tổ chức tư nhân và các công dân hợp tác trong việc thu thập thông tin tình báo; cho rằng Trung Quốc có thể dựa vào hai luật này để ra lệnh China Telecom cung cấp thông tin từ Philippines. Ông cho biết thêm nhiều nước khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản và New Zealand đã cấm cửa Tập doàn Huawei của Trung Quốc vì quan ngại an ninh. Cùng quan điểm trên, Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị người Philippines đang nghiên cứu tại Đại học Chengchi (Đài Loan) cho biết, “chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy các chi tiết kỹ thuật chính xác xung quanh thỏa thuận trước khi nói bản chất nó thế nào. Nhưng thực tế là China Telecom vừa là cổ đông chính vừa là bên cung cấp công nghệ chính cũng đủ khiến nhiều người nhíu mày”. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo những rủi ro mà 2 hãng viễn thông Philippines PLDT và Globe Telecom phải đối mặt khi sử dụng công nghệ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei để phát triển mạng 5G; cho rằng việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Philippines cũng như tác động đến quan hệ đồng minh của nước này với Mỹ. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra báo cáo về cuộc điều tra kéo dài một năm, trong đó đánh giá Huawei là mối đe dọa với an ninh Mỹ. Washington từng đề nghị các đồng minh, trong đó có Philippines, không sử dụng thiết bị của Huawei do lo ngại chúng có thể là thiết bị do thám.

Trong khi đó quân đội Philippines khẳng định thỏa thuận giữa Dito và China Telecom “đã vượt qua sự kiểm tra của chính phủ” về tiêu chuẩn làm ăn ở Philippines. Người phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philippines Edgard Arevalo tuyên bố các tháp viễn thông và cơ sở của Dito sẽ không tọa lạc trong cùng một nơi với cơ sở viễn thông của quân đội nước này. Hãng tin AFP cũng có nhận định tương tự, khi cho biết Mislatel đã cam kết “đảm bảo các máy móc, thiết bị cũng như cấu trúc được lắp đặt tại những cơ sở quân sự sẽ không được sử dụng để thu thập thông tin mật” như một biện pháp ngăn chặn hoạt động gián điệp điện tử. AFP cho hay họ cũng có thỏa thuận tương tự với hai nhà mạng nội địa là Globe Telecom và PLDT, nhưng cả hai nhà cung cấp dịch vụ này hiện rơi đều vào tình trạng quá tải do phải phục vụ 107 triệu dân trên cả nước và gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ.

Được biết, nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã âm thầm thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành bá chủ thế giới bằng cách đánh cắp công nghệ và những thông tin cơ mật của Mỹ. Thủ đoạn Trung Quốc dùng không chỉ thông qua tình báo kiểu truyền thống, mà còn theo những cách phi truyền thống. Theo đó, Trung Quốc sử dụng các biện pháp như lôi kéo các chuyên gia nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực quan trọng cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ của Mỹ; lôi kéo doanh nghiệp liên doanh chuyển giao công nghệ; mua lại các công ty Mỹ để có được công nghệ; các chương trình tuyển dụng nhân sự để thu hút nhân tài nước ngoài làm việc tại Trung Quốc để thu thập tin, đánh cắp dữ liệu. Trong đó, Trung Quốc thường xuyên sử dụng các công ty liên doanh để tiếp cận công nghệ và bí quyết kỹ thuật. Doanh nghiệp liên doanh về mặt lý thuyết là quan hệ đối tác: hai công ty làm việc cùng nhau để học hỏi các phương pháp hay nhất của nhau. Nhưng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, quan hệ đối tác này sẽ trở nên mờ nhạt. Trong một thời gian dài, nhiều công ty quốc tế đã phàn nàn rằng Trung Quốc yêu cầu họ trao các bí mật thương mại để đổi lấy việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc. Trong một số ngành, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động thông qua liên doanh, trong đó phía Trung Quốc phải chiếm đa số để chi phối được tình hình.

Một báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Mỹ (NEBR) tiết lộ, công ty Trung Quốc lợi dụng vào mối quan hệ liên doanh để thu được kiến ​​thức kinh doanh phong phú từ các công ty hạt giống nước ngoài, sau đó cho sản xuất sản phẩm tương tự và cạnh tranh với công ty nước ngoài. Đã có hàng loạt công ty nước ngoài cáo buộc rằng cách liên doanh này chẳng khác nào họ tự huấn luyện cho các đối thủ cạnh tranh với họ trong tương lai. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Thương mại Mỹ – Trung, gần 20% công ty Mỹ ở Trung Quốc cho biết trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc, họ bị yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Thomas Holmes, tác giả báo cáo NEBR chia sẻ với kênh Tài chính Yahoo rằng, để theo dõi những trường hợp này rất khó vì các công ty nước ngoài phải giữ im lặng do đã có những thỏa thuận hợp tác với phía Trung Quốc để được tham gia vào thị trường Trung Quốc. Holmes trích dẫn một trường hợp liên quan đến công ty Đức Siemens (SIE.DE), đây cũng là một trong những trường hợp mà Trung Quốc lợi dụng việc liên doanh để lấy cắp thông tin.

Trước đó, năm 2011, Giám đốc điều hành Kron (Patrick Kron) của công ty kỹ thuật Pháp Alstom (ALO.PA) cho biết, hãng Siemens có thể đã vô tình cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho các công ty Trung Quốc thông qua dự án hợp tác tàu cao tốc. Kron cho biết, Alstom không muốn tham gia quan hệ đối tác với Trung Quốc vì ông không muốn bàn giao “các thành phần công nghệ cao” cho các đối tác Trung Quốc. Vì công ty Trung Quốc có thể sử dụng những công nghệ cao này để cạnh tranh với họ. Alstom đã sớm khẳng định rằng 90% công nghệ đường sắt tốc độ cao được Trung Quốc sử dụng là lấy từ các công ty đối tác nước ngoài hoặc từ thiết bị do các công ty nước ngoài phát triển.

Từ đó cho thấy, việc quân đội Trung Quốc chấp thuận cho một công ty liên doanh với Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu mạng cho các căn cứ quân đội là quyết định tương đối mạo hiểm. Đã có rất nhiều bài học và sự cảnh báo từ giới chức trong nước, cũng như cánh báo từ phía Mỹ, song có lẽ vì lợi ích kinh tế và những thỏa thuận ngầm giữa ông Duterte cùng Tập Cận Bình, Philippines vẫn quyết để công ty liên doanh với Trung Quốc thực hiện các dự án trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới